Chủ nhật đen tối

Chủ nhật đen tối
TP - Ít ai biết bài hát “Chủ nhật buồn” do Phạm Duy đặt lời Việt lại có quá khứ khủng khiếp đến thế. Bản nhạc gốc có tên “Ngày Chủ nhật đen tối” (Gloomy Sunday) được nhạc sĩ dương cầm người Hungary Rezso Seress sáng tác vào một chiều mưa ảm đạm Paris năm 1932 trong tâm trạng ảo não thất tình.

> Tiếng hát mãi xanh: Tôn vinh gia đình
> Sôi động với ‘Tiếng hát mãi xanh’

Để rồi, sau đó hàng trăm người khắp thế giới đã tự sát sau khi nghe bài hát buồn thảm này. Biểu diễn xong bản nhạc, không ít nghệ sĩ cũng rơi vào trầm cảm, tự tìm đến cái chết.

Có đến 15 quốc gia kiện tác giả liên quan đến chết chóc. Đến nỗi năm 1945, cả thế giới đồng loạt tẩy chay bài hát “tử thần” này. Sau đó đến lượt chính tác giả cũng tự kết liễu đời mình.

Người ta lý giải bài hát là “giọt nước tràn ly” giữa thời kỳ hậu Thế chiến thứ Nhất, khi thế giới và con người kiệt quệ, tuyệt vọng, hoang mang...

Ngày Chủ nhật 9/6 vừa rồi đáng gọi là “Chủ nhật đen tối”. Khi khắp nơi liên tiếp những cỗ xe điên loạn cướp đi mạng sống của biết bao con người, gia đình chỉ chớp mắt. Mỗi năm cả nước có trên 13 ngàn cái chết bởi tai nạn giao thông, có cuộc chiến tranh nào khủng khiếp hơn thế?!

Nhà khảo cổ Nishimura Masanari, tên Việt là Lý Văn Sỹ đã có mười mấy năm sống và làm việc ở Việt Nam, gắn bó và cống hiến cho ngành khảo cổ Việt Nam.

Có nghĩa là ông đã phần nào Việt Nam hóa. Thế mà vẫn chẳng trụ được, quen được. Tai nạn cắc cớ trên con đường 5 nổi tiếng đã cướp đi mạng sống của ông trong buổi sáng 9/6 khi đang đi xe máy đến một khu vực khai quật mới.

Đến lúc này, có vẻ con người dường như không còn sức để mà bàng hoàng, thảng thốt nữa. Mà hầu như rơi vào câm lặng. Sự câm lặng báo bão. Con người không còn tin rằng mình đang có thực hay không, thời gian có thực hay không. Niềm tin có đáng tin không.

Tế Hanh khi đứng “Giữa những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi” đầy gian lao, bần hàn, hoang mang của đất nước, đã kêu lên “Làm một con người khó lắm ai ơi !”.

Dù rằng trong bài thơ dài “Bài ca sự sống” ấy, ông chống chọi đến cùng với sự tuyệt vọng. “Tôi viết bài thơ này tin tưởng bao nhiêu/ Trên cái chết là vô cùng sự sống/Trên mất mát là vô cùng hy vọng…”

Henry Miller, nhà văn “quái chiêu” người Mỹ, từng nói, con người nguyên thủy được sinh ra ở thiên đàng, còn con người ngày nay phải tạo ra thiên đàng. Hạnh phúc thay con người nguyên thủy.

Còn giờ đây, làm ra thiên đàng có khó không, khi mỗi người phải có đủ sức để tin rằng “Cái còn lại vẫn hơn là cái mất” (Tế Hanh) 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG