Đêm 8/3, rạng sáng 9/3 (giờ Việt Nam), 4 cán bộ nhân viên tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không (Hà Nội) vẫn làm việc, túc trực tại cơ quan. Thường ngày mỗi ca trực chỉ có 2 người.
Hơn 1h sáng, các nhân viên theo dõi liên tục thông tin về chiếc máy bay xấu số trên kênh truyền hình quốc tế.
Anh Trung, nhân viên tại Trung tâm tuy không thuộc danh sách trực ban nhưng cũng có mặt để xử lý báo cáo. Bữa ăn nhẹ của các nhân viên diễn ra nhanh chóng lúc 2h sáng ngày 9/3 với mỳ gói, sữa tươi.
Thông tin về chiếc máy bay gặp nạn vẫn chưa có nhưng dự kiến đội tàu của Việt Nam đã tiếp cận được khu vực nghi vấn rơi phi cơ.
Đến 5h sáng, thông tin từ Trung tâm Hàng hải khu vực 3 (phía Nam) báo về chưa có thông tin mới do hoạt động của tàu thủy trong đêm khó khăn, tuy nhiên Trung tâm nhận được thông báo phía Singapore và Malaysia đều thay đổi vùng bay tìm kiếm rộng hơn dự tính.
Ông Dương Văn Khê, Trưởng Trung tâm cập nhật vùng tìm kiếm trên bản đồ ngay khi nhận được thông báo mới. Từ khi có thông tin về trường hợp mất tích của máy bay MH370, ông Khê liên tục có mặt tại văn phòng, chỉ dành được khoảng nửa tiếng về nhà ngay cạnh trung tâm để thay đồ rồi lại đến trực cùng các cán bộ khác.
Vùng tìm kiếm mới rộng hơn, Singapore mở rộng tìm kiếm hướng về phía đảo Thổ Chu của Việt Nam và Malaysia tìm kiếm dọc biển. Malaysia sau khi kiểm tra khu vực nghi có vết dầu loang cho biết chưa phát hiện điều gì bất thường.
Vẻ mệt mỏi trên gương mặt ông Lê Quang Tuấn, Trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không. Ông cho biết đã cùng một số cán bộ tại Trung tâm trực trắng gần hai ngày liên tục.
Vùng ô vuông màu chì là khu vực tìm kiếm mở rộng của Singapore. Khu vực hình chữ nhật sát Cà Mau là vùng kiểm tra của các máy bay Việt Nam dự định thực hiện trong ngày 9/3.