>Minh Hằng: Quá gợi cảm trong 'The Phantom'
>Bước Nhảy Hoàn Vũ mà ngỡ 'Cặp đôi hoàn hảo'
Từ điển âm nhạc Việt Nam vừa được bổ sung một khái niệm mới: “đạo giọng”, xuất phát từ việc báo chí dùng từ này khi nhắc đến vụ ca sĩ, diễn viên Minh Hằng sử dụng giọng của người khác trong tiết mục The Phantom of the Opera tại đêm khai màn Bước nhảy hoàn vũ 2012 mà không thông báo cũng không xin phép. Và khi sự việc vỡ lở, người đứng ra xin lỗi lại là BTC và người song ca với cô: ca sĩ Minh Quân. BTC khẳng định: bản thu âm mà Minh Quân- Minh Hằng dùng để nhép khi biểu diễn có sử dụng thêm phần bè của ca sĩ Lan Anh (nằm trong bản thu âm có sẵn của Minh Quân- Lan Anh) nhằm làm cho giọng của Minh Hằng dày hơn, đặc biệt ở những đoạn cao trào. Theo BTC, Minh Hằng hoàn toàn vô can, cô chỉ đi thu âm theo sự giúp đỡ, sắp xếp của Minh Quân. Minh Quân là người xuất ra bản thu âm cuối cùng để trình diễn nên BTC cũng không thể phát hiện sự việc, cho đến khi Lan Anh lên tiếng.
Như vậy lỗi tại Minh Quân tất cả dù khi xem tiết mục kia, người được thán phục lại là Minh Hằng. Vì trước đó không ai ngờ là cô có thể hát khá đến thế. Tuy nhiên ngay khi xem tiết mục, có thể thấy một hiện tượng lạ là những nốt cao trào ở cuối bài chính là chỗ để ca sĩ khoe đẳng cấp giọng thì lại bị xử lý kỹ thuật cho nhòe đi. Còn Minh Hằng thì vẫn mở miệng tỏ ra là đang hát. Như vậy có khi chỉ một động tác mở hoặc ngậm miệng đã có thể làm cho tình hình xoay chuyển hoàn toàn.
Về số lượng, rõ ràng là giọng thật của Minh Hằng chiếm phần lớn trong màn trình diễn, nhưng những gì chất lượng nhất thì lại là giọng của Lan Anh. Sau khi BTC nhận lỗi, một tờ báo điện tử đưa ý kiến của người trong cuộc: hy vọng khán giả đừng quá đặt nặng vào vấn đề vì đêm mở màn diễn ra với tinh thần “vui là chính”.
Nếu Minh Hằng không thấy mình có lỗi thì không xin lỗi cũng là chuyện thường. Dù ý kiến nói trên là của ai đi nữa thì diễn biến sự việc đã cho thấy: có những vấn đề mà, chính vì người làm nghệ thuật không đặt nặng, thành ra khán giả lại không coi nhẹ.
Từng có chuyện diễn viên nữ chính hát cả một vở chèo bằng giọng của người đứng trong cánh gà, tất nhiên với sự đồng ý của cả hai bên, cùng đoàn chèo. Giá kể chuyện đó bây giờ còn thì dư luận chẳng để yên. Bên Tây từng có Milli Vanilli- ban nhạc hình một đằng tiếng một nẻo (các thành viên đẹp trai biểu diễn bằng giọng của người khác) được giải rồi bị tước giải Grammy vào năm 1990. Kết cục của nhóm nhạc đó không hay ho gì sau hàng chục phiên hầu kiện và phải hoàn lại tiền mua đĩa, tiền mua vé xem hòa nhạc cho quãng 10 triệu khách hàng.
Vụ việc Minh Hằng mượn giọng Lan Anh được dư luận chú ý báo hiệu một sự tiến bộ trong nhận thức xã hội về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên trong xu hướng đi lên đó vẫn có những tiếng nói lạc điệu. Được biết, một vị làm quản lý nghệ thuật khi được hỏi ý kiến đã phát biểu (ngoài lề): “Đừng có làm to chuyện lên. Đó có phải hát đâu, a a á á mấy câu thôi. Như thế lấy ở đâu chả được. Lấy trên máy tính hay từ đàn óoc ra cũng được...”. Kể mà được vị này tư vấn sớm, Minh Hằng lấy từ máy tính hay đàn óoc mấy tiếng u ơ thì đã chẳng phải phiền đến Lan Anh.
Bây giờ trong thế giới giải trí, cứ xuất hiện những nhân vật chả biết nổi tiếng vì cái gì. Ấy thế mà họ cứ tiếp tục nổi tiếng. Và sự nổi tiếng đó sẽ được quy ra tiền qua những hợp đồng quảng cáo nhãn hàng, nếu nhãn hàng đó không đếm xỉa gì đến tài năng cũng như tai tiếng của ngôi sao quảng cáo.