Phạm Bằng: Nghệ sĩ... bất đắc dĩ

Phạm Bằng: Nghệ sĩ... bất đắc dĩ
TP - Muốn tìm NSƯT Phạm Bằng không khó, cứ rẽ vào hàng bánh trôi Tàu của ông ở phố Hàng Giày, Hà Nội, thể nào cũng gặp. Nhưng bắt đầu câu chuyện với ông thì ngược lại, chẳng dễ chút nào.

Khác với sự xuê xoa, dễ tính, hơi khờ khạo đậm chất hài hước trên sân khấu hay trong các tiểu phẩm truyền hình, Phạm Bằng ngoài đời khá dè dặt, thận trọng và ít lời. Nguyên do có một phần khởi nguồn từ quá khứ…

Không bao giờ nghĩ sẽ theo nghề diễn

Gặp nghệ sĩ Phạm Bằng đúng khi Hà Nội mưa phùn. Ngõ nhỏ trống trải bởi cửa hàng bánh trôi Tàu chưa mở. Từ chân bậc thang phủ rêu xòa tán cây lê-ki-ma (trứng gà) khẳng khiu mà lúc lỉu quả, mở chiếc cổng sắt gỉ sét nghe thanh thoát tiếng chuông gió, bước vào tầng hai “tòa dọc, tòa ngang” thuộc về căn biệt thự Pháp cổ ngập lá xanh của các bồn tiểu cảnh… nghĩa là đã ở trong tư gia nghệ sĩ Phạm Bằng.

Ngồi trò chuyện cùng Phạm Bằng trước Tam tòa Thánh Mẫu bề thế, uy nghi mà mẹ ông để lại, sẽ thấy khác hẳn lúc xem ông diễn hài trên sân khấu hoặc trên màn ảnh ti-vi.

“Mẹ tôi là người nghiêm khắc”, khi nói đến người sinh thành ra mình, nghệ sĩ Phạm Bằng thường nói như vậy. Mẹ ông từng là thương nhân buôn gạo rất lớn. Mỗi lần lấy hàng từ Sài Gòn, bà dùng cả đoàn tàu hỏa để chở ra Bắc. Sau khi ngừng buôn bán, bà lập ra Tam tòa Thánh Mẫu nguy lệ tại gia để an lão, và đó cũng là nơi tụng kinh niệm Phật.

Giờ Tam tòa Thánh Mẫu vẫn được nghệ sĩ Phạm Bằng giữ gìn hết sức nghiêm cẩn. Nhờ vậy, khi gặp một Phạm Bằng giản dị ngồi trầm ngâm trên ghế nhựa sờn ở một góc quán bánh trôi Tàu nằm nơi ngõ nhỏ tôi tối, bùi bụi sẽ thấy vô cùng khác biệt khi nhìn một Phạm Bằng - trang trọng thắp nhang nơi thờ tự của gia đình.

Sự nghiêm khắc của mẹ ảnh hưởng nhiều đến tính cách của ông: một diễn viên chỉ hài trên sân khấu chứ không ngoài đời. Khi biết ông lựa chọn nghề diễn viên cho con đường sống và mưu sinh của mình, mẹ ông dứt khoát không đồng ý.

Bà bảo đó là nghề “xướng ca vô loài”. “Quan niệm đó đúng trong thời đế quốc xưa, diễn viên không phải một nghề, cứ vật vờ được chăng hay chớ, chứ sau năm 1954 thì không còn đúng như vậy”, nghệ sĩ Phạm Bằng chia sẻ.

“Tuy nhiên, bản thân tôi lại không bao giờ nghĩ mình sẽ làm nghề này trong khi ngồi trên ghế nhà trường. Tất cả là do ngoại cảnh tác động”.

Năm 1955, nghệ sĩ Phạm Bằng trở thành sinh viên trường Cao đẳng Giao thông Công chính. Trong quá trình học ở trường, theo lời lôi kéo, rủ rê của bạn bè, nghệ sĩ Phạm Bằng cũng tham gia đóng vài vở kịch “lăng nhăng cho vui” (theo cách nói của ông).

Năm 1956, đang học năm thứ hai trường Cao đẳng Giao thông công chính, Phạm Bằng phải nghỉ học. Ông rời trường trong hoàn cảnh hết sức khó khăn: gia đình của ông thuộc diện tư sản cần cải tạo.

Năm 1959, nghệ sĩ Phạm Bằng tham gia đoàn kịch nghiệp dư của nhà thơ Hoàng Cầm, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đoàn kịch định dựng vở “Vũ Như Tô” nhưng không thành.

Cũng trong năm đó, Nhà nước tuyển sinh cho đoàn văn công Hà Nội, đồng thời, mở trường Đại học Sân khấu khóa I. Phạm Bằng được tuyển cả hai nơi. Khác với một số người bạn của mình trở thành sinh viên trường Sân khấu, Phạm Bằng lựa chọn con đường vào đoàn văn công Hà Nội, bởi theo ông: “Vào văn công vừa được học, vừa được diễn, lại vừa có thêm tiền phụ giúp gia đình trong khi vào trường Sân khấu phải trả tiền học phí. Tôi không còn lựa chọn nào khác hơn. Thời kì ấy, gia đình tôi quá nghèo khó, mặt khác tôi lấy vợ trong khi chưa có việc làm”.

Khiếu hài là khiếu trời cho

Tháng 12 năm 1959, nghệ sĩ Phạm Bằng bước chân vào Đoàn văn công Hà Nội. Đó là một đoàn tổng hợp các loại hình, từ ca nhạc, múa, kịch nói, cải lương đến chèo, xiếc. Một đêm diễn bằng ấy các tiết mục được “trình”.

Năm năm sau, đoàn kịch Hà Nội cùng các đoàn cải lương, đoàn chèo… được tách ra và bắt đầu đời sống riêng của mình. Tại đoàn kịch Hà Nội, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mời Phạm Bằng tham gia các vở diễn. Ông bắt đầu nổi tiếng với các vai phản diện.

Sau đó, đạo diễn Trần Hoạt bắt đầu làm một vài tác phẩm kịch hài. Hài đưa vào cuộc sống một cách bình dị nhưng không kém phần sâu sắc. Phạm Bằng cũng tham gia một vài tiết mục. Lời của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi về nghề diễn hài làm Phạm Bằng thấy rất đúng để rồi trở thành tâm niệm: “Những người đóng vai bi thì đóng vai hài rất giỏi”.

Cuối năm 1974, đầu 1975, nghệ sĩ Phạm Bằng chuyển sang đoàn kịch nói Trung ương. Ở đây, ông được hội ngộ với anh em bạn bè của những ngày diễn trong trường Cao đẳng Giao thông công chính xưa. Giáo sư Đình Quang là người phát hiện ra khả năng đóng vai hài của ông, còn thầy Trần Hoạt thì nói: “Tương lai cậu đóng vai hài giỏi. Khiếu hài là khiếu trời cho, không thể mở lớp diễn viên hài, nhưng các diễn viên hài phải có trình độ văn hóa cao, sâu và tư duy vững”.

Trong quá trình tập vở, diễn viên ngày ấy phải tự sàng lọc trước khi đạo diễn tác động. “Diễn viên ngày nay thì không đọc hết kịch bản”, nghệ sĩ Phạm Bằng tâm sự. “Chỉ đọc mỗi phần diễn của mình thì làm sao nắm bắt được các mối liên hệ nhân vật trong vở kịch được. Riêng tôi từ trước đến nay luôn phải đọc trọn kịch bản, rồi mới yên tâm diễn”.

Giai đoạn đầu vào nghề, cuộc sống của Phạm Bằng vẫn chưa thoát nghiệp khổ. Lương đủ sống chỉ 10 ngày, 20 ngày còn lại của tháng thì “xiêu vẹo”. Hơn chục năm kéo dài như thế.

Đến năm 1967 - 1968, bắt đầu “nhấc lưng” lên được, nhưng vẫn còn túng lắm. Sau khi “đứng vững” trên sân khấu, Phạm Bằng truyền nghề diễn bằng việc dạy dỗ một số anh em cùng đoàn. Nhưng lạ thay, không phải truyền kinh nghiệm diễn hài, mà là chính kịch.

Khách hàng cũng là khán giả

Sân chơi Gặp gỡ cuối tuần là nơi thực sự đưa nghệ sĩ Phạm Bằng đến với công chúng một cách sâu rộng. Khán giả càng hoan nghênh bao nhiêu, sân chơi càng được kích động bấy nhiêu.

Khi sân chơi bắt đầu có chiều hướng đi xuống: kịch bản thiếu, nhu cầu khán giả giảm, các ông bầu rất tinh tường và đi trước bằng cách mời các diễn viên hài - truyền hình trở về hài - sân khấu. Nhờ thế, sau khi rời sân chơi chung, các nghệ sĩ hài có ngay sân chơi riêng của mình. Ai ai cũng đắt sô, cũng bận rộn với lịch diễn dày đặc. Phạm Bằng cũng nằm trong số ấy.

Sau những buổi tập, diễn, nghệ sĩ Phạm Bằng trở về quán bánh trôi Tàu nhiều kỷ niệm, nhiều nghĩa tình của vợ chồng ông.

Quán bánh trôi từng là nơi “kiếm cơm” chính của gia đình ông bên cạnh nghề diễn thu nhập túng bấn.

Thời đó, là diễn viên thì ai cũng thế, nghệ sĩ Minh Vượng ngày làm diễn viên, tối thành công nhân ép nhựa, nghệ sĩ Chí Trung trở thành “con buôn” săm xe, bán xe đạp, buôn xe máy cũ, mở cửa hàng buôn đồ điện, đồ cổ… Còn Phạm Bằng thành ông chủ quán bánh trôi Tàu.

Cùng thế hệ với Phạm Bằng, có các diễn viên từng đóng hài như Trịnh Thịnh, Trịnh Mai - giờ đã giải nghệ bởi già yếu, bởi trí nhớ không còn minh mẫn để học thuộc kịch bản.

Từ năm 2006 đến nay, nghệ sĩ Phạm Bằng đi diễn liên tục. Không làm với người đồng tuổi, đồng thế hệ, Phạm Bằng “đánh đu” với cánh trẻ: làm việc cùng Quang Thắng, Quốc Khánh, hay Vân Dung. Mỗi người, ông tạo thành “cặp diễn” ăn ý.

“Bác Bằng mỗi lần gặp tụi này thấy vui lắm, nói nói cười cười suốt, làm sao mà già đi được. Việc đi diễn hay tập diễn làm cho bác khỏe hẳn ra” - nghệ sĩ hài Vân Dung nói ngay khi tôi nhắc đến Phạm Bằng.

Giờ đây, quán bánh trôi đã nhường lại cho con cháu, ông chỉ phụ giúp thêm vào, nhưng nó là niềm vui giao lưu của ông với khán giả. Thông thường, thấy khách ăn xong, trả tiền là đi. Đến với quán bánh trôi của Phạm Bằng, sẽ thấy khách níu tay chủ quán chào hỏi, coi độ dạo này bác khỏe ra, chừng nào thì ông có vở mới, sao thấy chú ít khi xuất hiện trên truyền hình…

“Trước tết, bà con Việt kiều về nhiều, sau khi xem các tiết mục tôi diễn qua VTV4, họ tìm đến quán của tôi, ăn bánh trôi Tàu. Rồi họ bảo, ngoài đời tôi trẻ hơn trên ti-vi nhiều quá, đó cũng là do tôi thường đóng những vai ông già lẫn cẫn, xộc xệch”, nghệ sĩ Phạm Bằng tâm sự.

“Nói không phải là sĩ diện đâu, tôi ham đi diễn giờ chẳng còn phải vì tiền, mặc dù tôi vẫn tính toán cẩn thận chuyện cát-sê, đi diễn làm tôi khỏe ra nhiều”.

Những buổi sáng, không đi diễn, không ngồi ở quán bánh trôi tán gẫu với khách hoặc chỉ bảo con cháu công việc, nghệ sĩ Phạm Bằng lại loay hoay ngồi viết kịch bản cho các tiểu phẩm hài của mình. Nhờ hoạt động trí óc cũng như tập thể dục thường xuyên, nên ai gặp ông, đều khen nghệ sĩ Phạm Bằng ngoài đời thật trẻ, khỏe và không thể nào đoán được chính xác tuổi.

Sau những buổi tập, diễn, nghệ sĩ Phạm Bằng trở về quán bánh trôi Tàu nhiều kỷ niệm, nhiều nghĩa tình của vợ chồng ông. Quán bánh trôi từng là nơi “kiếm cơm” chính của gia đình ông bên cạnh nghề diễn thu nhập túng bấn.

Thời đó, là diễn viên thì ai cũng thế, nghệ sĩ Minh Vượng ngày làm diễn viên, tối thành công nhân ép nhựa, nghệ sĩ Chí Trung trở thành “con buôn”  săm xe, bán xe đạp, buôn xe máy cũ, mở cửa hàng buôn đồ điện, đồ cổ… Còn Phạm Bằng thành ông chủ quán bánh trôi Tàu.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.