Nguyễn Hữu Hồng Minh 'ăn bóng' trong thế giới ảo

Nguyễn Hữu Hồng Minh 'ăn bóng' trong thế giới ảo
TP - Nguyễn Hữu Hồng Minh - cây bút đoạt giải Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền Phong năm 1990 vừa ra mắt tập truyện cực ngắn lạ mắt “Người ăn bóng” (NXB Hội Nhà văn liên kết với Công ty Văn hóa và Truyền thông Phương Đông).

> Nguyễn Hữu Hồng Minh trong “Ổ thiên đường”
> Nguyễn Hữu Hồng Minh về với 'Ổ thiên đường'

Nguyễn Hữu Hồng Minh. Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Nguyễn Hữu Hồng Minh. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.

Nguyễn Hữu Hồng Minh là cây bút năng nổ với các lĩnh vực từ văn xuôi, thơ, phê bình, thậm chí cả sáng tác ca khúc... nhưng lần đầu tiên anh xuất bản một tác phẩm văn học mạng, mang dấu ấn mạnh mẽ của thời mạng xã hội với 94 tác phẩm ngắn, bao gồm truyện cực ngắn, thơ cực ngắn, những đoạn tâm sự, những hồi ức, hồi ký, trao đổi, bình luận.

Tác phẩm được viết ở khắp mọi nơi, trong nhà, buồng ngủ, quán cà phê, bên những ngôi mộ, nhưng dù viết nhanh hay chậm thì hơi văn cũng như đối thoại trực tiếp với người đọc, người like (yêu thích) trên mạng, đặc biệt là trên trang web cá nhân nguyenhuuhongminh.com.

Các nhân vật của Minh mang màu sắc của các biệt danh, những nickname (tên trên diễn đàn), với hàng trăm nhân vật, những câu chuyện khiến ta liên tưởng đến các nhân vật có thật, những tình huống có thật trong cuộc đời mà sự hư cấu và tả thật cứ xen lẫn vào nhau, chẳng hạn truyện “Tứ thập xuân” mô tả về chuyện tình của kẻ U50: “Sau những khoảng khắc ân ái mặn nồng của đêm. Nàng lim dim mắt. Sung sướng. Áp má nũng nịu. Cắn nhẹ vào vai chàng.

Chàng nằm ngửa. Ngó sững. Mông lung. Như tìm cái gì đó đã mất trên nền trời.

Nàng nghiêng người. Âu yếm. Cố tìm, dõi theo ánh nhìn chàng.

- Anh, em nói nè!... Em còn quấn quýt nóng bỏng như thế... Anh thấy sao?

Chàng im lặng. Vẫn tìm cái gì đó.

- Ờ! Thì là...”.

Nguyễn Hữu Hồng Minh 'ăn bóng' trong thế giới ảo ảnh 2

“Người ăn bóng” gồm 94 tác phẩm ngắn, bao gồm truyện cực ngắn, thơ cực ngắn, những đoạn tâm sự, những hồi ức, hồi ký, trao đổi, bình luận.

Những câu chuyện ngắn gọn như thế, hẳn cách đây chục năm, ngay tác giả cũng khó nghĩ đó là một truyện cực ngắn của văn học. Nhưng giờ đây, trong thời mạng cộng đồng, khi mà những chuyện viết dài dằng dặc, những ẩn ý bóng bảy sâu xa, những cảm xúc sâu kín đã nhường lại cho những ấn tượng và cảm xúc trực tiếp, những tình huống giản dị đời thường và những sự chia sẻ không ngại ngần, Nguyễn Hữu Hồng Minh đã chấp nhận và biến tất cả chúng thành văn chương của mình. Thậm chí tác giả còn đưa thêm cả những cái kết do bạn bè viết thêm trên facebook vào tác phẩm của mình, như đón chờ sự tương tác.

Tôi gặp Nguyễn Hữu Hồng Minh vào những năm 2000, khi anh ra Hà Nội và ghé thăm báo Tiền Phong, thăm nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, nhà thơ Hữu Việt. Khi đó nhà thơ này mặc chiếc quần nhiều túi màu bộ đội, mũ rộng vành, luôn sẵn sàng nói. Sau đó, khi vào thường trú ở Đà Nẵng, tôi đã tìm gặp lại Nguyễn Hữu Hồng Minh ở Cà phê Long. Chúng tôi cùng đi thăm nơi nhà thơ viết bài “Ăn hải cảng”, đó là một cái cảng gần như bị bỏ hoang. Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh lúc ấy tràn ngập ẩn dụ.

Năm 2007 gặp lại ở Sài Gòn, Nguyễn Hữu Hồng Minh vẫn giữ nhiệt huyết sáng tác tác phẩm để đời. Minh vẫn bị thôi thúc bởi những tác phẩm đồ sộ có tầm vóc châu lục và thế giới. Cuộc sống khép kín, cô độc, văn chương là một cách độc thoại, thậm chí chuyện xuất bản cũng không được quan tâm đúng mức. Sau nhiều năm, chàng mới in một tập truyện ngắn tập hợp các tác phẩm được cho là xuất sắc nhất của mình, được viết ở khắp mọi miền đất nước.

Giờ đây, ta có một Nguyễn Hữu Hồng Minh khác hẳn, đã và đang thuộc về thế giới ảo. Hầu hết các truyện cực ngắn trong tập này được viết ở các quán cà phê, bằng máy tính xách tay kết nối với các trang mạng. Các truyện viết xong, thường được đẩy ngay lên mạng. Chúng được biên tập kỹ hơn, nhưng cũng không thể so với những truyện ngắn trước đây, đôi khi chúng được viết cả năm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.