> Cảm ơn cha và rượu
> MV của Hồ Ngọc Hà sẽ bị xử phạt vì quảng cáo rượu?
Ông Nguyễn Văn Khanh- Trưởng phòng Báo chí Xuất bản, Sở Thông tin Truyền thông TPHCM cho biết: “MV Cảm ơn cha phát hành trên mạng internet, thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Thông tin Truyền thông nên nhiệm vụ của chúng tôi là phải xem sản phẩm đó nội dung, hình ảnh thế nào. MV Cảm ơn cha chúng tôi xem dài 6 phút 50 giây, trong đó xuất hiện khoảng 4 phân đoạn quảng cáo rượu”.
Ông Nguyễn Văn Khanh . |
Ông có thể nói rõ “Cảm ơn cha” đã vi phạm những gì?
Điều 7 Luật Quảng cáo có hiệu lực từ 1/1/2013, qui định quảng cáo rượu trên 15 độ là một trong những hành vi bị cấm.
Ngoài ra việc phát tán video clip này còn vi phạm khoản 15, điều 22, nghị định 94-2012 về sản xuất, kinh doanh rượu, cấm nhà sản xuất rượu tài trợ các chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Việc đưa MV lên mạng vi phạm nghị định 97 về lợi dụng mạng internet để quảng cáo những sản phẩm bị cấm.
Có ý kiến cho rằng trong MV này Hồ Ngọc Hà ngoài việc làm “đại sứ ngầm” cho rượu, còn tranh thủ quảng cáo một hãng điện thoại do cô làm đại diện và một phần mềm ứng dụng khác?
Hiện toàn bộ vụ việc liên quan đến MV Cảm ơn cha các bộ phận chức năng đang trong quá trình xem xét ngoài quảng cáo rượu còn quảng cáo thêm gì khác hay không.
Theo Luật Quảng cáo thì ngoài cấm quảng cáo rượu còn cấm quảng cáo các dịch vụ, các sản phẩm chưa được phép lưu hành hoặc vi phạm pháp luật Việt Nam. Chúng tôi sẽ xem xét kỹ để đưa ra hướng xử lý trong thời gian tới.
Với mức độ phạm luật như ông vừa kể thì mức phạt sẽ như thế nào và những ai bị phạt ?
Nghị định 02 của Chính phủ quy định về xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Báo chí - Xuất bản, việc quảng cáo các sản phẩm không được phép quảng cáo hoặc lưu hành, quảng cáo rượu thì khung xử phạt sẽ từ 20-30 triệu đồng.
Đối tượng theo điều chỉnh của pháp luật bao gồm những người sản xuất MV Cảm ơn cha, các cá nhân tham gia, những người đưa MV lên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trên mạng internet và kể cả các thương hiệu nằm trong đối tượng được điều chỉnh cũng bị phạt.
Thưa ông, ở Việt Nam, ngoài việc núp bóng sản phẩm văn hóa để quảng cáo trái phép, thấy nhiều chương trình có rượu. Cũng có ý kiến cho rằng rượu cũng chỉ là một thức uống. Vậy cơ quan chức năng phải ứng xử với quan niệm này như thế nào?
Rượu cũng là một thức uống nhưng khác với những thức uống khác, tác động không tốt đến sức khỏe cũng như nhân cách nếu sử dụng quá liều lượng. Việc cấm hoặc hạn chế cũng là để hạn chế mức tiếp cận các sản phẩm đó đối với các đối tượng, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Chúng tôi cho rằng việc cấm và hạn chế các sản phẩm như rượu là cần thiết và cần đến ý thức của các tổ chức, cá nhân. Thời gian qua, Sở Thông tin – Truyền thông TPHCM đã phát hiện nhiều hành vi quảng cáo rượu trá hình, không chỉ trong các video clip mà còn trong các phân cảnh phim hoặc chụp ảnh có logo của một hãng rượu nào đó. Đó cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, dù tổ chức hay cá nhân, thích hay không thích nhưng đã là quy định của pháp luật thì phải chấp hành.
Trước những trường hợp như MV “Cảm ơn cha”, có dư luận cho rằng chỉ khi nào Bộ VHTT&DL cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ thì sẽ ngăn chặn được những trường hợp núp bóng nghệ thuật hòng lách luật. Ý kiến của ông?
Vấn đề này thuộc ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch. Ở góc độ cá nhân tôi nghĩ một nghệ sĩ, ngoài chuyên môn thì phải là một công dân gương mẫu.
Việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ là cần thiết, ít nhiều giúp nghệ sĩ ý thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với công chúng cũng như đối với pháp luật.