Con người sẽ sống ở đâu bây giờ?

Chiếc kệ khổng lồ với chiếc dép cũ nát trôi dạt được sắp đặt với ý nghĩa biểu tượng của họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai (Việt Nam) Ảnh: T.N.A
Chiếc kệ khổng lồ với chiếc dép cũ nát trôi dạt được sắp đặt với ý nghĩa biểu tượng của họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai (Việt Nam) Ảnh: T.N.A
TP - Trong khuôn khổ Những ngày châu Âu tại Việt Nam, Triển lãm nghệ thuật đương đại “Phong cảnh sông nước biến đổi” do Viện Goethe tổ chức từ 12 đến 26-5 tại phòng tranh Catus Contemporary (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, P.6, Bình Thạnh, TPHCM) như một điểm nhấn thú vị.

> Lê Anh Hoài trình diễn 'Cắt'

Chiếc kệ khổng lồ với chiếc dép cũ nát trôi dạt được sắp đặt với ý nghĩa biểu tượng của họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai (Việt Nam) Ảnh: T.N.A
Chiếc kệ khổng lồ với chiếc dép cũ nát trôi dạt được sắp đặt với ý nghĩa biểu tượng của họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai (Việt Nam).  Ảnh: T.N.A.

Dự án nghệ thuật được Viện Goeth tổ chức với sự tham gia của 17 nghệ sĩ đến từ 6 quốc gia ASEAN, gồm các tác phẩm hội họa, truyền thông đa phương tiện, nhiếp ảnh, video, âm thanh điện tử… xoay quanh sức nóng của biến đổi khí hậu và những tác nhân xã hội, chính trị tác động đến môi trường.

Trần Lương, giám tuyển của các nghệ sĩ Việt Nam cho biết chủ đề biến đổi khí hậu không mới, nhưng sự tham gia của các nghệ sĩ vào đề tài này hiện vẫn còn khiêm tốn.

Với triển lãm mang tính xã hội và gợi mở, các nhà tổ chức tập trung vào ý nghĩa truyền thông, điển hình là việc cho ra đời trang web http://blog.goethe.de/riverscapes để thu thập các phản hồi. Tuy vậy theo Trần Lương thì “tính nghệ thuật của các thông điệp vẫn là ưu tiên hàng đầu”.

Trong các bức ảnh sắp đặt của mình, Lim Sokchanlina nhà nhiếp ảnh tư liệu và ý niệm của Campuchia đặt những tảng nước đá lớn dưới các tán rừng nhiệt đới và cho chúng trôi vào các trại nuôi cá.

Anh muốn cảnh báo quá trình tan băng từ các cực của trái đất, đã và đang hủy hoại hệ sinh thái và môi trường sống của quê hương như thế nào.

Trong tác phẩm sắp đặt âm thanh, Achmad Krisgatha- người Indonesia phản ảnh ẩn ức của người dân Jakarta, nơi 40% diện tích nằm thấp hơn mực nước biển mà quá trình đào kênh luôn trì trệ và để lại nhiều hệ lụy cho dân nghèo.

Người xem khá bất ngờ trước một quầy hàng nhỏ, bày một loại bim bim lạ mắt. Sau khi ăn, người ta mới biết đó là bim bim làm từ cá dọn bể.

Tác giả của tác phẩm sắp đặt thực phẩm- Wok The Rock, cũng đến từ Indonesia cho biết tác phẩm không hẳn là ngụ ngôn mà chính người dân đến lúc đã buộc phải ăn thứ cá rất khó nuốt này.

Tôi ấn tượng với những chiếc thuyền được bọc bằng nhung trắng muốt của tác giả Myanmar Aung Ko. Bên cạnh những chiếc thuyền độc mộc bằng nhung đẹp như mơ, người ta còn thấy những chiếc thuyền đồ chơi bằng gỗ bé tí.

Những con thuyền đẹp như trong mơ của Aung Ko (Myanmar)
Những con thuyền đẹp như trong mơ của Aung Ko (Myanmar).

Theo Aung Ko, “chính bởi vì không có đồ chơi nên bọn trẻ đã làm ra những chiếc thuyền gỗ bé xíu ấy”.

Nữ nghệ sĩ sắp đặt Goldie Poblador (Philippines) đem tới nét dịu dàng nữ tính với công trình sản xuất nước hoa từ con sông San Mateo –Marikina.

Theo tác giả, sở dĩ cô kỳ công chiết xuất nước hoa là hi vọng sẽ làm sống lại khứu giác của người dân sống bên dòng sông bị ô nhiễm nặng nề.

Riêng mình, cô không bao giờ cảm còn thấy thoải mái khi sống bên dòng sông quê hương yêu dấu nữa, mùi hương mà cô kiếm tìm dường như chỉ như mùi hương trong chuyện cổ tích.

Nghệ sĩ đến từ Thái Lan Sutthirat Supaparinya đem tới câu chuyện “Cung đường ông tôi đi đã bị chặn lại mãi mãi”. Dòng sông quê hương, nơi tổ tiên cô thường qua lại với phong cảnh đẹp tuyệt vời, đã bị cái đập khổng lồ mang tên nhà vua chặn đứng.

Bốn tác giả Việt Nam tham gia triển lãm. Lương Huệ Trinh với tác phẩm sắp đặt âm thanh, chứng minh sự thay đổi của âm nhạc tài tử ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Vì cuộc sống ngày càng khó mà các nghệ nhân đã biến vốn tài sản âm nhạc trữ tình sâu sắc của cha ông thành một thứ âm nhạc thị trường hời hợt để phục vụ du khách bên các bàn nhậu. Sự khác biệt của hai thứ âm nhạc xưa và nay đủ khiến người ta giật mình.

Nguyễn Thị Thanh Mai đến từ Huế đem theo hàng trăm đôi giày dép mà cô lượm được sau các trận lụt. Chúng như những dấu vết duy nhất còn sót lại của những nạn nhân lũ lụt miền Trung năm 1999.

Nguyễn Thế Sơn đã thực hiện tác phẩm ảnh sắp đặt nom khá phi lý. Đối nghịch với những dòng chữ sơn son thiếp vàng “Núi liền núi sông liền sông” là những bức ảnh mô tả dòng sông Hồng đang bị ô nhiễm vì nạn khai thác quặng và trồng chuối bán sang Trung Quốc ở thượng nguồn.

Triển lãm “Phong cảnh sông nước biến đổi” cho thấy quá trình biến đổi khí hậu không chỉ là một hiện tượng tự nhiên, một thảm họa thiên nhiên. Từ mọi góc độ, người ta đều nhìn thấy những sự thờ ơ, đôi khi là bất lực của con người.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG