Kỷ niệm 95 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Tuân (10/7/1910 - 10/7/2005):

Chuyện bác Nguyễn

Chuyện bác Nguyễn
Nói là giai thoại, nhưng đây sự thật không thêu, không dệt. Năm ấy, vào quãng cuối thu 1970 – tôi và Phạm Tường Hạnh ở trại viết Sấu Giá về. Trại viết đề tài công nhân do Hội nhà văn Việt Nam và Tổng công đoàn tổ chức.

Nhà của Phạm Tường Hạnh gần Đài phát thanh Bạch Mai, giặc Mỹ lúc bấy giờ đã leo thang đánh phá thủ đô Hà Nội. Ông Hạnh nhà có nuôi con heo, sợ sơ tán không đưa đi được, anh bàn với tôi mổ thịt.

Con heo quãng vài ba mươi cân, làm sao hai nhà ăn hết, nên ông Hạnh bảo tôi đánh giấy mời Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Mai Văn Tạo và Đoàn Giỏi, Huỳnh Minh Nhựt – láng giềng của ông Hạnh, đến liên hoan. Tôi hỏi ông Hạnh lấy lý do gì mời…

- Thì nói sinh nhật mình vậy, Phạm Tường Hạnh ứng đáp thế.

Vì sinh nhật ông Hạnh vào tháng 7 đã qua vài tháng rồi.

Cả nhà tề tựu đông đủ, quan khách đến rất sớm vì ngày chủ nhật. Bác Nguyên Hồng biết bác Nguyễn ăn uống sành sỏi và cẩn thận:

- Thế thì cụ Tuân cho thực đơn, để kịp đi chợ mua gia vị.

Nguyễn Tuân nằm đánh đu trên chiếc võng, cất kính lão đưa ngay cho Nguyên Hồng một tờ lịch lật mặt trái đã viết sẵn:

- Chanh 5 quả - rau mùi, lạc nhân 1 lạng, bánh đa nem 100 cái, nước mắm Cát Bà 1/4 lít rượu đế Sấu Giá 1 chai và các thứ linh tinh ớt, hạt tiêu – trừ tỏi – vì bác Nguyễn không chịu được mùi tỏi.

Tô Hoài đến muộn, thấy các bạn phân công nhau chỉ tủm tỉm cười và phán một câu xanh rờn: Mình chỉ dùng tiết canh thôi. Còn như chả, cháo, dồi, lòng xin miễn nhá! Và Tô Hoài lại đọc báo tiếp.

Những ngày giặc Mỹ đánh phá thủ đô, nói chung cánh nhà văn, nhà báo, phần lớn ở lại không đi sơ tán đâu cả, chỉ bộ phận trị sự, nhà in là phải chuyển ra các tỉnh lân cận mà thôi.

Tôi và bác Nguyên Hồng đun nước làm lông, Nguyễn Tuân thỉnh thoảng nhìn ra, chỉ trỏ và ra lệnh hãm tiết canh bằng nước mắm, vì Huỳnh Minh Nhựt hãm mãi không đông tiết.

Bác Nguyễn có ăn được bao nhiêu đâu, uống thì cũng vài ly nhỏ, thế nhưng bác “chỉ đạo” rất linh hoạt, cụ thể: nào trải chiếu ngồi dười sàn, nào đem nước sôi trụng bộ ly, tách pha trà, nào sai khiến người này, người khác dọn mâm.

Cũng nhân đây bác Nguyễn nhắc đến một buổi lễ bế mạc lớp bồi dưỡng viết văn tại Quảng Bá. Một nhà thơ có tên tuổi trong buổi tổng kết đứng lên nói: Các bạn trẻ đừng nên mắc sai lầm và học những thói hư tật xấu của các nhà văn lớp trước là tự do, vô tổ chức, sống phóng túng mà phải luôn luôn rèn luyện phẩm chất, tu dưỡng đạo đức, nhân sinh quan cách mạng...

Trong buổi bế mạc hôm ấy có mời Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng – hai nhà văn lớp đàn anh và là giảng viên đến dự. Nguyên  Hồng đã tự ái đứng lên nói:

- Bác Nguyễn Tuân và tôi là nhà văn lớp trước, chắc nhiễm nhiều cái xấu lắm. Các bạn trẻ đừng nên bắt chước. Có bắt chước thì hãy học nhà thơ hiệu trưởng đây, cũng là thi nhân cũ đấy, nhưng nhiều ưu điểm.

Nguyễn Tuân chẳng nói gì, tỏ vẻ phản đối quyết liệt hơn, “tuyệt thực”, đến giờ liên hoan bia không tìm ra bác ở đâu cả. Và bác đã về phòng đóng cửa đọc sách. Nguyên Hồng thì nói vẫn nói mà chén vẫn chén một cách vô tư.

Chuyện đang vui, ông Hạnh xoa tay kính mời các vị vào tiệc ngồi trên hai chiếu hoa đã bày sẵn mâm bát. Là người phục vụ tôi phải đi lên, đi xuống bếp, bác Nguyễn Tuân bảo:

- Tuấn lên đây mình chén tiết canh rượu cái đã, và bác tự tay rót một ly đầy sủi tăm, bồng mắt thỏ. Ly rượu này bác chúc tôi hoàn thành tập truyện “Bác Hồ – cây đại thọ”, và bác nói với Tô Hoài:

- Này ông Tô Hoài, chỉ có một mình mà chú nó  - chỉ tôi – dám viết một cuốn sách lớn như vậy, thật đáng khen và như hôm nay, mình chú nó dám cùng Phạm Tường Hạnh mời hàng chục thực khách trong thời buổi củi quế gạo châu này. Cũng như giữa Matxcơva mà bác Nguyễn dám đứng ra đãi tiệc các nhà văn lớn Xô viết với tất cả nhuận bút sách dịch của mình.

Bác lại bảo: “Của thiên trả địa! Mình đi nước ngoài công tác chứ có phải đi buôn đâu! Rồi bác đem một đoạn bài ký “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” kể cho cả tiệc nghe đoạn vui vui, đại khái:

Hôm bác đến hỏi thăm khách sạn “Hin – tơn” - nhà ngục Hỏa Lò nhốt bọn giặc Mỹ đánh phá thủ đô. Bác Nguyễn hỏi giám đốc đề lao: Mỗi ngày cho bọn giặc lái hút mấy điếu thuốc. Giám đốc trại giam nói: Một gói Điện Biên – thuốc lá bao bạc Điện Biên ở Hà Nội lúc bấy giờ là sang nhất,  kể cả khách quý ngoại quốc cũng dùng thuốc này.

Bác Nguyễn bảo sao không cho chúng mười lăm, hoặc mười tám điếu thôi. đưa một bao thì chúng lại vênh mặt lên bóc thuốc hút phì phà, trong lúc chiến sĩ ta, kể cả giám đốc trại cũng chỉ hút Tam Đảo, hoặc Trường Sơn và cả thuốc rê.

- Thưa bác Nguyễn, bác giỏi lắm…

Buổi tiệc sang trọng,  trong bối cảnh nghèo của cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược ở nhà nhỏ của ông Hạnh thật ấm cúng, vui vẻ và hiếm có. Đoàn Giỏi có men rượu lại đọc thơ, và nói với Tô Hoài – nhà lãnh đạo hội, khi nào hội có khách quốc tế đến thì giao cho Phạm Tường Hạnh tiếp chắc chắn  là long trọng và thân tình.

Cho đến tận hôm nay, hơn một phần tư thế kỷ, mà âm hưởng bữa rượu Sấu Giá vẫn ấm mãi trong lòng chúng tôi. Bữa ấy ăn chỉ một phần tư cỗ lòng, Tô Hoài có nói với Nguyên Hồng: Anh ở lại với ông Hạnh vài hôm, ăn giúp vợ chồng Phạm Tường Hạnh cho hết con lợn rồi hãy về Bắc Giang… 

  Bến Nghé 7/2005

MỚI - NÓNG