'Khán giả đông bao nhiêu, buồn bấy nhiêu'

'Khán giả đông bao nhiêu, buồn bấy nhiêu'
TP - Người làm phim nào chẳng quan tâm tác phẩm của mình có khán giả không. Nhưng nhiều khi phim ăn khách lại là nỗi buồn.

> Lại kêu ca về phim lịch sử
> Phim quốc tế tranh giải giàu tính nhân văn

Ở nhiều nước, “cuộc chiến” phim thương mại - phim nghệ thuật đã không còn là vấn đề lớn, nhưng ở Việt Nam thì vẫn, bởi dường như hai tính chất đó của phim ảnh ít hỗ trợ nhau và ít khi chập lại trong cùng một phim. Vấn đề được nêu ra ở hội thảo “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới” chiều 26-11 nằm trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội 2012.

Đạo diễn Lê Hoàng khoe: “Tôi may mắn thuộc về cả hai phe thương mại và nghệ thuật, dù hai phe này thường không chơi với nhau, công kích lẫn nhau ở bên ngoài lẫn mặt báo”.

Và: “Cảnh khán giả chen chúc, xếp hàng dài vào rạp xem phim của mình cũng cao quý không kém bất cứ thứ huân huy chương nào”.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn có ý kiến khác. Ông tổng kết, ba yếu tố để làm nên một bộ phim ăn khách ngày nay là: Hài, đồng tính, giả gái.

Và nếu nhiều phim ăn khách vì cố tình chạy theo xu hướng đó thì chẳng có gì đáng mừng cả.

“Tôi cũng cảm nhận được cái niềm vui mà anh Lê Hoàng nói, của một đạo diễn khi chứng kiến dòng người xếp hàng mua vé xem phim”, ông Sơn nói,

Nhưng có những lần dòng người dài bao nhiêu thì tôi buồn bấy nhiêu. Thị trường điện ảnh năm vừa qua đã chứng minh rằng phim càng nhảm càng ăn khách”.

“Có lần, tôi đứng trước cửa rạp, thấy một đôi trai gái trông bề ngoài sành điệu, có văn hóa. Tôi dõi theo xem họ mua vé phim gì, vào rạp ngồi sau quan sát họ, xem họ hứng thú với những đoạn nào trong bộ phim. Họ càng hứng thú bao nhiêu tôi càng nản bấy nhiêu”.

Nếu Lê Hoàng hy vọng vào các phim tư nhân vừa có tính nghệ thuật vừa ăn khách thì Nguyễn Vinh Sơn chỉ ra rằng, Scandal có vẻ rất ăn khách nhưng theo ông biết thì hiện chưa thu hồi được vốn.

Hot boy nổi loạn, phim được đánh giá thành công về nghệ thuật và thương mại của Vũ Ngọc Đãng, doanh thu không bằng phim hài cho tuổi teen Gia sư nữ quái.

Theo đạo diễn Trăng nơi đáy giếng, ông từng biết hai nhà kinh doanh điện ảnh người nước ngoài định lập hãng sản xuất phim tại Việt Nam.

Khi nghiên cứu thị trường, thấy Long Ruồi đang ăn khách, hai người quyết định đi xem để hiểu thêm về thị hiếu khán giả. Kết quả, họ chỉ ngồi được 15 phút trong rạp rồi nhất quyết đứng lên ra về. Sau đó, ý định lập hãng phim cũng rất lung lay.

Về trường hợp Long Ruồi và những phim tương tự, đạo diễn Đặng Nhật Minh từng chia sẻ với người viết bài này, đại ý, ông không đồng ý với cách đưa tin nửa vời của báo chí.

Cụ thể là cách đánh giá phim được yêu thích dựa trên lượng vé bán ra và lượng khán giả đến rạp.

Đặng Nhật Minh: “Giá như phóng viên đứng đợi ở cửa ra vào lúc hết phim và hỏi một số khán giả xem họ có hài lòng với bộ phim vừa xem hay không, họ có cảm thấy đó là bộ phim có giá trị hay không. Tôi không tin là nhiều người xem xong vẫn hài lòng”.

Về nhận định của Lê Hoàng “Phim tư nhân được đầu tư gấp 4 lần phim nhà nước, chẳng hạn Thiên mệnh anh hùng (tư nhân) so với Đam mê (nhà nước), Nguyễn Vinh Sơn có lưu ý: “Chính khoản đầu tư đó là sợi dây bó buộc rất lớn đối với người sáng tạo. Trong khi đó, phim độc lập kinh phí rất ít nhưng lại đòi hỏi sáng tạo. Thậm chí là những ý tưởng táo bạo”.

Hội thảo “Điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới” có 4 phiên thảo luận, đều do TS Ngô Phương Lan, Giám đốc LHP quốc tế Hà Nội 2012 - chủ trì. Hội thảo gồm 3 phần chính: Điện ảnh Việt Nam thời đầu đổi mới 1986-1999; Điện ảnh Việt Nam xã hội hóa và hội nhập quốc tế từ 2000 đến nay; Kinh nghiệm phát triển điện ảnh của một số nước châu Á.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG