Lòng Sông

Lòng Sông
TP - Tôi giật mình tỉnh giấc. Vết roi ở mông mỗi khi lật người nằm ngửa lại nhói lên đau buốt. Đầu vẫn hâm hấp nóng, âm âm, u u như có một đàn muỗi bay vo ve trong đó. Miệng đắng ngắt. Cổ mỏi nhừ. Lật mình nghiêng về bên trái, tôi toan gọi mẹ lấy nước thì nghe tiếng bố mẹ nói chuyện bên bàn.

> Cái bóng ông chồng cũ
> Bụi

Minh họa: đỗ hiệp
Minh họa: Đỗ Hiệp.

Mẹ gằn lên từng tiếng trong cổ họng, như vừa muốn hét lên, lại vừa muốn kiềm chế lại. “Anh định giết nó à? Sao anh ác thế? Nó mà có thế nào thì tôi chết. Tôi chết”. Tôi he hé mí mắt nặng trĩu nhìn về phía mẹ.

Dưới ánh điện bàn, tôi thấy mẹ cắn chặt môi. Một dòng nước lấp lánh chảy ra từ đôi mắt thâm quầng của mẹ. Bố tôi ngồi đối điện. Ông không nhìn vào khuôn mặt vợ mà lặng lẽ nhìn ra phía cửa sổ.

Bố xoay người với chiếc điều cày mồi thuốc, bật lửa, hít một hơi thật sâu rồi để lại chỗ cũ. Ngửa cổ lên ông thả làn khói từ từ bay ra. Ông im lặng ngồi nghe vợ chì chiết.

Một lát, ông bảo “Thôi! Mình lại xem con nó còn sốt không?”. Mẹ đứng dậy, bước về phía tôi. Tôi cảm nhận rõ mùi thơm từ người mẹ toát ra. Nó không có mùi khó chịu như nước hoa cô hay dùng hay mùi dầu gội của cậu.

Mùi của mẹ quyện với mùi dầu Trường Sơn thơm dễ chịu. Mẹ đặt bàn tay lên trán, lên má, rồi lại sờ nắn tay, chân tôi. Mẹ vuốt mái tóc tôi nhè nhẹ. Tôi tưởng tượng được mẹ đang âu yếm nhìn. Mẹ có một đôi mắt đẹp nhất mà tôi từng biết.

Hôm nay, là ngày giỗ anh trai. Một người anh trai mà tôi chẳng có gì để nhớ. Bởi lẽ sau ngày anh mất một tháng tôi mới chào đời. Tôi biết anh qua tấm ảnh trên ban thờ. Một khuôn mặt dễ thương với đôi mắt đẹp của mẹ.

Đôi khi, trong những lần lảm nhảm một mình, tôi vẫn thầm ghen tỵ với anh vì không được sở hữu đôi mắt ấy. Anh mãi dừng lại ở tuổi lên sáu. Chẳng ai nói cho tôi vì sao anh mất. Chỉ thi thoảng bà thường khen tôi. Thông minh giống hệt anh, rồi bà lại ngậm ngùi quay mặt đi.

Tôi lên tám, cũng bằng với số năm anh mất. Mẹ dậy sớm đi chợ. Mẹ chuẩn bị mâm cỗ tươm tất để mời anh về. Bố ngồi nói chuyện với bác cả và bà nội trên phản ngay dưới ban thờ, gọi là chỗ tiếp khách.

Nhà tôi, năm nào cũng thế, đến ngày giỗ anh là làm hai mâm cơm mời bà nội và bác cả sang dự cùng. Tôi và hai anh nhà bác cả đang chơi ở sân sau thì cái Hoa hàng xóm sang rủ chúng tôi đi thả diều.

Trời hôm nay nhiều gió. Chúng tôi chạy lên triền đê và thả sức nô đùa. Mặt trời bắt đầu lên cao. Nhìn theo cánh diều một lúc là chúng tôi hoa hết cả mắt. Cuộn diều toan về vì trước khi đi bố dặn liệu giờ về mà ăn cơm.

Cái Hoa lại bảo: “Bọn mình ra đảo chơi đi”. Đảo của chúng tôi là dải đất nhô lên giữa lòng sông Hồng. Muốn ra đảo thì phải lội qua một đoạn nước ven bờ. Nước nông chưa đến đầu gối vì giờ vẫn chưa đến mùa mưa. Tôi ngần ngừ. Bố mẹ thường cấm tôi ra đảo chơi.

Thật ra bố mẹ cấm thế thôi chứ buổi học nào chúng tôi được nghỉ sớm đều tranh thủ ra đó một lúc rồi về. Những lúc ấy bố mẹ không biết nên không sao. Hôm nay, sợ đi chơi lâu bố mẹ đi tìm mà thấy thì sẽ bị ăn đòn.

Thấy tôi ngần ngừ anh trai cầm tay kéo đi và nói “Bọn mình cùng giữ bí mật nhé! Không ai biết đâu mà sợ”. Tính trẻ con ham vui là quên hết. Chúng tôi nô đùa săn những con chuột nấp trong bụi cỏ. Vẽ lên cát ô chùa rồi cùng nhau chơi ô ăn quan. Được một lúc tất cả lại mon men ra sát bờ nước.

Đứng trên chỗ cát ẩm rồi nhún nhún chân cho cát mềm ra cảm giác rất thích. Để cát ôm hết bàn chân mình rồi lại rút chân lên bước ra chỗ khác tiếp tục chơi. Cát ôm chân rất chặt, tôi đu người về trước, ngả về sau mà không lo bị ngã. Càng đứng lâu chân càng lún xuống.

Cát ôm ngang bắp chân tôi. Tôi rút chân lên, nhưng sao thế này? Tôi bắt đầu lo sợ và khóc thành tiếng. Ba đứa trẻ bâu quanh tôi, lấy tay kéo lên. Mặt đứa nào đứa nấy tái mét. Nắng chiếu gắt, mắt tôi nhòe đi. Nắng trắng. Cát trắng. Bỗng tôi cảm thấy có một bàn tay rắn chắc sốc lấy nách tôi và kéo phăng tôi lên.

Dưới chân tôi nhẹ bẫng như có ai đó ra sức đẩy. Bố vác tôi trên vai chạy như bay về phía triền đê. Tôi bị đánh một trận nhừ tử. Cây roi dâu bố gác mái bếp chưa một lần dùng đến. Bố vừa quất vừa mắng tôi. Tôi gào khóc, rồi tôi không khóc nữa. Tai ù đi. Mẹ chạy vào ôm lấy tôi.

Đêm đó, tôi sốt. Người nóng hầm hập và mê man. Tôi không thể nằm ngửa bởi vết roi ở mông và đùi. Nằm nghĩ ngợi và thấy tủi thân vô cùng. Bố đánh tôi rất đau, lại mắng tôi nặng nề.

Ông nói tôi là một đứa con hư, không biết nghe lời. Năm nào tôi cũng học giỏi đứng đầu lớp mà hư sao? Tôi luôn được thầy cô khen mà hư sao? Chỉ vì tôi ham vui một chút mà cũng đánh mắng thậm tệ. Tôi ghét bố lắm. Bố không thương tôi. Có phải vì tôi là con gái? Hay, hay tôi chỉ là con nuôi? Vậy cứ để tôi chết đi cho rồi. T

ôi nghĩ giá như bố vác tôi về rồi ôm tôi khóc vì đã cứu được tôi khỏi tay tử thần thì tôi đã xúc động biết mấy. Nước mắt tôi không hiểu từ lúc nào cứ ứa ra theo dòng suy nghĩ.

Bố thở dài giọng nói như đứt quãng. “Cũng tại tôi… nếu ngày ấy tôi trông con cẩn thận hơn thì đâu đến mức… Hôm nay, tôi sợ quá…mất bình tĩnh…”. Bố bỏ lửng câu nói. Chắc rằng bố sợ tôi bị Hà Bá nuốt. Bố vẫn thường bảo khúc sông chảy qua làng tôi bị quỷ ám.

Bố cấm tiệt tôi mon men chơi gần đó. Bố ghét dòng sông như những người thẳng thắn ghét điều dối trá. Nếu có việc gì bất đắc dĩ phải sang bên kia làng, bố thường chạy xe qua chiếc cầu cách nhà gần hai chục cây số. Có thế nào thì ông cũng nhất định không qua bằng đường đò.

Dẫu rằng qua bằng đường đò thuận tiện hơn rất nhiều. Tôi không hiểu sao bố lại ghét dòng sông đến thế. Đã đôi lần tôi hỏi mẹ. Mẹ thường lảng tránh bằng một câu chuyện khác. Bố ghét dòng sông trong mỗi câu nói, giấc mơ của mình.

Ấy thế mà có đôi lần đi học nhóm về tôi lại thấy dáng ông lụi cụi bên vực nước thả những chiếc đèn hoa. Tôi không dám đến gần, không dám hỏi. Qua ánh trăng, tôi không nhìn được khuôn mặt ông, chỉ thấy dáng ông liêu xiêu đến tội. Thi thoảng ông đưa tay lên quệt ngang mắt.

Người tôi bỗng trở nên lạnh run rẩy. Mới mấy phút trước còn nóng ran muốn đạp tung tất cả mọi thứ xung quanh, thì bây giờ lại lạnh đến gai người. Tôi khua tay tìm chăn đắp. Mẹ hốt hoảng từ bên bàn chạy sang. Bà giặt khăn mặt bằng nước nóng lau người, lau tay, lau mặt cho tôi. Bà chép miệng “Rõ khổ! Chắc sợ quá trong mơ còn khóc đây này”. Đầu tôi nặng trĩu. Tôi cố giỗ giấc ngủ. Thoang thoảng trong nhà mùi hương nhang.

Nắng trắng. Cát trắng. Tôi đang nô đùa trên hoang đảo của chúng tôi. Một bàn tay cầm lấy tay tôi. Chúng tôi bắt đầu chạy. Tôi chạy miên man dọc theo bờ nước. Người bên cạnh cùng tôi vừa chạy, vừa cười lanh lảnh.

Em mặc đồng phục của trường tôi. Tóc cắt ngắn gọn gàng. Em thấp hơn tôi một cái đầu vì thế tôi quyết định gọi người bạn ấy là em trai. Em quay lại nhìn tôi cười. Ánh mắt em ánh lên một sự hân hoan. Một ánh mắt thân quen, ấm áp làm tôi có cảm giác quen em từ rất lâu rồi.

Tôi hỏi em tên gì? Em cười. Tôi hỏi em học lớp nào? Em cười. Tôi không hỏi nữa. Chưa bao giờ tôi lại thấy gần gũi và quen thuộc với một người bạn lần đầu tiên gặp đến vậy. Có lẽ là do ánh mắt của em. Tôi không lý giải được. Chúng tôi cứ chạy bên nhau lâu như thế.

Tôi không thấy mệt. Tôi thấy người mình nhẹ bẫng. Không còn đau ở mông hay đùi. Chúng tôi cùng chơi trò yêu thích. Nhún cát! Tôi nặng hơn em nên nhún cát lún nhanh hơn. Em vừa nhún vừa cười. Nhìn em, tôi ước gì mình có đôi mắt như thế.

Tôi giật mình vì điều ước ấy. Hình như tôi cũng đã từng ước đôi mắt mình giống ai đó. Nhất thời, tôi không tài nào nhớ nổi. Đầu tôi lúc này như khoảng trời nhiều mây. Rất thoải mái nhưng không nhớ nổi điều gì rõ ràng.

Mải nghĩ cát đã ôm ngang bắp chân tôi. Chân tôi cứng ngắc. Tôi không thể nào rút lên được. Tôi đưa ánh mắt cầu cứu về phía em. Em chạy lại phía tôi.

Em cầm lấy đôi tay tôi động viên: “Đừng lo lắng, sẽ không sao đâu”. Giọng nói của em có gì đó quen lắm! Tôi trấn tĩnh nhưng vẫn chưa hết lo sợ. Em cúi xuống, đôi bàn tay bé bỏng của em nắm lấy đầu gối tôi cố kéo. Bỗng một bàn tay rắn chắc xốc vào nách và kéo phăng tôi lên.

Bố vác tôi chạy như bay về phía triền đê. Qua vai bố, tôi thấy em đứng đó. Tôi gọi em theo cùng. Em mỉm cười vẫy tay: “Em về đi. Giờ anh đã thuộc về một thế giới khác”. Hình ảnh của em chìm dần, mong manh như hơi nước. Bố vừa đặt chân lên triền đê. Một cơn đại hồng thủy ập đến lấp đầy hoang đảo. Giờ chỉ còn mênh mông là nước. Nước! Nước! Tôi hét lên.

Mẹ lay tôi dậy. Người tôi rịn mồ hôi. Ôm mẹ khóc rấm rức. Mẹ vỗ nhè nhẹ vào lưng tôi. Mẹ thủ thì “Qua rồi con yêu”. Bố vẫn thức. Bố rút một nén hương châm lửa. Tôi nhìn theo. Trong ánh sáng lờ mờ của hai bóng đèn quả nhót ngay trên ban thờ, tôi nhận ra. Tôi mỉm cười.

Hà Nội 15/8/2013

Truyện ngắn của
Phạm Hương Hương

Trong cơn lũ những truyện ngắn lập lòe ánh đèn đô thành, dày đặc tình tiền, Phạm Hương dường như lại tìm đến một dòng chảy khác. Lòng sông trong câu chuyện của cô chính là câu chuyện trong lòng người. Cách viết lấy nhân vật trung tâm là một đứa bé cũng là một lối đi khó.

Lòng Sông ảnh 2

Phạm Hương chân thành: “Tôi vẫn mải miết đi tìm tôi qua mỗi trang viết. Tôi thấy mình mắc nợ ở nhiều cuộc đời, nhiều số phận...”. Một suy nghĩ mà nhiều người viết được gọi là chuyên nghiệp có khi đã đánh rơi mất từ lâu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG