> Quanh Hồ Gươm lại bàn chuyện Vua Lê
> Quốc ca: 'Văn Cao có sửa thì sửa'
Năm 1964 tôi vào Đại học. Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp hồi đó ở gần chùa Láng, gồm những dãy nhà một tầng, lợp ngói đơn sơ. Lớp chúng tôi có 34 người, Nam, Bắc, Kinh, Tày, Thái, Mường đủ cả. Lúc này, không khí xã hội đang có những biến động lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Năm đó, dù học giỏi, chúng tôi cũng không được cử đi nước ngoài, trong khi các anh chị đang theo học ở Liên Xô và Đông Âu (chủ yếu các ngành khoa học xã hội) ùn ùn kéo về nước, vào học tiếp tại năm thứ hai, năm thứ ba. Một số thầy như thầy Trần Đình Hượu, đang nghiên cứu triết phương Đông tại Liên Xô cũng về giảng dạy tại khoa.
Các bộ phim Nga như Người thứ 41, Khi đàn sếu bay qua, Bài ca người lính, trước đó ít lâu còn chiếu rộng rãi ngoài rạp, nay bị cho là mang đậm tư tưởng xét lại, ảnh hưởng thế giới quan tư sản.
Núi đồi và thảo nguyên của Aitmatov, Bông hồng vàng của Paustovsky (còn có chuyện liên quan đến dịch giả nữa) cũng đang bị soi xét, thậm chí truyện ngắn Đốm lửa của Korolenko viết từ 1901 cũng bị phê phán.
Người ta căn cứ vào câu văn: “Nhưng cuộc sống vẫn trôi giữa đôi bờ ảm đạm ấy, còn những đốm lửa vẫn cứ mãi xa xăm” để cho là nhà văn có tư tưởng ngờ vực con đường xã hội chủ nghĩa…
Tôi nhớ, mình đã vô cùng sửng sốt khi người bạn ở lớp trên chỉ cho tôi một người đàn ông dáng người thấp, đậm, mặc quần ta màu nâu, tay cầm chiếc que nhỏ, đang xua mấy con vịt vào chuồng và bảo đó là thầy Lê Đình Kỵ. Mãi sau tôi mới biết thầy đang bị phê phán gay gắt khi cho xuất bản tác phẩm Các phương pháp nghệ thuật trước đó ít lâu.
Những người phê phán cho rằng thầy sai lầm trong nhận thức, chịu ảnh hưởng lý luận phương Tây (bấy giờ phương Tây là khái niệm chung, chỉ tất cả những gì thuộc thế giới tư bản)…
Mặc cho tất cả những điều đó, các tân sinh viên vẫn rất háo hức với cuộc sống mới, với chặng đường đời mới. Chúng tôi háo hức nghe thầy Nguyễn Tài Cẩn, thầy Lê Đình Kỵ, thầy Bạch Năng Thi, thầy Hoàng Xuân Nhị, thầy Đinh Gia Khánh… những người chúng tôi đã nghe tên, đã đọc các giáo trình, các bài viết từ thời học phổ thông và ao ước được gặp mặt.
Chúng tôi kéo nhau ra câu lạc bộ Đoàn Kết để nghe giới thiệu trường ca Chim Ch’Rao của Thu Bồn. Lúc về, hết tàu điện, cả bọn cuốc bộ, cười nói râm ran giữa phố khuya. Chúng tôi theo dõi tình hình chiến sự miền Nam từng ngày, chúng tôi tiễn đưa các anh chị lớp trên vào chiến trường và sẵn sàng cho chuyến đi của mình. Vào chính lúc này, chính trong không khí này, tập thơ Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên đã “hớp hồn” lũ trẻ chúng tôi.
Tôi không nhớ người thầy nào hay bạn thơ nào (lớp chúng tôi có nhiều bạn làm thơ như Trúc Thông, Ngô Thế Oanh, Trần Mạnh Thường, Trần Đương…) đã thổi bùng lên niềm say đắm tập thơ Ánh sáng và phù sa trong những năm tháng đó.
Chỉ nhớ rằng những câu thơ của Chế Lan Viên đã chiếm ngự tâm hồn các chàng trai, cô gái của khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp. Trên các con đường nhỏ của ký túc xá, trên giảng đường, trong các lần nhóm họp, luôn vang lên những câu thơ của ông: Rồi cờ sẽ ra sao, tiếng hát sẽ ra sao/ Nụ cười sẽ ra sao/ Ơi Độc lập/ Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc/ Khi tự do về chói ở trên đầu… Tổ quốc thân yêu như quả tim thầm/ Ở giữa lòng ta nào ta có biết…
Đêm xa nước đầu tiên ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi càng hiểu nước đau thương… Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc/ Sắc tài sao mà lại lắm truân chuyên/ Cành xuân phải trao tay khi nước mất/ Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên/ Giá đem lòng tôi tôi đọc Nguyễn Du/ Có phải đã hiểu nhân dân mình thêm chút nữa…
Câu thơ đập như trái tim còn trẻ/ Mừng vui quá bỗng rưng rưng giọt lệ/ Như sáng mai xuân mà sương ướt trên cành… Em đi, như chiều đi/ Gọi chim rừng bay hết/ Em về, tựa mai về/ Rừng non xanh lộc biếc… Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét/ Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng/ Ngày xuân tới chim rừng lông trở biếc/ Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương…
Chính cảm hứng dân tộc da diết, mãnh liệt, chính nỗi vui ngỡ ngàng sau thương đau, niềm tin cuộc sống sau bao nhiêu dằn vặt, trăn trở đã lôi cuốn chúng tôi. Chính chất trí tuệ, chất nghĩ (còn thiếu trong thơ lúc bấy giờ) đã chinh phục chúng tôi.
Chính sự biến hóa kỳ ảo của nghệ thuật ngôn từ, chính lối diễn đạt tân kỳ “Xanh biếc màu xanh, bể như hàng nghìn mùa thu qua còn để tâm hồn nằm đọng lại/ Sóng như hàng nghìn trưa xanh, trời đã tan xanh ra thành bể và thôi không trở lại làm trời” đã như mở ra một cánh cửa mới cho các cây bút trẻ.
Chế Lan Viên (đứng giữa). |
Làm việc tại Viện nghiên cứu văn học chưa bao lâu tôi đã nhận thấy việc nghiên cứu, phê bình không hợp với mình. Tôi chuyển về làm biên tập thơ tại nhà xuất bản Văn nghệ giải phóng.
Nhà xuất bản đóng tại 42 Yết Kiêu, trong khuôn viên trường Đại học Mỹ thuật, chỉ cách Hội Nhà văn bên 65 Nguyễn Du vài bước chân. Một lần, tôi qua thăm anh Bùi Hòa, bạn học cũ, đang làm việc tại tạp chí Tác Phẩm Mới. Tôi được gặp Chế Lan Viên lần đầu tiên tại đó. Tôi kính cẩn chào ông. Ông nhìn tôi, mắt hơi nheo lại khi cười: “Tôi biết cô mà”.
Chế Lan Viên có nụ cười rất hóm hỉnh, thân tình. Ông khiến tôi bớt ngại ngần. Trước lúc phải đi đâu đó, ông còn dặn tôi chịu khó đọc của mọi người, ông bảo đó là cách học tốt nhất. Sau này, ông vẫn dặn đi dặn lại tôi chuyện đọc, chuyện học, cả chuyện học ngoại ngữ nữa.
Có lần, ông còn giở cuốn sổ nhỏ, chỉ cho tôi xem ông đã ghi lại những câu thơ hay của các nhà thơ trẻ. Sau này, khi tôi về làm việc tại nhà xuất bản Tác Phẩm Mới (lúc này không còn tờ tạp chí nữa) tôi thường gặp chú hơn. Lần nọ, ông bảo tôi đưa cho ông một số bài thơ mới viết. Tôi vừa mừng vừa lo, chép vào cuốn vở học trò khoảng mươi bài. Vài tuần sau ông đưa lại cho tôi.
Bên cạnh những bài viết là những nhận xét kỹ càng, khen có, chê có. Chế Lan Viên có lối viết rất lạ, không ngay hàng thẳng lối như mọi người mà xiên xiên trên trang giấy, chỗ dôi ra, chỗ thu lại, tạo nên những khối chữ không đồng đều, rất lạ mắt.
Chữ của ông cũng khó đọc.( Các chị đánh máy ở Hội Nhà văn rất sợ khi đánh máy bản thảo cho Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh vì lối chữ khác người của các ông. Đánh máy bản thảo thơ, chữ lại khó đọc, việc đánh chữ tác ra chữ tộ là sự thường). Tôi thật tiếc đã không giữ được cuốn vở sau nhiều năm tháng với những lần thay đổi chỗ ở.
Trước sân 65 Nguyễn Du có một chiếc ghế đá, dưới gốc thông. Thỉnh thoảng hai chú cháu ngồi trò chuyện tại đó. Chú hỏi thăm ba tôi, hỏi thăm nhà tôi - người chuyên nghiên cứu văn học cổ Việt Nam nhưng đã viết bài Chế Lan Viên và những tìm tòi trong nghệ thuật thơ từ 1967, sau khi đọc Ánh sáng và phù sa và Hoa ngày thường - Chim báo bão.
Ông kể cho tôi nghe về chuyện cũ, về những tháng ngày khó khăn nhất khi chữa bệnh ở Trung Quốc, về gia cảnh và bệnh tình của Thanh, con gái ông, mới tốt nghiệp đại học ở Liên Xô… Khác với lối nói nhát gừng của Hoàng Trung Thông, khác với kiểu rù rì thật thà của Tế Hanh, Chế Lan Viên có cách nói chuyện sinh động, sắc sảo, giàu hình ảnh.
Nghe chú mới ốm dậy, tôi khuyên chú tập thể dục, chú đáp ngay: “Thà chết còn hơn”. Chú kể, trong cuộc họp, ông NHT phê bình chú dìm ông ấy, chú đáp, người ta chỉ dìm cái gì nổi thôi. Chú nói chú làm thơ suốt đời mà có lúc cảm thấy như mình càng bơi càng xa bờ. Chú vừa tủm tỉm cười vừa bảo tôi: Mãi rồi chẳng còn mùa tự nhiên nữa, mùa xuân, mùa thu gì cũng phải gắn thêm một sự kiện.
Lúc sắp vào Sài Gòn, chú nói với tôi: Chú thấy mình như cái cây đã lớn mà bị bật rễ vậy. Năm 1984, biết tôi có chuyện không vui, chú từ Sài Gòn ra, gọi tôi lại dặn dò: Cháu đừng buồn quá. Với người thường, một ngôi nhà cháy chỉ còn lại tro than nhưng với nhà thơ, biết đâu sẽ có được một con phượng hoàng tái sinh từ đó.
Ở một người khác, các ví von như vậy rất dễ rơi vào sự điệu đàng, làm dáng nhưng ở Chế Lan Viên, đó là điều tự nhiên và hoàn toàn thuyết phục người nghe, khiến người nghe thích thú, cảm thông. Chính năm này, chú gửi tặng chúng tôi tập thơ Hoa trên đá với lời đề tặng: Kính tặng anh Nguyễn Lộc và cô Ý Nhi, rất quý tài năng thơ và phê bình của hai bạn.
Chúc Ý Nhi và anh Lộc vượt qua và đứng lên trên những sự khó khăn, dù sao cũng tạm thời. Thân yêu. Chế Lan Viên. Có hôm ba tôi đi họp về, bảo tôi: “Ba gặp Chế Lan Viên, Chế Lan Viên bảo Ý Nhi khá lắm”. Tôi hiểu niềm vui của người cha trong cách truyền đạt có vẻ khách quan ấy. Chúng tôi thực sự biết ơn chú.
Trong bài thơ dài gửi Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên đã viết: "Thiên hạ người người yêu ông/ Tôi, thiên hạ ghét/ Gặp tôi người người lườm nguýt/ Nghe ông người ta thông/ Mà ông đằm tính/ Tôi thường hay gây”. Tất nhiên, đó chỉ là cách nói thậm xưng của nhà thơ. Nhưng không phải không có một phần sự thật.
Là một người sáng suốt, sống có ý thức, Chế Lan Viên hiểu rằng với cá tính quyết liệt, yêu đến cùng, ghét đến cùng của mình, ông khiến cho nhiều người không ưa, thậm chí oán giận, thù ghét. Ông không né tránh, không thanh minh, ông sẵn sàng đối mặt với sự thật ấy: “Nghĩ rằng có bao nhiêu người vui khi mình gặp tai nạn, nên mình thấy mình có ích” (Thư gửi Hoàng Trung Thông).
Là một người ngay thẳng, hướng thiện, ông thừa nhận: “Vậy mà gặp lúc chúng tôi, trong ấy có tôi là những người bắt đầu có lý (chữ Aragon khen Eluard) dần dần lại quá ham có lý mà từ lý sự quá quắt đi đến lý sự cùn. Là người sinh ra để giải quyết mâu thuẫn ta lại rơi vào cái thuyết không xung đột, không mâu thuẫn…
Hơn thế, lại tự sản xuất ra thuyết không bi kịch giết chết tươi tiếng khóc (và đã không khóc tất nhiên không cười), giết chết cả thằng hề ở cái xứ có hề gậy, hề mồi, Trạng Quỳnh, tiếu lâm… Những cái sự của đời đã uốn nắn lại cái lý của ta.
Khóc hổ ngươi cười ra nước mắt, đôi phen ta dở khóc dở cười… nhưng ta cũng đã bịt tai, cứng lòng lại ít lắng nghe cái ngọn gió sầu vô hạn thổi ở bên ngoài căn phòng ta ở, trong gió ấy vì không có những vấn đề xã hội, thì cũng có số phận con người…” (Lời tựa tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử, NXB Văn học 1987).
Vậy nhưng Chế Lan Viên lại là người có nhiều bè bạn yêu thương ông và để ông yêu thương. Ông yêu thương đằm thắm, chăm chút tỉ mỉ, sẻ chia tận lòng, thủy chung nhất mực. Tôi biết có những con người tiếng tăm lừng lẫy nhưng hoàn toàn cô độc. Chế Lan Viên khác họ. Ông có nhu cầu đem cho, có khả năng đem cho. Xin hãy đọc những bức thư ông viết cho bạn bè.
Thư cho Nguyễn Văn Bổng: “… Bổng ơi, cố gắng lành đi. Tao thấy tương lai mày thật rực rỡ. Mày sẽ viết quyển tiểu thuyết có lần hé nói với tao. Với cách đặt vấn đề lớn mày có sẵn, với cái tươi mát dào dạt đã thấy rõ ở chuyện sau cùng Về thành phố, tao tin chắc mày sẽ còn đi xa. Nhưng trước hết là chữa bệnh.
Một tháng mà lành ư. Tao không tin như thế. Có về cũng phải cẩn thận… Anh Hoài Thanh ốm, Thi nghe xanh, Lư cũng yếu nhiều. Anh em họ nhà Trần Hưng Đạo lẽ ra phải cho đi nghỉ mát cả… Nhớ thương mày nhiều. Nhớ Bổng từ Dưới đáy sông Hương, những ngày đầu Nhập vào đám đông. Nhớ dạo lụt căn nhà nhỏ khu tư, nhớ sau này tao hay gắt mà mày vẫn cười, vì một bụng thương tao và vì hiểu…
Cuối tháng này nếu có ai về và họ nhận, Hoan sẽ gửi cho Bổng cái cặp mạch. Mỗi buổi chiều khoảng ba giờ nên cặp. Quãng 37 độ là bình thường. 37 độ trở lên là phát triển. Xem đó để kịp thời điều dưỡng mình. Nếu có khạc ra máu thì cứ nằm dài. Nằm vài hôm là hết. Đừng hốt hoảng gì. Buổi tối lấy nước nóng ngâm chân độ 15-30 phút sẽ ngủ tốt…
Bổng ơi, viết cái gì về miền Nam đi. Sau cái truyện Phụ nữ tiến bộ ấy Bổng liệu có khỏe thì viết cái truyện miền Nam mà Bổng bàn với Hoan hôm ăn phở. Ở đây xa nước, nhớ nước là nhớ miền Nam. Sao Hoan vẫn chưa viết được gì… Tưởng có khỏe không. Có đi đâu không. Nói Hoan thăm Tưởng. Vợ con Bổng ra sao. Có buồn vì Bổng ốm không… thuốc dặn, cuối tháng này có ai về Hoan sẽ gửi. Sách sẽ gửi cho Thông và Bổng…”.
Và, thư cho Hoàng Trung Thông: “... Được thư Thông rất mừng. Từ hôm gặp Thông năm ngoái đến nay tụi mình cứ nhớ bữa rượu mà Thông và chị đãi mình và Thường trước khi đi nghỉ ở Liên Xô. Nhưng Thông yên tâm. Sức khỏe mình về vườn lại khá ra. Mình xách nước, hốt bèo, bón cây, nhảy xuống ao lấy phân khá thành thạo… Để cho đỡ nản, mình thi vị hóa khu vườn này đặt cho nó một cái tên hơi “cải lương La Mã diễm huyền” - Viên Tĩnh Viên mà các con gọi đùa là “viên viễn viên”.
Mong có ngày Thông vào đây, ở chơi với vợ chồng mình dăm hôm và mình cũng có tí tửu đãi Thông chứ… Vậy thì năm 1988 Thông lo tập hợp thơ đi, nửa năm mình viết tựa, in, thì đầu năm 1989 có tuyển. Mình chắc còn sống đến năm ấy… Nghĩ đâm buồn cho mình… Chả còn mấy ngày xuống mồ, lẽ ra phải làm từ 1986 mới phải chứ… Thông thân yêu, đọc thư ông mình muốn khóc… Sáng nay ông Giang nhắn mình viết bài về lễ truy điệu Thanh Tịnh. Cứ cái đà này còn “đi” nhiều nhiều.
Nghe Bổng mổ mắt, Phồn yếu, Lư yếu, Tô Hoài yếu, Đỗ Nhuận liệt, Hanh mắt mờ, Trần Huyền Trân hoại thư, Nguyễn Minh Châu sốt lại dữ… Đừng lo chi cho mình. Mình ở đây khí hậu tốt, trong tháng trước có khạc ra máu nhưng lại khỏe ngay. Ở đây viết bài báo, nói chuyện cũng có tiền, cho nên mặc dù cho thiên hạ “vô hiệu hóa” mình và Thường vẫn lay lắt sống được…”.
Và bài thơ dài thâm thúy, chân tình Gửi trạng Thông họ Hoàng: Thế mà lạ không/ Hai đứa thân nhau mãn kiếp/ Từ đit nớp xăng ca răng xết/ Mà chưa phản thùng/ Nhớ cái chiều đưa ma gió rét/ Tiễn Diệu đi vô cùng/ Trên xe tang mệt nhọc/ Có cô Bạch Diệp/ Tôi ngồi bên ông… May mà ông giải oan/ Gửi cho tôi nắm lục lằng quái quỷ/ Ăn một miếng nhớ trời nhớ bể/ Nhớ trăm thứ đầu cua tai nheo, rồi nhớ mẹ… Thằng con Quảng Trị/ Lớn lên Nghĩa Bình/ Già ở Tân Bình/ Một cây mấy rễ/ Một đời lang thang… Tôi biết ông có lắm nỗi buồn sâu/ Nên ông uống rượu… Thề có tóc hoa râm nay muốn bạc trên đầu/ Tôi không yêu thơ ông lúc nào hả hả?/ Yêu cái câu sức người hóa thân cho sỏi đá/ Yêu cái câu phi ngựa lên đèo Thẩm Mã/ Yêu câu Bắc trộn vào Nam trong sóng cửa Tùng/ Yêu câu Nguyễn Du nấm mộ giữa đồng/ Yêu câu hoa hồng/ Ngát mùi hương cúc… Thơ ông chân chất/ Lúa lên hương giữa đồng/ Thơ ông suối trong veo/ Chở tấm lòng rất thật… Kìa đầu Thông bây giờ bạc trắng/ Thay vào rượu giải sầu, ta tính sao đây… Và, khi làm tuyển thơ Hàn Mặc Tử, người khiến ông vội vã làm cho kịp chính là Mai Đình - người phụ nữ đã yêu thương bạn ông với một tình yêu cao thượng, vô tư, nay mái đầu đã bạc trắng: “Làm tuyển, viết tựa chậm một ngày nào là thiếu đi một người trong những bạn bè thân yêu đọc cho mình. Trong những người sẽ đọc và vì người ấy mà tôi hối hả chọn thơ, viết tựa, phải nhắc trước hết… Mai Đình”.
Và ông không thể nén lòng trước những dòng thơ của bạn: “Tội nghiệp cho Tử, tài năng kỳ lạ như anh, đau thương tột cùng như anh, thế mà cả đời mơ ước thấy được thơ mình in thành sách, vẫn không được thấy”.
Sau khi ông mất, có bao nhiêu bài báo, bài nghiên cứu viết về văn tài của ông thì cũng có bấy nhiêu bài nói đến tấm lòng nhân hậu, đến cách sống chân tình, đến những kỷ niệm thân ái về ông.
Nhà nghiên cứu - nhà văn Nhật Chiêu viết: “… Nhà thơ đã làm với tôi những gì mà một người anh thực sự có thể làm cho một người em có văn chương và tình yêu… Làm nhà thơ quá nổi tiếng và quá nghèo như anh chưa phải là chuyện hiếm hoi. Tôi cười khi thấy anh mượn giày để ra nước ngoài. Nhưng làm một nhà thơ nổi tiếng với nửa thế kỷ sáng tác như anh mà khiêm tốn đến thế, bao dung đến thế và có tình với những người vô danh đến thế thì quả là chuyện lạ thường…”.
Tôi đã cố gắng để không trích dẫn nhiều quá nhưng tôi tiếc những dòng chữ đan xen, vấn vít việc đời, việc nghề, chuyện ốm đau, chuyện tình cảm của ông - những dòng chữ góp phần làm nên bức chân dung hoàn chỉnh về một con người.
Hẳn khi đọc chúng, những ai yêu thương ông, sẽ yêu thương ông hơn, những ai chưa hiểu ông, sẽ nhận ra phía sau vẻ sắc sảo, quyết đoán, thậm chí lạnh lùng là một tâm hồn dịu dàng, chi chút - tâm hồn của con người: Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể/ Để mặn lòng những kẻ muốn vô tư.
Sài Gòn 6/2013
Gần như không quan tâm vật chất Chế Lan Viên sống thanh sạch, đơn giản. Mấy lần đi họp ở 51 Trần Hưng Đạo, tôi ghé lại thăm cô chú. Đó là một gian nhỏ trong dãy nhà xây cất sơ sài phía sau ngôi nhà lớn. Trong nhà, đồ đạc chẳng có gì, ngoài chiếc giường và bàn làm việc. Sau này, khi vào Sài Gòn, tôi lại đến Bà Quẹo thăm cô chú. Nhà rộng hơn, có vườn, có ao nhưng đồ đạc trong nhà thì có vẻ chẳng thêm thắt mấy. Nhìn thấy bao gạo để giữa nhà, quần áo vắt trên ghế, tôi hỏi cô Thường sao cô không cất trong tủ, cô đáp thản nhiên: Tủ để đựng sách rồi. Có lần chú ra Hà Nội vào mùa đông, mặc chiếc áo len màu vàng rơm rất đẹp nhưng lại thủng một lỗ tròn trước ngực. Thấy tôi nhìn, chú tủm tỉm cười, rồi đưa tay che lên chỗ rách. Tôi nghĩ cô Thường rất hợp với chú trong cách sống đơn giản, gần như không quan tâm đến vật chất ấy. |