Kíp làm phim "Chí Phèo và những người bạn". |
Phim sẽ "lạ" hơn truyện?
Phóng tác trên cái nền truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao, để có được cái quyền mở rộng câu chuyện, thêm thắt nhân vật, bày vẽ những mối quan hệ mà trong truyện không đề cập đến, các nhà làm phim đã lặn lội về quê của nhà văn Nam Cao.
Cho phép phóng tác, nhận tiền tác quyền, con gái của cố nhà văn còn cung cấp cho các nhà làm phim nhiều chi tiết đắt giá có liên quan đến các nhân vật trong truyện Chí Phèo.
Cũng thông qua những người họ hàng của nhà văn, các nhà làm phim đã gom nhặt được nhiều chi tiết khác phục vụ cho việc phóng tác.
Nhân vật Chí Phèo trong truyện trên thực tế là "hình ghép" từ 3 nhân vật có thật ở ngoài đời. Một người cứ rượu say là chửi; người kia chuyên nghề giết lợn không lấy tiền mà chỉ xin ít phèo lợn làm đồ nhắm...
Phim của chúng tôi là một phiên bản mới. Có những nhân vật trong truyện xuất hiện mờ nhạt, thậm chí chỉ được đề cập trong 1-2 dòng, trong phim này sẽ có số phận dày dặn hơn, tính cách sắc nét hơn. |
Những trò "rạch mặt ăn vạ", hay mối tình "đôi lứa xứng đôi" của anh Chí trong truyện với mọi người là "chuyện đã cũ", nhưng những chi tiết chung quanh anh chàng say rượu và người giết lợn thuê "bằng xương bằng thịt" ở cái làng "Vũ Đại" trong truyện gần 70 năm trước thì không phải ai cũng biết.
Khai thác thêm những chi tiết này, các nhà làm phim "bắt" được một chi tiết khá thú vị khác liên quan đến một bộ tràng kỷ hiện còn được gìn giữ như một "báu vật" ở làng. Đó là bộ tràng kỷ của một người mà trong truyện, ông chính là nhân vật gia đinh trong nhà Bá Kiến.
Ngoài đời, Bá Kiến rất mê món "hát cô đầu". Một lần ông ta đi nghe hát ở Nam Định, lúc lấy tiền thưởng cho cô đầu mới biết quên túi tiền ở nhà. Bá Kiến sai gia đinh về nhà lấy tiền. Người này về nhà bắt gặp lúc bà Ba đang "có chuyện" với Chí Phèo. Ông không vào mà đánh động bằng cách đuổi gà ngoài sân.
Nhờ thế, chuyện không đến tai Bá Kiến, bà Ba cũng giữ được danh tiết. Cảm cái ơn "tha mạng", bà Ba đã tặng cho người này một bộ tràng kỷ.
Cũng nhờ gom nhặt các chi tiết từ làng quê của "anh Chí", các nhà làm phim đã biến một nhân vật Tự Lãng mờ nhạt trong truyện thành một anh chàng làm nghề hoạn lợn kết giao với Chí Phèo để đòi rượu nhà Bá Kiến.
Vợ Binh Chức cũng "thân phận" hơn với vai trò "mỹ nhân kế" trong hội đòi rượu toàn những nhân vật " rạch giời rơi xuống".
Cái chết của Bá Kiến cũng không giống trong chuyện. Chuyện tình của Chí Phèo và Thị Nở được bồi đắp thêm nhiều chi tiết lãng mạn hơn nhưng cũng khiến người xem cười ra nước mắt.
Cụm bối cảnh nhà Bá Kiến được dựng ở làng Đa Sĩ (Hà Tây); một cụm bối cảnh khác liên quan đến "hội đòi rượu" của Chí Phèo được thực hiện tại một làng nhỏ đối diện với làng Phù Lãng (Bắc Ninh).
Bộ phim sẽ đóng máy vào giữa tháng 9 để chuyển sang giai đoạn hậu kỳ.
Theo Văn hóa