Opera Kiều không ngại giông tố

Vở thanh xướng kịch được diễn tối 3-5 Ảnh: Mai Xuân Tùng
Vở thanh xướng kịch được diễn tối 3-5 Ảnh: Mai Xuân Tùng
TP - Vở thanh xướng ấp ủ lâu nay về cuộc đời nàng Kiều “Định mệnh bất chợt”, công diễn tối 3-5 tại Nhà hát Lớn, và sẵn sàng chờ đón phán xét của dư luận, theo lời cha đẻ vở thanh xướng- nhạc sĩ sống ở Pháp Nguyễn Thiện Đạo.

> 'Xã hội hóa' nhạc jazz với Quang Thọ, Tùng Dương…

Vở thanh xướng kịch được diễn tối 3-5 Ảnh: Mai Xuân Tùng
Vở thanh xướng kịch được diễn tối 3-5.  Ảnh: Mai Xuân Tùng.

Đúng như hứa hẹn của nhạc sĩ từ nhiều tháng trước, Định mệnh bất chợt là dịp để thấm Kiều qua hình thức mới. Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo vốn nổi tiếng là người viết giao hưởng cho dàn nhạc dân tộc.

Ở vở thanh xướng này, ông khẳng định chất dân tộc thấm sâu, toàn diện trong tác phẩm được thể hiện qua ngôn ngữ hiện đại.

Dàn nhạc giao hưởng là chủ đạo, nhưng lại nhấn nhá ở phần đệm đàn tỳ bà ngâm thơ của nàng Kiều do ca nương Phạm Thị Huệ hóa thân.

“Tôi muốn có cơ hội đưa cây đàn tỳ bà rất đẹp ra trước công chúng vì hiện nay nó hơi chìm. Đây là cơ hội học hỏi thủ pháp sáng tác của nhạc sĩ, để phát huy khả năng vừa ngâm thơ vừa trình diễn đàn tỳ.

Tiếng tỳ bà cất lên giữa dàn nhạc giao hưởng rất thú vị, nhưng bản thân mình phải vững vàng, độc lập vì cứ hình dung mình phải đứng cạnh dàn nhạc lớn như vậy”, Phạm Thị Huệ chia sẻ. Những đoạn ngâm Kiều cũng đa dạng, khi đậm chất ca trù, lúc ai oán kiểu ngâm khúc.

Giọng nữ cao Vành Khuyên là diễn viên chính hóa thân thành Kiều khi thoại, khi ngâm, lúc lại hát opera. “Vai Kiều của Vành Khuyên vượt về mọi mặt, vừa ngâm thơ, vừa hát opera khi rên xiết, lại thì thầm, lúc thoại. Diễn biến của vai Kiều rất khó, nhưng Vành Khuyên đã đạt được tinh thần mà tôi hoan nghênh”, nhạc sĩ nhận xét.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo muốn diễn viên phải học thuộc lòng hết phần lời, về sau có thay đổi khi vắng phần ballet nhưng diễn viên gần như thuộc hết.

Chỉ có điều thời tiết đầu hè đỏng đảnh khiến giọng ca nữ chính gặp khó: “Tôi nhận vai Kiều với tâm thế thoải mái, nhạc sĩ cũng là người kỹ tính nhưng có lẽ mình cũng phần nào đáp ứng. Khi tập giọng tôi trong rất tốt, nhưng hôm “nổ súng” lại bị khàn, không thể lường trước. Tôi chỉ còn cách cố hết sức thể hiện vai diễn”.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo sáng suốt khi không chọn lối phổ Kiều. Ông chia vở kịch thành 11 chương, chọn những đoạn tiêu biểu: Kiều vơi Tú Bà, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến. Đặc biệt tứ Định mệnh bất chợt trở lại liên tục trong vở kịch, qua cuộc đối thoại của Nguyễn Du với Kiều. Chữ bất chợt theo ý nhạc sĩ không hẳn là nó chợt đến, mà là mãi mãi, là kiếp người, cuộc đời chịu đày đọa.

Cũng như không phải bất chợt mà nhạc sĩ viết tác phẩm: Cứ như định mệnh khi ông đưa tâm huyết thể hiện tinh thần dân tộc lên sàn diễn Nhà hát Lớn-hồi nhỏ ông sống ngay gần đó-, cũng là lựa chọn suốt đời cống hiến cho âm nhạc dân tộc.

Trong Định mệnh bất chợt, nhạc sĩ còn đưa cả rock vào mà không hề nghịch chút nào. Điệu valse lả lơi khi Kiều ở lầu Ngưng Bích, chấp nhận tiếp khách làm nền cho đoạn rock ngay sau đó.

Ấy là chất cuồng nhiệt, kịch tính rất cần cho không khí thác loạn ở chốn lầu xanh.

Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo tự tin phần này rất chuẩn, còn chất lượng chung ông sẵn lòng chờ dư luận: “Tất cả mọi người nghe mà thấy tạm được thì dở quá, phải có những ý kiến trái chiều nhất là tác phẩm mới. Tác phẩm có chiều dài, chiều dày muốn lĩnh hội được phải nghe tương đối nhiều lần, phân tích, nói rất trân trọng và không hề kiêu ngạo là phải có trình độ hiểu biết nhất định về âm nhạc bác học. Tôi sẵn sàng đón nghe”.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm khán giả bình thường hoàn toàn có thể thưởng thức vở diễn, bởi một tác phẩm âm nhạc thành công khi người nghe thực sự bị cuốn vào đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG