Tiếp tục đề nghị công nhận hôn nhân đồng tính

Tiếp tục đề nghị công nhận hôn nhân đồng tính
TP - “Nên nghiên cứu để công nhận hình thức kết hợp dân sự hoặc chung sống có đăng ký được áp dụng chung cho mọi trường hợp cặp đôi không phân biệt giới tính hoặc chỉ áp dụng riêng cho các cặp đôi cùng giới”.

> Xôn xao đám cưới đồng tính ở Bình Dương
> Đang nghiên cứu về hôn nhân đồng tính

Đó là kiến nghị trong báo cáo của Đoàn công tác liên ngành do ông Đinh Dũng Sỹ (Phó Vụ trưởng Pháp luật - Văn phòng Chính phủ) làm Trưởng đoàn, khảo sát thực tiễn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2000 tại một số tỉnh, thành.

Mâu thuẫn pháp lý

Báo cáo trên khẳng định, đồng tính là một xu hướng tình dục tự nhiên, vì vậy việc thừa nhận quyền chung sống với nhau của những người đồng tính cũng là lẽ tự nhiên, pháp luật không nên ngăn cản.

Báo cáo cũng chỉ ra mâu thuẫn pháp lý giữa việc cấm kết hôn, giữa những người cùng giới tính (Khoản 5 Điều 10 Luật HNGĐ) và cấm cưỡng ép kết hôn, cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn (Khoản 2 Điều 4).

Theo đó, nếu người đồng tính vì áp lực gia đình, xã hội, vì quy định của pháp luật không cho phép kết hôn cùng giới, phải chấp nhận kết hôn với người khác giới thì điều kiện cấm kết hôn giả tạo, cấm lừa dối để kết hôn sẽ bị vi phạm.

Như vậy, pháp luật hiện hành đã tước đi một trong những quyền cơ bản của con người - quyền được mưu cầu hạnh phúc của những người trong cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT).

Theo thống kê của Tổ chức phi chính phủ CARE, tại Việt Nam, ước tính có khoảng 120 ngàn người đồng tính. Nếu lấy tỉ lệ trung bình của thế giới là 3% dân số thì số người đồng tính và song tính ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15- 59 tuổi là khoảng 1,65 triệu người.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), sự kỳ thị đối với người đồng tính còn diễn ra phổ biến.

Không cấm nhưng cũng “không thừa nhận”

Một thành viên tổ biên tập Luật HNGĐ sửa đổi - TS. Nguyễn Văn Cừ (ĐH Luật Hà Nội) cho rằng cần nghiêm cấm việc phân biệt đối xử, kỳ thị đối với LGBT về hôn nhân và gia đình.

Việc công nhận hôn nhân đồng tính ở thời điểm này có thể chưa phù hợp, còn nhạy cảm do tập quán, văn hóa gia đình Việt Nam, nhưng Luật HNGĐ sửa đổi cần bổ sung quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết hậu quả về nhân thân, tài sản và con cái từ việc chung sống giữa những người này.

Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, Tổ trưởng Tổ biên tập Luật HNGĐ sửa đổi, cho biết định hướng sửa đổi, bổ sung Luật HNGĐ lần này sẽ không quy định cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính như Luật hiện hành mà sử dụng cụm từ “không thừa nhận” hôn nhân của những người cùng giới tính.

Sửa Luật cũng sẽ không can thiệp vào việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, đồng thời quy định về quyền và nghĩa vụ giữa các bên cùng giới tính trong quan hệ chung sống như vợ chồng theo giải pháp quy định về việc chung sống như vợ chồng giữa những người khác giới.

“Thừa nhận hôn nhân bình đẳng không chỉ đảm bảo nguyện vọng chung của cộng đồng người đồng tính và song tính, mà còn giảm thiểu hôn nhân dị tính giả tạo, không dựa trên tình yêu và sự tự nguyện.

Sửa đổi Luật HNGĐ cần thừa nhận hôn nhân cùng giới như quyền có tài sản chung, quyền có con, quyền xin con nuôi và các quyền khác mà pháp luật đang đảm bảo cho hôn nhân khác giới”- ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện iSEE, nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngư dân huyện đảo Lý Sơn nhận quà Tết
Ngư dân huyện đảo Lý Sơn nhận quà Tết
TPO - Ngày 11/1, đông đảo ngư dân huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vui mừng đón nhận những món quà Tết ý nghĩa từ Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng 3 và các cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước.