Quốc ca: 'Văn Cao có sửa thì sửa'

Quốc ca: 'Văn Cao có sửa thì sửa'
TP - Đến ca từ Quốc tế ca cũng không thỏa mãn tất cả. Quốc ca Pháp bạo liệt hơn Tiến quân ca. Cho nên văn nghệ sĩ nổi tiếng được hỏi đều cho rằng không nhất thiết sửa lời Quốc ca Việt Nam.

Hôm 4/6, đại biểu quốc hội Huỳnh Thành đã đề xuất sửa một phần lời bài Quốc ca cho phù hợp với tình hình mới, cụ thể là câu Đường vinh quang xây xác quân thù. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhạc sĩ Phó Đức Phương và nhạc sĩ - nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha có ý kiến khác.

Nếu sửa phải từ năm 1946 và người sửa là Văn Cao

Theo Trần Đăng Khoa, đến con của Văn Cao cũng không có quyền sửa Quốc ca. Ngoài câu chuyện bản quyền ra còn lý do khác. Anh Khoa nói:

“Trước đây, chúng ta cũng đã định thay Quốc ca. Đã có bao nhiêu nhạc sĩ tài danh thi với Văn Cao để sáng tác Quốc ca mới mà đều thua ông ấy cả. Mặc dù xét về tài năng, các nhạc sĩ tham gia cuộc thi không phải kém. Ngay cả Văn Cao có sáng tác Quốc ca để thi với Tiến quân ca của chính ông thì ông cũng sẽ thua.

Bởi kiệt tác ấy, nó là nó cộng với cái ở ngoài nó. Đó là những kỷ niệm đã trở thành linh thiêng của cả một dân tộc và cả một thời đại. Những tác phẩm khác, dù cũng rất hay, nhưng không có cái thế mạnh này. Vì thế, không ai thắng được Văn Cao. Cũng không thể thay Quốc ca được.

Nếu cần sửa đổi thì sửa đổi Hiến pháp chứ không phải sửa đổi Quốc ca. Nếu có sửa Quốc ca thì phải sửa từ năm 1946, khi Tiến quân ca thành Quốc ca. Và người sửa chỉ có thể là Văn Cao! Bây giờ Văn Cao, đã thành người trong cõi nhớ thương rồi, thì ai sửa được.

Quốc hội có quyền chọn hoặc bỏ hẳn, chứ không có chuyện thay đổi lời Quốc ca. Đến cả con Văn Cao cũng không sửa được, vì vi phạm luật bản quyền. Đây chỉ là ý kiến của một cá nhân, một đại biểu quốc hội, chứ không phải chủ trương của Quốc hội. Quốc hội không bao giờ ngớ ngẩn như thế.

 “Trong ca khúc, lời rất quan trọng nhưng lời chỉ là một phần của tác phẩm âm nhạc. Ra quốc tế, người ta cử Quốc ca chỉ có nhạc chứ có lời đâu. Mà phần lời thì đã thành một phần của lịch sử. Đừng đụng vào cõi thiêng”. 

Trần Đăng Khoa

Cũng cần nói rõ hơn rằng, ngày xưa Văn Cao viết Tiến quân ca chứ có viết Quốc ca đâu. Cụ Hồ và Quốc hội khoá đầu tiên năm 1946 đã sáng suốt chọn ca khúc này làm Quốc ca. Bây giờ chê ca từ Đường vinh quang xây xác quân thù thì cũng có lý, nhưng không phải cái có lý nào cũng làm được. Giai đoạn lịch sử đó nó thế, phải đằng đằng sát khí vì chiến tranh mà. Đó chỉ là một phần con người Văn Cao. Còn có một Văn Cao khác, Văn Cao nghệ sĩ. Chế Lan Viên gọi ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày vĩ đại và năm vĩ đại thì Văn Cao gọi là Mùa bình thường mùa vui nay đã về… Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người… Hay chưa? Mới mẻ chưa? Cái tư duy tỉnh táo, vượt trước thời đại, có ai hơn được Văn Cao?!”.

Quốc ca là biểu tượng của lịch sử, không cần phản ánh Hiện tại

Đó là ý kiến của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ở góc độ công dân và người làm bản quyền, nhạc sĩ Phó Đức Phương phát biểu: “Không cần thiết thay đổi ca từ Quốc ca, vì bài này đã đi vào tâm khảm người dân cùng với thời kỳ khai sinh ra nhà nước Việt Nam.

Chưa kể sự thay đổi đó lại vô cùng phức tạp. Ngày xưa, tôi ở Cục Nghệ thuật Biểu diễn, trong Ban chấm thi Quốc ca mới, khổ ải vô cùng. Không thể tưởng tượng nhốn nháo, phức tạp thế nào. Có rất nhiều chuyện buồn cười suốt một năm trời. Ngoài ra trong vấn đề này còn có quyền sở hữu và quyền nhân thân được nhà nước và thế giới ghi nhận”.

Phó Đức Phương: “Ngày xưa tôi trong Hội đồng chấm thi Quốc ca mới, khổ ải vô cùng”
Phó Đức Phương: “Ngày xưa tôi trong Hội đồng chấm thi Quốc ca mới, khổ ải vô cùng”.

Nước Nga từng sửa lời Quốc ca, nhưng…

Nguyễn Thụy Kha: “Tôi từng nói với Văn Cao rằng giá ông viết đường vinh quang xây xác bao người sẽ hợp lý hơn”
Nguyễn Thụy Kha: “Tôi từng nói với Văn Cao rằng giá ông viết đường vinh quang xây xác bao người sẽ hợp lý hơn”.

Ngoại trừ nước Nga, quốc ca nhiều nước tồn tại đã vài trăm năm mà người ta không sửa.

Quốc tế ca cũng có những ca từ bị kêu là không có giá trị bền vững theo thời gian: Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành. Theo nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, lời Quốc ca Pháp (La Marseillaise) còn “bạo liệt” hơn Tiến quân ca.

Tuy vậy, anh Kha cũng cho rằng, giá hồi đó Văn Cao viết Đường vinh quang xây xác bao người sẽ hợp lý hơn xây xác quân thù. Bởi để đi đến chiến thắng, cả người thắng lẫn người thua đều đổ máu và chưa biết bên nào nhiều hơn bên nào.

Nhớ lại, một nhạc sĩ phổ thơ thành công bậc nhất và tự viết được những ca từ mềm mại như Hoàng Hiệp mà cũng có những câu như: Xuyên thây quân cướp nào vô đây (Cô gái vót chông, phổ thơ Moli Clavy). Hỏi về điều này, Phó Đức Phương nhận xét: “Hồi đấy hát lên có thấy ghê gì đâu. Lúc bấy giờ không khí nó phải như thế!”. Trần Đăng Khoa: “Chiến tranh nó thế. Tô Hải còn viết bài Sẵn sàng bắn như sau: Biển trời của ta đâu có phải ao nhà của chúng nó!".

Theo luật sư Phạm Thanh Thủy (Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc VN), Điều 19 về Quyền nhân thân qui định việc sửa đổi lời bài hát phải xin phép chủ sở hữu. Nhưng khoản 3 điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ lại qui định trong những trường hợp vì lợi ích an ninh quốc phòng và một số lợi ích khác, nhà nước có quyền hạn chế quyền lợi đó, tức Nhà nước có quyền sửa đổi lời bài hát.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
GDP tăng vượt mọi dự báo, dấu ấn những ‘siêu dự án’ năm 2024
GDP tăng vượt mọi dự báo, dấu ấn những ‘siêu dự án’ năm 2024
TPO - Cơn bão số 3 mạnh nhất 30 năm qua gây thiệt hại nặng nề cho miền Bắc nhưng không thể xóa sạch thành quả của nền kinh tế. Bằng chứng là tăng trưởng GDP bứt phá ấn tượng, tăng lương cao nhất từ trước tới nay, đại dự án về đích thần tốc, nhiều kỷ lục mới được thiết lập... Cùng Tiền Phong điểm lại những sự kiện kinh tế nổi bật nhất năm 2024.
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.