> Lần đầu tiên phụ nữ Ấn Độ xuất hiện trên tạp chí Playboy
Đạo diễn trẻ Prashant Nair, sinh ra tại Ấn Độ và sinh sống tại châu Âu đang khiến dư luận nói đến nhiều về bộ phim đầu tay Delhi in a day (Một ngày ở Delhi). Phim kể về du khách Anh quốc đến thăm một gia đình giàu có tại thủ đô Ấn Độ, khá ngơ ngác khi khám phá ra cuộc sống thường ngày của những người đầy tớ trong nhà.
Kịch bản phim nhắc đến cuộc sống của hàng triệu gia đình thuộc giai cấp trung lưu mới ở đô thị Ấn Độ, nơi các ông chủ chế nhạo, chửi mắng và đối xử tàn tệ với người làm.
Những kẻ tôi tớ phải nấu nướng, giặt giũ, lái xe và làm hàng nghìn việc khác để đổi lấy mức lương chết đói. Prashant Nair nói, anh muốn dùng vài số phận trong bộ phim để minh chứng cho cuộc sống thực tế ở đất nước có nhiều biến động trong 20 năm tăng trưởng kinh tế vừa qua.
Được hỏi tại sao chọn Delhi, Prashant Nair giải thích, anh thường xuyên tới thăm thành phố này và có cơ hội quan sát những thân phận xung quanh. Anh thấy phiền lòng bởi những người chủ thiếu tôn trọng phẩm giá người giúp việc, muốn làm một bộ phim phơi bày tất cả.
Bi kịch của người làm được đạo diễn chọn lối thể hiện trào phúng, khai thác yếu tố hài hước thông qua con mắt của Jasper (Lee Williams).
Chàng du khách Anh ngây thơ tin rằng Ấn Độ là mảnh đất có thể đắm chìm trong thế giới tâm linh, một mảnh đất thần bí. Anh ta muốn khám phá Ấn Độ thực sự, cho đến ngày anh ta thấy tiền tiết kiệm biến mất.
“Kẻ có tiền tự cho mình quyền nhục mạ, buộc tội trộm cắp bởi vì kẻ làm thuê luôn là nghi phạm đầu tiên. Tôi muốn chỉ cho mọi người thấy, những người đầy tớ khốn khổ chỉ mong làm hài lòng chủ, bởi họ sống trong không khí cực kỳ bất ổn, với nỗi sợ hãi thường trực rằng sẽ bị đuổi đi với một lỗi nhỏ nhất”, đạo diễn nói.
Bộ phim được các chuyên gia điện ảnh Bollywood đánh giá là đáng xem, hình ảnh tốt, yếu tố trào phúng khai thác vừa độ, vừa mang tính giải trí, lại thể hiện tốt bi kịch của những người dưới đáy xã hội.
Khoảng cách chủ-tớ ngày càng đào sâu do lịch sử để lại, và ngày nay, do làn sóng di dân lớn từ nông thôn nghèo ra thành phố tìm việc làm. Người hầu trong nhà thường rất trẻ, xuất thân từ các bang nghèo nhất Ấn Độ như Bihar, Uttar Pradesh.
Thu nhập tháng bình quân của họ không vượt quá 1.200 rupi Ấn Độ (15 euro), được chủ cho ở trong căn phòng nhỏ xíu, đồ đạc sơ sài.
Người đứng đầu Công đoàn của những người giúp việc nhà ở New Delhi, Ramendra Kumar hi vọng rằng bộ phim- hiện đang chiếu ở 65 rạp trên toàn Ấn Độ từ cuối tháng 8- sẽ tạo đà cho chiến dịch bảo vệ pháp lí cho người giúp việc.
“Một công nhân nhà máy có thể kiện ra tòa để đòi phần trợ cấp hoặc các mức hưởng lợi khác từ chủ lao động, nhưng người giúp việc chẳng có quyền đòi hỏi gì. Không có quy định hiện hành, không có luật nào bảo vệ họ.
Họ sống bằng sự bố thí của các ông chủ, và số đông các ông chủ này lợi dụng vắt kiệt sức lao động với đồng thù lao rẻ mạt”, đại diện công đoàn bảo vệ người giúp việc nhấn mạnh. Sau thành công đầu tiên, đạo diễn trẻ này đang viết kịch bản phim thứ hai cho một nhà sản xuất có tiếng ở Bollywood.
Thủy Trúc
Theo TV5, The Hindu