Hoạt hình lịch sử gian nan đến khán giả

“Người con của rồng” về Lý Công Uẩn từng làm nên làn sóng ủng hộ phim hoạt hình lịch sử
“Người con của rồng” về Lý Công Uẩn từng làm nên làn sóng ủng hộ phim hoạt hình lịch sử
TP - Trước tiếng vang của phim hoạt hình lịch sử Đại chiến Bạch Đằng xôn xao cộng đồng mạng, ông Đặng Vũ Thảo (ảnh), Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hãng phim Hoạt hình VN cho biết, dòng phim này khá mạnh nhưng gặp khó khi tới với khán giả.

> Sắp ra mắt phim về chiến thắng Bạch Đằng

Ông có biết cơn sốt “Đại chiến Bạch Đằng”, phim hoạt hình lịch sử lan truyền nhanh chóng trên mạng?

Tôi cũng có nghe, thấy rất đáng quý. Xuất phát từ sự kiện Đại chiến Bạch Đằng, chúng tôi đang ấp ủ mở chiến dịch thông tin truyền thông về phim hoạt hình lịch sử do Hãng sản xuất.

Mong muốn này không phải xuất phát từ lợi ích kinh tế, mà trước thời cuộc chúng tôi tập trung làm phim lịch sử về những cuộc chiến chống ngoại xâm của cha ông, gióng lên hồi chuông cảnh báo về những điều có thể xảy ra.

Nhưng hồi chuông đó rất dễ lọt thỏm giữa rừng tiếng động khác: tiếng ô tô khủng, xe máy xịn...

Nghĩa là trong kho phim, hãng sở hữu nhiều phim hoạt hình lịch sử?

Hai năm qua, chúng tôi hoàn thành 3 phim lịch sử dài: Hào khí Thăng Long (60 phút), Giấc mơ Loa thành (hơn 30 phút), Trần Quốc Toản (30 phút). Ba phim này cùng một số phim ngắn đề tài lịch sử được Hội đồng duyệt phim quốc gia đánh giá tốt.

Tuy nhiên con đường đi đến với khán giả điện ảnh bị chặn lại, bởi cơ chế phát hành phim hiện nay: Phim tốt nhưng không chen chân phát sóng trên truyền hình, đưa về các rạp chiếu ở các tỉnh cũng khó khăn vì mục đích kinh doanh, lợi nhuận.

“Người con của rồng” về Lý Công Uẩn từng làm nên làn sóng ủng hộ phim hoạt hình lịch sử
“Người con của rồng” về Lý Công Uẩn từng làm nên làn sóng ủng hộ phim hoạt hình lịch sử.

Phát hành là câu chuyện muôn thuở không chỉ của hoạt hình, mà điện ảnh nước nhà nói chung. Chẳng lẽ chúng ta cứ đứng nhìn phim làm xong rồi cất kho?

Ban lãnh đạo thống nhất không thể ngồi chờ, phải tự cứu mình. Hè vừa rồi, chúng tôi chiếu ra mắt những phim lịch sử mới sản xuất, cùng nhiều phim hoạt hình khác qua các hợp đồng với một số trường mầm non, tiểu học, chiếu phim tại rạp 150 chỗ của Hãng, thu hút hàng nghìn lượt người xem trong tháng. Nhưng để cho việc phổ biến phim đến cho thiếu nhi trở thành nền nếp thì hiện nay chưa làm được.

Thực tế có nhiều kênh phát hành phim, đâu cứ trông chờ chiếu rạp?

Những việc làm của hãng như đưa phim đến các đài truyền hình, các trường học, chiếu rạp chỉ là việc làm nhất thời, không mang tính phổ quát. Chúng tôi còn đưa tất cả phim hoạt hình vào các chương trình phát hành đĩa DVD nhờ mạng lưới phát hành sách.

Chúng tôi biết nhiều khi bỏ ra 100 thu về 1, bởi bản quyền không ai bảo vệ: 20 chương trình mới phát hành năm nay bán chưa được bao nhiêu đã có đĩa lậu.

Ông có bi quan trước những nỗ lực của giới làm phim chưa có kết quả?

Chúng tôi vẫn làm, vẫn ra mắt bằng cách này hay cách khác. Hãng xây dựng đề án: “Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần yêu nước và cách mạng cho thanh thiếu niên, nhi đồng qua phim hoạt hình”.

Chúng tôi đề xuất dự án với lãnh đạo Bộ VHTT&DL từ 2006, cũng được duyệt đề cương chi tiết, cho chủ trương nhưng kinh phí không có. Đề án chưa đâu vào với đâu cả.

Hào khí Thăng Long hoàn thành chưa biết lấy tiền đâu bù vào, vì mới được cấp 60% kinh phí. Giấc mơ Loa Thành, Trần Quốc Toản hãng bổ sung kinh phí để nâng cao chất lượng phim.

Chẳng lẽ Hãng phim Hoạt hình cứ trông chờ vào đề án vẫn còn trên giấy?

Chúng tôi đã nghĩ được rằng, để bảo vệ đất nước phải có con người yêu nước, có lòng tự hào dân tộc, biết truyền thống dựng nước giữ nước của cha ông.

Cho nên chúng ta phải xoay đổi lại định hướng giáo dục, dĩ nhiên là xoay đổi tổng thể. Phim hoạt hình chỉ là phần rất nhỏ trong nhiệm vụ đó, chỉ là cộng hưởng của cả định hướng lớn.

Dù đề án vẫn nằm trên giấy, Hãng trăn trở với ý thức ấy, tự vận động xoay đề tài sáng tác: Chuyển từ câu chuyện ngắn, nhỏ nhỏ về ứng xử sang tập trung làm phim lịch sử.

Chúng tôi chuẩn bị làm sêri: Kịch bản Mị Châu Trọng Thủy được đưa vào làm phim-phim thứ 4 đặt nền móng cho đề án làm phim lịch sử-, Thánh Gióng, Đảo dưa đỏ cũng đang hoàn thiện kịch bản, cùng với kịch bản về Đinh Bộ Lĩnh.

Ngoài tái hiện lịch sử, theo ông yếu tố nào thu hút khán giả?

Phim làm về lịch sử không phải bê nguyên xi, chúng tôi cố gắng nhìn lịch sử bằng con mắt của thời hiện tại, vừa phân tích, đánh giá vừa ngợi ca và vừa có định hướng cho người xem.

Dĩ nhiên định hướng đó bằng nghệ thuật, thế sự nhân vật đưa vào ý tưởng hiện đại chứ không thể hò hét lộ liễu rằng phải làm thế này thế kia.

Làm phim để hâm nóng tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc và quan trọng hơn là hâm nóng hơn trách nhiệm công dân khi xã tắc lâm nguy, gióng lên từng hồi trống nho nhỏ.

Cụ thể, phim Đảo dưa đỏ xoay quanh chuyện sau khi An Tiêm xin được trấn giữ vùng Biển Đông, có đoàn khách lạ đến mua dưa, mua đất, thuê người trồng dưa, và đưa con đến xin kết thông gia.

Trong buổi lễ thành hôn của đoàn người lạ, bên dưới là vũ khí, hải tặc tấn công đảo.

Thế nhưng An Tiêm biết được âm mưu, đề cao cảnh giác cùng con trai rèn luyện binh sĩ đánh bại cuộc xâm lăng của đoàn người đội lốt tình yêu, hòa hảo.

Sốt phim lịch sử chỉ như ném đá ao bèo?

NSND Phương Hoa, Xưởng trưởng Xưởng phim hoạt hình thuộc VFC, đạo diễn- được nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim VN, Cánh diều- e dè, liệu cơn sốt Đại chiến Bạch Đằng được bao lâu. “Tôi nghĩ một cánh én không làm nên mùa xuân. Khi Người con của rồng xuất hiện ở rạp, nhận khá nhiều phản hồi tốt, xuất hiện làn sóng ủng hộ phim Việt rầm rộ. Nhưng rồi chúng ta cứ chờ xem, như Người con của rồng, Cô bé bán diêm 3D, hay Đại chiến Bạch Đằng dễ như viên sỏi rơi tõm ao bèo. Bởi vì chúng ta không thể ra phim đều đặn, các phim khác, thông tin khác khỏa lấp rất nhanh. Phim nhỏ lẻ, rồi đây 6 phút bộ phim dễ trôi vèo đi, nếu không có ai động viên, hoặc có chủ trương hẳn hoi”, NSND, đạo diễn Phương Hoa nói.

Đạo diễn có tiếng trong giới làm phim hoạt hình nói thêm, nghệ sĩ cứ lo sản xuất, phát sóng phụ thuộc vào ban thư ký biên tập VTV. “Tất nhiên chúng tôi làm phim xong, đài sẽ sắp xếp phát sóng. Thực tế, nhiều phim làm công phu chỉ được phát một, hai lần, cộng với hầu hết trước khi phát không quảng bá, rất lãng phí. Bây giờ phim hoạt hình chủ yếu làm ra phát trên VTV6, kênh truyền hình chưa thu hút được người xem lắm. Còn hình thức phát hành khác chúng tôi cũng mong muốn lắm. Nghệ sĩ cứ sản xuất, phần phát hành không được phép, vì cái khó là phim chủ yếu phim do nhà nước đặt hàng, làm xong tác giả gần như không được quyền làm gì với tác phẩm của mình. Giới trẻ làm phim rồi tung lên mạng được là hoàn toàn tự phát, vì do các bạn ấy làm ra”, đạo diễn Phương Hoa chia sẻ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG