Quyền lực 'giấu mặt' ở Việt Nam’s Got Talent

Quyền lực 'giấu mặt' ở Việt Nam’s Got Talent
TP - Bên cạnh giám khảo và khán giả, còn một thế lực đứng trong hậu trường cũng có khả năng tác động nhất định đến số phận của thí sinh, nhất là những ai thi hát.

>Gây 'hỏa hoạn' để mong vào chung kết
>Tài năng chỉnh âm thanh ở đâu?

Ca hát luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng. Nhưng nhiều chương trình thi hát quá cũng đâm nhàm. Vì thế người ta nghĩ ra format…’s Got Talent - tức là thi hát xen kẽ thi tạp kỹ. Những tiết mục dự thi mà không phải ca hát có nguy cơ chỉ mang tính tô điểm, làm cho chương trình thêm xôm tụ mà thôi.

Vì thế trong chương trình có hơi nhiều tiết mục hát ấn tượng như đêm bán kết 18-3 của Việt Nam’s Got Talent, thì những tiết mục dù có sáng tạo như của nhóm Gió Mới cũng ít có cơ hội.

Nhóm này có biệt tài dựng một vở vũ kịch trong thời lượng 2 phút rưỡi. Họ còn nhảy trên nền nhạc cải lương và mạnh dạn chỉnh sửa Chuyện tình Lan và Điệp theo chiều hướng tích cực, hiện đại: Điệp lên thành phố làm công nhân và không quên tình xưa nghĩa cũ.

Các lão nông làng Then đã tìm được một thú giải trí rất công phu trong cuộc sống: cùng nhau hòa tấu violon. Nhưng chinh phục giới chuyên môn không đơn giản, nhất là giám khảo Huy Tuấn: “Các bác hoàn toàn xứng đáng có mặt tại vòng bán kết nhưng chung kết thì e chưa đủ”.

Anh công an Nguyễn Văn Thịnh từng cực dễ thương với màn múa võ theo nhạc Hàn Quốc, bỗng trở nên nghiêm trọng khi đấu võ cùng 2 bạn diễn nữa mà không cần theo nhạc. Thôi thế là gần như tiết mục của anh thành màn đấm đá đơn thuần chả còn gì hấp dẫn.

Cũng như buổi thi trước, nhạc sĩ mù Nguyễn Thanh Bình lọt vào bán kết bằng khả năng chơi nhiều nhạc cụ, bỗng quay sang thi hát và bị loại. Chưa biết số phận anh Thịnh thế nào, chỉ thấy đáng tiếc là vừa rồi anh đã lấy mất của khán giả cơ hội được tiếp tục giải trí bằng biệt tài của anh.

Ít nhất một thí sinh đêm 18-3 không đi theo công thức “From zero to hero” (tạm hiểu: Từ vô danh thành ngôi sao). Đó là bé Thanh Trúc- quán quân Đồ Rê Mí 2010. Trúc chọn Con cò - bài quá sức đối với tuổi lên 8.

Sau giải Đồ Rê Mí, Thanh Trúc hoàn toàn có thể hoạt động ca hát tích cực, với điều kiện bé nên hát những bài vừa vặn, để giọng trời phú tiếp tục phát triển.

Nguyễn Thái Hoàng trình diễn có nhạc cảm bài hát cũng không dễ chút nào: Unchained Melody. Nhưng bài này lại đặc biệt phù hợp với những giọng nam cao hơn giọng của Hoàng.

Đoạn cao trào đòi hỏi chuyển được giọng thật thành giọng gió - khó ngay cả với ca sĩ chuyên nghiệp. Và BTC đã khắc phục phần nào hạn chế của Thái Hoàng bằng các kỹ xảo âm thanh, thêm tiếng vang để các nốt giả thanh được ngọt hơn.

Các nốt cao trào trong bài She’s gone của rocker Đinh Ngọc Hoàng cũng được xử lý tương tự. Trong khi Thanh Trúc hát hoàn toàn bằng giọng bạch thanh phải chăng đã đủ tốt rồi, nên bộ phận âm thanh ít thấy gia giảm gì thêm?

Từng xảy ra chuyện thí sinh thi hát khi bị chương trình loại đã viện dẫn các phân tích từ chuyên gia âm thanh để chứng minh mình bị chương trình “chơi xấu” bằng cách chỉnh âm thanh cho kém hay hơn tiết mục khác.

Các tiết mục ca hát dễ được chú ý bình chọn, đồng thời cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố hoàn cảnh là vậy. Đâm ra ngoài giám khảo và khán giả bình chọn, ở những cuộc thi như Việt Nam’s Got Talent còn có một “quyền lực thứ 3”: chuyên gia chỉnh âm thanh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG