Những mảnh vỡ gia đình

Những mảnh vỡ gia đình
TP - Helen muốn tìm mẹ ruột của mình. Lúc cô còn nhỏ, điều đó không thực sự cần thiết. Cô được biết rằng mình là con nuôi từ bé, và lớn lên cùng ý nghĩ rằng điều đó cũng bình thường. Thậm chí cô còn đùa cợt về nó. Đối với Helen, người mà cô gọi là cha và mẹ là những bậc phụ huynh tuyệt vời nhất trên thế gian này, và cô là tất cả đối với họ.

> Soi chung gương mặt đàn bà
> Về quê

Chỉ khi Helen về làm vợ của Gerry và mang thai đứa con đầu lòng, mọi việc thay đổi. Ý nghĩ về đứa trẻ đang lớn dần trong bụng và cảm giác chở che mà cô đang dành cho nó khiến cô hình dung đến người phụ nữ đã mang thai, sinh ra cô và cuối cùng đã ruồng bỏ cô. Những câu hỏi ùa đến và cứ lớn dần lên như thể chúng được chính nhau thai của cô nuôi dưỡng.

Tại sao mình lại bị cho làm con nuôi? Lúc đó mẹ ruột mình bao nhiêu tuổi? Có phải bà ấy bị hãm hiếp, hoặc lỡ mang thai sau mối tình một đêm dại dột? Nếu bà ấy biết người đàn ông đó, liệu mình có tìm được cha đẻ không?

Khi cô đang trăn trở về một câu hỏi, một câu hỏi khác lại bật lên, day dứt. Cô muốn tìm những câu trả lời cho chúng. Helen bắt đầu thao thức suốt đêm, quay cuồng trong những viễn cảnh khác nhau. Lúc thì cô thấy mình gặp một người phụ nữ mà cô lập tức gắn bó và cảm nhận được tình máu mủ, người phụ nữ ấy là một phiên bản lớn tuổi hơn của cô.

Lúc khác cô lại tưởng tượng về một cuộc gặp gỡ lạnh nhạt đầy thù địch với một người lạ mặt mà cô sẽ không bao giờ muốn gặp lại nữa. Rồi cô nghĩ rằng có thể mẹ đẻ của cô là một người nổi tiếng, hoặc giàu có, hoặc đã chết, hoặc nghiện ngập. Có thể bà ấy sống ở một thành phố ở rất xa. Bà ấy thậm chí có thể đang ở trong tù. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.

“Em à, nghĩ ngợi nhiều thế chẳng có ích gì đâu” Gerry nói với cô. “Điều này đang làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của em, đúng vào lúc mà sự nghỉ ngơi là quan trọng nhất. Sao em không tâm sự với ai đó? Một nhà cố vấn tâm lý, hoặc ít nhất là cha mẹ của em”.

“Nhưng em nói với anh rồi, trước đây em chưa từng thực sự quan tâm đến việc này và em cũng chẳng biết tại sao nó lại quan trọng vào lúc này.” Helen trả lời.

“Em không biết tại sao nó quan trọng, nhưng rõ rằng là nó thực sự quan trọng. Anh không nghĩ rằng tình hình sẽ thay đổi trừ khi em làm việc gì đó để giải quyết nó” Gerry nói. “Chắc cũng là điều tự nhiên thôi khi cảm xúc của em thay đổi trước lúc làm mẹ”.

Helen biết rằng chồng mình nói đúng. Việc dồn nén ý nghĩ đã chẳng lợi lộc gì. Và cô cũng chẳng mất gì nếu làm một việc gì đó để tìm mẹ, cả khi điều đó không đem lại kết quả. Ngày hôm sau, cô sẽ nói chuyện với Cha và Mẹ. Nhưng chắc là họ cũng chẳng có nhiều thông tin. Nếu họ biết nhiều hơn, Helen tin rằng họ đã nói với cô. Họ không phải là những người thích giữ bí mật.

Vào thời điểm Helen được nhận làm con nuôi, rất nhiều thông tin đã được giữ kín. Tất cả những gì mà cha và mẹ có thể kể cho cô biết là mẹ đẻ của cô lúc đó rất trẻ và chưa có chồng.

Nhưng Helen cảm thấy mình được tiếp thêm sức mạnh khi cha và mẹ hiểu ước nguyện muốn tìm mẹ đẻ của cô, và như thường lệ, họ ủng hộ cô hết mình. Mẹ còn đề xuất rằng họ nên liên hệ với Jigsaw, một tổ chức chuyên kết nối và đôi khi thu xếp các cuộc đoàn tụ giữa những người thân đã bị ly tán bởi việc cho nhận con nuôi.

Helen gia nhập tổ chức Jigsaw ngay lập tức. Mặc dù cha mẹ đẻ của cô không đăng ký tên ở đó, người cố vấn của tổ chức giải thích rằng tên của họ có thể được tìm thấy trong hồ sơ ghi chép của chính phủ. Helen nhờ Jigsaw bắt tay vào việc tìm mẹ đẻ của cô, và liên hệ với cô nếu họ tìm thấy bà.

Nhiều tháng trời trôi qua, cái bụng bầu của Helen đã lớn thành một quả dưa hấu nhỏ. Trong lúc đó, ước nguyện tìm được mẹ đẻ càng ngày càng mãnh liệt trong cô. Khi Jigsaw liên lạc và bảo rằng họ đã tìm thấy tên và ngày tháng năm sinh của bà, cô nín thở.

Loretta Bosco. Đó chắc hẳn là tên của một người Ý. Làm sao một chi tiết nhỏ nhoi đó lại trở nên bao la đến thế! Giờ đây, ý nghĩ rằng mình là người gốc Ý luôn ở bên cô mỗi khi Helen nấu mỳ Ý hoặc lướt mắt qua bất kỳ một cái tên Ý nào.

Có nhiều người tên Bosco trong danh bạ điện thoại, nhưng Helen biết rằng có lẽ tên của mẹ cô đã được thay đổi. Cần phải mất bao lâu để Jigsaw tìm được mẹ cho cô?

Helen cố gắng tưởng tượng ra mẹ ruột của mình. Mẹ Loretta của cô sẽ vào tầm 39 tuổi, chỉ lớn hơn cô 15 tuổi. Helen đoán rằng bà thuộc về một gia đình theo đạo Công giáo, những người đã cảm thấy hổ thẹn, và mẹ cô đã rất khiếp sợ.

“Cố gắng thư giãn đi em” Gerry bảo cô. “Anh chắc rằng Jigsaw sẽ tìm được mẹ em thôi. Em biết anh nghĩ gì không? Nếu định mệnh sắp đặt, em sẽ được gặp mẹ thôi. Anh cảm thấy chắc chắn về điều đó”.

“Em cũng hy vọng thế” Helen nói. “Nhưng em vẫn không hiểu được tại sao chuyện tìm mẹ lại trở nên quan trọng với em đến thế. Cứ như thể là con của hai đứa mình cứ giục em đi tìm mẹ, như thể nó muốn biết em đến từ đâu”.

Rồi Helen cũng bận rộn chuẩn bị cho sự ra đời của đứa con. Cô mua một chiếc cũi đã sử dụng và sơn phết lại. Cô trang trí cho phòng ngủ riêng của em bé và chăm chỉ bơi lội ở bể bơi công cộng. Mỗi tuần một lần, Gerry cùng cô tham dự lớp học thể dục dành cho bà bầu.

Cha và mẹ hồi hộp mong chờ sự ra đời của đứa cháu ngoại. Với họ, tình yêu có sức nặng hơn hàng nghìn lần so với sợi dây máu mủ. Khi Gerry sang Việt Nam công tác ngắn ngày, mẹ vui mừng khi được đi cùng Helen đến buổi học cuối cùng của cô tại lớp thể dục.

Sau khi học xong, họ đến căng tin của bệnh viện để uống cà phê và ăn nhẹ. Ở bàn bên cạnh, một người phụ nữ đang ngồi khóc. Mẹ ân cần hỏi han. “Cô không sao chứ?”.

“Rồi tôi sẽ ổn thôi”, người phụ nữ thổn thức. “Tôi đang đợi chồng tôi đến đón về. Tôi bị sảy thai”.

“Ôi, tội nghiệp cô quá!” Mẹ nói, rồi kéo ghế đến cạnh người phụ nữ, nhẹ nhàng xoa lưng cho cô ấy. Helen gật đầu một cách đầy cảm thông, nhưng im lặng. Cô hy vọng rằng cái bụng chửa vượt mặt của mình không làm cho người phụ nữ đau buồn hơn. Cô nhấp cà phê trong lúc mẹ cố gắng an ủi người phụ nữ.

“Đứa trẻ bị sảy là con đầu lòng của cô à?” mẹ hỏi.

Người phụ nữ ngập ngừng. “Tôi đã bị sảy thai năm lần rồi. Sắp 40 tuổi rồi còn gì. Khi còn trẻ, tôi đã có một đứa con gái nhưng…tôi buộc phải cho đi. Thời đó khác lắm - nếu bây giờ điều này xảy ra với một phụ nữ trẻ, có lẽ họ sẽ phá thai.” Người phụ nữ sụt sùi buồn bã. “Có lẽ lần này là cơ hội cuối cùng để tôi sinh con”.

Mẹ thở dài. “Cô tên là gì?”

“Loretta” người phụ nữ trả lời.

Helen há hốc miệng và nhìn người phụ nữ chằm chằm. “Cho cháu hỏi cô một câu, cô nhé?”

Nhưng Helen đã biết câu trả lời.

Là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng của Úc, Tiến sĩ Ken Spillman là tác giả của 35 quyển sách viết cho người lớn và trẻ em, trong đó ba tập trong bộ sách “Jake không ngồi yên một phút” đã được NXB Kim Đồng chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam. Các tác phẩm của Ken Spillman đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín.

Nguyễn Phan Quế Mai dịch và giới thiệu

Truyện ngắn của Ken Spillman

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG