Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai |
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Xây dựng thương hiệu văn học Việt như thế nào?
Để giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới, hội nghị "Giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới" chỉ là một bước khởi đầu cho một chương trình hành động quốc gia. Cần có những nhân tố chính sau đây để đảm bảo sự thành công của chương trình đó:
1.Chọn lựa và giới thiệu:
Hội Nhà văn Việt Nam có trách nhiệm đầu tư vào việc chọn lựa và giới thiệu những tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu qua mọi thời kỳ, cho các dịch giả, các nhà xuất bản.
Tiếp tục tổ chức các hội thi, diễn đàn để khuyến khích những sáng tác mới mang tính thời đại. Lập thư viện dữ liệu hoàn chỉnh về văn chương Việt để hỗ trợ cho công việc tra cứu.
2. Sử dụng truyền thông đa phương tiện:
Việc quảng bá sản phẩm văn chương Việt phải được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau:
Lồng ghép vào những chương trình giao lưu văn hóa giữa các chính phủ; Sử dụng kỹ thuật thông tin (ví dụ như qua mạng Internet, giới thiệu trích đoạn của những tác phẩm tiêu biểu). Các trích đoạn cần được dịch sang một số ngôn ngữ; Tích cực đăng tải văn chương Việt Nam trên các phương tiện báo chí như đài, truyền hình, báo mạng, báo in... ngoài Việt Nam; Thông qua các sự kiện giới thiệu văn chương Việt Nam, trực tiếp kết nối các tác giả, tác phẩm đến với dịch giả và nhà xuất bản; Hỗ trợ xuất bản một số tác phẩm tiêu biểu.
3. Tận dụng các nguồn lực sẵn có:
Kêu gọi Việt kiều đang định cư tại các nước tham gia giới thiệu văn học Việt Nam tại nước họ đang sinh sống. Đề nghị họ giới thiệu dịch giả, và các nhà xuất bản quan tâm đến văn chương Việt.
Kêu gọi các trung tâm văn hóa tại Việt Nam (như Hàn Quốc, Nhật, Anh...) giới thiệu dịch giả và nhà xuất bản, và chia sẻ kinh nghiệm của đất nước họ trong việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài.
Kêu gọi các tổ chức lớn, có uy tín tài trợ cho các chương trình phổ biến văn chương Việt Nam ra nước ngoài.
Tăng cường sự phối hợp với nhà xuất bản Thế giới, các nhà xuất bản khác cùng các công ty sách tư nhân.
4. Đặt mục tiêu cụ thể cho từng cột mốc thời gian cụ thể:
Một chương trình hành động cần phải có mục tiêu cụ thể theo từng cột mốc thời gian. Mục tiêu phải là số lượng tác phẩm được đưa ra nước ngoài và các hợp đồng xuất bản được ký kết với nước ngoài.
Nhà văn Phong Điệp |
Nhà văn Phong Điệp: Lạm phát "nhà văn"?
Từng có người đã than rằng: Văn chương thời buổi này thật là vàng thau lẫn lộn. Sách in ra nhiều, bìa nào cũng ấn tượng, bắt mắt. Quảng cáo sách nào cũng hấp dẫn.
Một nhà báo không mấy khó khăn, đã đúc kết được công thức để một "nhân vật vô danh" trở thành nổi tiếng và gia nhập giới "nhà văn" như sau:
"Chỉ cần vốn liếng là chiếc máy tính nối mạng và khả năng siêng blogging, chịu khó kể những câu chuyện lảm nhảm về tình yêu, công việc, nhớ pha thêm một số cảnh sex nóng bỏng, lãnh cảm hay bất lực; thủ dâm hay cuồng loạn vũ trường quán xá; gay, lesbian hay ngoại tình; phơi bày bản thân; phản ánh những mốt chơi thời thượng như vespa, chụp ảnh hay ngồi nhìn mưa và nói chuyện đi du học...
Tất cả cứ trắng phớ ở tầng nghĩa thứ nhất để đỡ mất công suy nghĩ hay thao thức. Chẳng cần bút pháp thủ pháp gì mất công, chỉ cần đừng quên chua vào một số câu cảm thán triết lý về sự đời bế tắc, cô đơn, tuyên bố tự do tình dục, tỏ vẻ sâu sắc và to tiếng... Chắc chắn những entry ấy sẽ đắt comment và bạn trở thành một hot blogger".
Và khi là một hot blogger thì cơ hội ra sách, cơ hội bước lên thảm đỏ của văn chương đã được mở ra cho họ. Điều tưởng chừng phi lý ấy đang tồn tại như điều hiển nhiên!
Hình như chưa bao giờ người được nhận danh xưng "nhà văn" nhiều như bây giờ. Sự tùy tiện đã/đang làm giảm giá trị, thậm chí xúc phạm chính danh xưng này.
Bởi khi người ta viết ba thứ nhảm nhí, tầm phào trên blog, rồi được in ấn, rồi được xưng tụng - thì những nhà văn chân chính không khỏi thấy mình bị tổn thương khi lý tưởng/ sự nghiệp theo đuổi cả đời của mình đang bị giáng xuống mức hạ cấp.
Bởi khi có những người sản xuất ngày hai cái "truyện ngắn" - nhưng không hề thiết lập được một quan điểm nghệ thuật của bản thân thì danh xưng nhà văn kia không chỉ là một thứ háo danh mà còn biến thành thứ bị giễu cợt mất rồi.
Nhà thơ Phan Huyền Thư |
Nhà thơ Phan Huyền Thư: Triệt tiêu sự sáo mòn là điều cần thiết
Có một số các nhà thơ thuộc lớp viết mới, trong nhóm cách tân về "Thơ trẻ" có xu hướng muốn đoạn tuyệt với "cách viết của quá khứ". Thực chất sự xuất hiện của một trào lưu thơ mới không nhất thiết phải có nhiệm vụ phủ nhận toàn bộ dòng chảy của cả một nền văn chương, tuy vậy tinh thần "triệt tiêu" sự sáo mòn là cần thiết.
Chúng tôi viết bằng tinh thần triệt tiêu cái cũ, kém giá trị thẩm mỹ và giá trị ngôn từ để tìm không gian cho những yếu tố mới nảy nở. Trên văn đàn hiện nay, hiện tượng đứt đoạn thông tin, khó đối thoại giữa các thế hệ tác giả Việt Nam là một hiện thực.
Thế hệ viết mới được gọi là 8x của Việt Nam ngày nay (những người sinh từ sau năm 1980) chủ yếu sinh hoạt văn chương trên mạng, việc in sách và xuất hiện một cách quy củ như truyền thống không còn là điều quá nặng nề, nghiêm trọng với họ.
Bởi vì cuộc sống đã thay đổi. Suy nghĩ của người Việt Nam cũng đã thay đổi rất nhanh theo sự phát triển chung của cuộc sống đang ổn định và phát triển với tốc độ cao.
Riêng trên lĩnh vực ngôn ngữ và những giải pháp ngôn ngữ cho thi ca Việt Nam, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các nhà thơ thuộc trào lưu "Thơ trẻ" sẽ làm nên chuyện, họ sẽ thành công và ít ra thì họ cũng đã được định danh để làm những viên gạch lát đường cho những thế hệ viết trẻ hơn nữa, mới hơn nữa xuất hiện trong tương lai, hòa chung và sự phát triển của khu vực và châu lục.
Và con đường đi chắc không còn cách nào khác hay hơn là sáng tạo ra những giá trị mới, dựa trên nền tảng của văn hóa truyền thống. Họ sẽ có những chuyến bay của riêng mình vào những không gian mới và đương nhiên, họ sẽ bay bằng đôi cánh của truyền thống để đi đến hiện đại, cách tân.
Nhưng với riêng tôi, một mệnh đề khác đã xuất hiện cho tương lai: Tại sao chúng ta lại không bay bằng đôi cánh của cách tân để đến với chính truyền thống của dân tộc mình?