Nhạc Việt nghiêng về đâu?

Nhạc Việt nghiêng về đâu?
TP - Hai chủng loại “sản phẩm” chính đang xuất hiện nhiều trên các sân khấu âm nhạc: những vị quán quân từ các cuộc thi hát truyền hình và các ca sĩ có khả năng tự sáng tác, thành danh cũng nhờ một số sân chơi truyền hình. Bên nào sẽ đóng vai trò quyết định hơn trong hướng đi tương lai của nhạc Việt?

> Phương Vy Idol biểu diễn cùng ca sỹ nổi tiếng thế giới

Thời kinh tế thị trường, nhu cầu giải trí tăng cao, âm nhạc trở thành món đắt hàng. Hầu hết chương trình giải trí trên truyền hình đều mượn âm nhạc làm phương tiện.

Những cuộc thi tiếng hát (trên) truyền hình đúng nghĩa để tìm tài năng ca hát ngày nay hầu như đã mất dạng, thay vào đó là các chương trình truyền hình thực tế bày sân chơi cho người thích hát.

Cách tiếp cận mới mẻ của các chương trình này cũng đem đến những hiệu ứng đám đông nhất định. Không ít khán giả đã kỳ vọng Uyên Linh - quán quân Thần tượng Âm nhạc 2010 sẽ thành một luồng gió mới, thậm chí một diva mới.

Nhưng chỉ giọng hát và hiệu ứng của cuộc thi xem ra chưa đủ đảm bảo sự cất cánh nhanh chóng cho vị quán quân.

Để trở thành một hình tượng âm nhạc mới, nếu bạn không thực sự có tài năng đa dạng và nổi bật (mà giọng hát dù quan trọng cũng chỉ là một phần trong đó), thì bạn phải có một ê-kip mạnh và hết mình với bạn.

Vậy cho nên sự thành công chưa đến hoặc đến chậm với Uyên Linh không phải “lỗi” ở cô mà ở hoàn cảnh chung.

Khán giả mong chờ Uyên Linh sẽ đem đến một điều gì đó mới nhưng có thể thấy Uyên Linh vẫn chủ yếu thuộc về một thế hệ cũ - thế hệ ca sĩ đi lên đơn thuần bằng giọng hát. Những người thành đạt nhất trong số đó đã được phong diva.

Ngày nay không thiếu giọng trẻ và hay nhưng vẫn không thể mon men đến danh hiệu này đơn giản vì mô hình diva đã hết thời. Một lý do khiến các ca sĩ mới nhưng theo mô hình cũ khó có thể bứt phá chính là sự thiếu cân bằng giữa đội ngũ ca sĩ và nhạc sĩ.

Ca sĩ xuất hiện dồn dập (nhất là sau mỗi mùa thi hát) trong khi lượng nhạc sĩ không tăng là bao. Dẫn đến thực tế là những ca sĩ có tên tuổi và tất nhiên có tiền sẽ thâu tóm những bài hát mới. Lấy ví dụ, một nhạc sĩ vừa sản xuất cho Thanh Lam lại vừa sản xuất cho Uyên Linh, sẽ dễ suy ra ai sẽ được ưu tiên hơn.

Khán giả ngày nay (sau khi đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với các luồng âm nhạc quốc tế) có lẽ cần những giọng hát có cái gì đấy riêng biệt, đột phá. Có lẽ vì thế mà The Voice phiên bản Việt chuyên khai thác các giọng hát hay và lạ vừa ra lò đã nóng ngay.

Nếu Việt Nam Idol qua mấy mùa mới có một hiện tượng Uyên Linh và trong chừng mực nào đó Văn Mai Hương - để tự hào thì hàng loạt thí sinh The Voice đã chạy show hoặc tổ chức minishow khá rôm rả. Đơn giản vì họ đã có khán giả.

Nhưng “có khán giả” không phải là cái đích tối hậu của nghệ sĩ. Cái gì nhanh có thì rất có thể cũng nhanh mất. Các “ngôi sao truyền hình” vẫn đang tròn phận sự giải trí, khoác cho họ những sứ mệnh lớn lao e rằng quá sớm.

Xuất phát từ những sân ít nóng hơn (Bài hát Việt hay Bài hát Yêu thích), là những nghệ sĩ được trang bị nhiều thứ hơn bên cạnh giọng hát. Khác với các ca sĩ thế hệ cũ, họ có khả năng tự quyết định phong cách và con đường sự nghiệp.

Có thể họ không tiến nhanh về mặt… cat-xê nhưng họ cũng nhanh chóng có được chỗ đứng trong làng âm nhạc. Điển hình Lê Cát Trọng Lý, một mình với cây đàn gỗ đã đủ sức làm show xuyên Việt - dù có khi ở khán phòng sang trọng giữa thủ đô, cũng có khi ở bên bờ ruộng với khán giả nông dân.

 Nếu Việt Nam Idol qua mấy mùa mới có một hiện tượng Uyên Linh và trong chừng mực nào đó Văn Mai Hương - để tự hào thì hàng loạt thí sinh The Voice đã chạy show hoặc tổ chức minishow khá rôm rả

Trong chương trình Bài hát Yêu thích, không ai ngạc nhiên khi khán giả nhiệt tình vỗ tay lúc MC giới thiệu Noo Phước Thịnh. Ai cũng biết ngoại hình xinh đẹp luôn có vị trí riêng trong thị trường âm nhạc. Nhưng Đinh Mạnh Ninh được nhắc tới với sáng tác mới của anh, khán giả cũng vỗ tay không kém.

Mô hình ca sĩ tự sáng tác ở Việt Nam đương nhiên không có gì là mới mẻ nhưng chưa bao giờ tạo thành một trào lưu như hiện nay. Các nghệ sĩ tự sáng tác, vừa đàn, vừa hát… đầy tự tin và được ghi nhận ở tuổi đời còn rất trẻ.

Ưu thế của mô hình này là người sáng tác không bị lệ thuộc vào hợp đồng với người khác, còn người hát thì được kể câu chuyện của chính mình.

Chính vì thế mà những sáng tác trong đó nhân vật xưng tôi như Lá cờ (Tạ Quang Thắng) hay Nghèo (Lê Cát Trọng Lý) hay kể cả Hà Nội trà đá vỉa hè (Đinh Mạnh Ninh) có sức lay động đáng kể.

Không dừng lại ở phong cách “du ca” như thời Trịnh Công Sơn hay Trần Tiến, một số nghệ sĩ trẻ du nhập nào là R&B, hip-hop, country-rock… và Việt hóa chúng một cách khéo léo.

Nhờ đó mà nhạc Việt trở nên phong phú hơn, gần hơn với các phong cách âm nhạc quốc tế đang thịnh hành. Ngoài việc đổi món cho đông đảo khán giả, điều này có mặt tích cực là sẽ khiến một bộ phận khán giả trẻ vốn bị thu hút bởi nhạc ngoại có thể sẽ quay lại với nhạc Việt vì thấy nhạc Việt cũng chịu chơi kiểu Tây, kiểu Hàn...

Còn nếu ai vẫn thích nhâm nhi chút hương vị truyền thống, có thể đến với những sáng tác kiểu Lê Cát Trọng Lý hay Công Hải (nhóm Quái Vật Tí Hon).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG