> Lửng lơ chấm hỏi tình yêu ‘bóng kín’
Cô đã nhầm.
Truyền thống không phải là cái bất di bất dịch, không bao giờ thay đổi. Và, dựa vào truyền thống để phản đối một cái gì đó, thoạt nhìn thì đáng ủng hộ, nhưng sẽ ra sao nếu “truyền thống” thực chất là một quan niệm cổ hủ không hơn?
Những người phản đối, cười cợt người đồng tính, đơn giản là thiếu hiểu biết, không tiến bộ chứ chẳng phải là thẳng thắn bày tỏ chính kiến như nhiều người lầm tưởng. Luật pháp chưa cho phép người đồng tính kết hôn nhưng không có điều luật nào cấm họ yêu nhau.
Vậy tại sao những người, cũng là công dân, bình đẳng trước luật pháp, lại tự cho mình quyền cấm đoán nhau?
Chương trình trò chuyện về tình yêu đồng tính “Ai nỡ ép duyên” của VTV hôm 20-5 cũng để lại một câu hỏi không lạ nhưng khiến phải suy ngẫm: “Khi bạn yêu một người, bạn có giải thích được tại sao mình yêu không? Có khi nào lý do lại là vì người đó là đàn ông/phụ nữ nên bạn mới yêu”.
Người ta sẽ không bao giờ phản đối gay gắt một cái gì, nếu nó không trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng quyền lợi của họ.
Lý do phổ biến nhất, khiến những người mẹ ép đứa con đồng tính kết hôn: duy trì nòi giống, sinh tồn. Người ta thường cho rằng, người đồng tính nếu lấy nhau sẽ không sinh con nên việc họ tồn tại đi ngược lại sự phát triển tự nhiên.
Nhưng,
Người đồng tính có thực sự làm ảnh hưởng sự sinh tồn của con người? Thực tế, vì là nhóm thiểu số nên việc này quá sức đối với họ. Đồng tính không phải là bệnh, không “lây nhiễm” nên số người đồng tính không tăng ào ạt theo thời gian đến nỗi đe dọa quyền lợi của người dị tính, như nhiều người lầm tưởng.
Trong tự nhiên, có những sinh vật không sinh sản nhưng nuôi dưỡng và vẫn đóng góp vào quá trình sinh tồn của loài. Chẳng hạn, kiến chúa đẻ con còn kiến thợ chăm sóc con non. Ở đây tôi không có ý so sánh loài kiến với loài người.
Nhưng xã hội nào cũng có những đứa trẻ bị bỏ rơi và những cặp cha mẹ có điều kiện nhận con nuôi. Đó là sự bù trừ tuyệt vời. Người đồng tính hoàn toàn có thể đóng góp cho quá trình duy trì nòi giống theo cách đó.
Giữa những người “đẻ nhưng không nuôi” và những người “không đẻ nhưng nuôi”, ai nên khuyến khích hơn? Tôi ngạc nhiên khi nhiều người từ chối chấp nhận, khuyến khích người đồng tính sống và yêu lành mạnh, thay vào đó lại hướng đến những tổ ấm giả tạo, có thể tan vỡ bất cứ lúc nào (ép người đồng tính lập gia đình, sinh con).
17-5 hằng năm là Ngày quốc tế chống kỳ thị người đồng tính và chuyển giới. Năm nay, có nhiều vở kịch và chương trình truyền hình tọa đàm về người đồng tính.
Xem xong những chương trình này, một khán giả nói: “Không hiểu sao tôi vẫn thấy người đồng tính ghê ghê” (mặc dù đã đủ nhiệt tình ngồi xem, cốt để hiểu thêm).
Có phải do khán giả này thiếu cảm thông? Chưa chắc. Chẳng hiểu tại sao một loạt kịch và chương trình truyền hình lại tạo cho khán giả ấn tượng đáng sợ, bí hiểm về người đồng tính đến thế.
Người đồng tính trên sân khấu yêu nhau, dằn vặt, chia ly trong bóng tối để tăng tính nghệ thuật. Trong các talkshow, họ ngồi sau bức màn, xuất hiện như những bóng đen lầm lũi.
Người ta cổ vũ không phân biệt, kỳ thị, mà mỗi khi người đồng tính xuất hiện thì khung cảnh cứ phải kỳ bí một chút, thái độ của mọi người phải bi thương một chút, tóm lại là lâm ly hóa.
Và thế là, không hiểu sao, hình tượng người đồng tính trên sân khấu, truyền thông cứ gắn với bóng tối le lói, trong khi, bên ngoài đời thực, họ có toàn quyền đi dưới ánh sáng như tất cả chúng ta.