Những hố chôn tập thể ở Tacloban

Những hố chôn tập thể ở Tacloban
Cuối tuần trước, họ còn là những con người biết cười nói, buồn vui. Giờ đây, họ đã là những thi thể nằm bên vệ đường, trong các nấm mồ tập thể, hay vẫn còn bị vùi đâu đó dưới các đống đổ nát.

>Quan chức Philippines mất chức vì công bố 10.000 người chết vì bão

Những hố chôn tập thể ở Tacloban ảnh 1

Chiều cuối tuần, tôi trở lại Tacloban, trung tâm của thảm họa mang tên Yolanda. Siêu bão đã tan từ lâu, nhưng những điêu tàn mà nó gieo lên mảnh đất này vẫn còn hiển hiện. Những ngôi nhà sụp đổ, những tàng cổ thụ bật gốc, và những thi thể nằm bên đường. Sau một tuần, nhiều thi thể vô thừa nhận vẫn còn nằm đó. Nhìn những thi thể ấy mới thấy hết sự mong manh của mạng người, mong manh trước những cơn giận của trời đất.

Một tuần trôi qua, thành phố vẫn tối tăm và nồng nặc mùi hôi. Dưới ánh nắng rực rỡ, mùi xác người và động vật phân hủy càng trở nên gay gắt, lan tỏa hơn. Và cũng chính vì lẽ đó, những đoàn người rời khỏi thành phố cũng ngày một đông. Trên con đường nối Ormoc với Tacloban, những chiếc xe tải quân sự, xe tải dân dụng, xe đò, xe gắn máy, những con người hoảng hốt và hối hả rời nơi chốn thân yêu của mình.

Thành phố được đặt trong tình trạng khẩn cấp suốt một tuần qua. Giờ đây, tình trạng khẩn cấp đó được triển khai gần giống như một dạng thiết quân luật, với chốt kiểm soát quân sự mọc lên nhiều nơi, đặc biệt là cửa ngõ vào Tacloban từ phía tây.

Một tuần trôi qua, Tacloban vẫn nguyên vẻ điêu tàn, tang thương như ngày bão vừa tan. Dù thế, một vài nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường đã được thực hiện. Tại sân bay, bên cạnh những chuyến bay chở hàng cứu trợ là những chuyến bay dân dụng đã được nối lại sau một tuần ngưng trệ do sân bay bị tàn phá.

Nhiều đội dọn dẹp đường sá, dựng lại cột điện đã bắt tay thực hiện những nhiệm vụ đầu tiên trong hành trình tái thiết cam go và lâu dài. Một vài người dân bám trụ lại Tacloban đang bắt đầu leo lên mái nhà, gắn lại những mảnh tôn bị bão đánh bay, dựng lại những ngôi nhà nhỏ tạm bợ để tiếp tục sống.

Trên con đường trước Tòa thị chính Tacloban, người ta mở một điểm phát truyền hình công cộng. Không nhiều người rảnh và thư thái để tới xem, nhưng những hình ảnh thời sự trong nước và quốc tế, âm thanh và sắc màu của những đoạn quảng cáo chen ngang vốn đã vắng bóng từ suốt tuần qua, cũng giúp thổi bớt đi phần nào không khí ảm đạm, chết chóc. Dù thế nào thì vẫn phải đứng lên để tiếp tục sống.

Ngày hôm qua, khi trở lại Tòa thị chính Tacloban, tôi vẫn còn gặp Mae Lyk Guardino, cô nữ sinh Đại học Leyte, đang lánh nạn tại đây. “Ơ, em không di tản à?”. “Biết đi đâu hả anh? Em sẽ ở lại đây để trở thành một phần trong sự hồi sinh của thành phố. Dù biết rất lâu dài”.

Người chết đã khổ, người sống cũng khổ vô cùng

Vào ngày thứ sáu, chính quyền tại Tacloban đã thực hiện việc mai táng tập thể cho hơn một trăm thi thể không được nhận dạng. Việc chôn cất được thực hiện tại nghĩa trang công cộng Basper, nằm trong một thung lũng ở ngoại thành Tacloban. Ở đây, cả bốn phía đều có núi cao. Như vậy, sau khi bị cơn sóng gió bão bùng xua về thế giới bên kia, những con người xấu số này giờ đây có thể yên nghỉ tại một nơi sóng gió khó xâm phạm.

Do có quá nhiều người chết không được nhận dạng, việc chôn tập thể diễn ra khá lâu. Vào ngày hôm qua, tại nghĩa trang Basper vẫn còn chừng 50 thi thể nằm phơi nắng. Bên cạnh đó, trên các đường phố trung tâm cách không xa tòa thị chính, ở con đường chạy ven biển bên cạnh Trung tâm hội nghị thành phố..., vẫn còn nhiều thi thể được quy tập chưa kịp chuyển đi.

Những thi thể này cùng với những xác chết nằm đâu đó dưới đống đổ nát, xác động vật thối rữa đã khiến cho không khí tại Tacloban ô nhiễm nghiêm trọng. Từ đầu thành phố đến cuối thành phố, một mùi hôi thối nồng nặc, quánh đặc không gian, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết ngày hôm qua nắng nóng.

Ông Alfred S.Romualdez, Thị trưởng Tacloban, nói rằng việc chôn tập thể cần được thực hiện nhanh chóng, nhưng họ thiếu nguồn lực nên không thể hoàn tất sớm được. Trong khi đó, chính quyền trung ương lại nói rằng việc xử lý các thi thể đang được tiến hành đúng quy trình, trong đó quan trọng là phải chờ người thân các nạn nhân nhận dạng trước khi đưa đi chôn chung.

Trong lúc chính quyền các cấp đang có sự bất đồng, thì người dân Tacloban, những người đã không tháo chạy khỏi thành phố, suốt ngày phải sống chung với mùi hôi. Và ban đêm cũng ngủ chung với mùi hôi. Người chết đã khổ, người sống cũng khổ vô cùng.

Hàng loạt nước vào cuộc trợ giúp

Cộng đồng quốc tế đang cùng chia sẻ gánh nặng với đất nước Philippines. Trong khối ASEAN, nhiều nước đã gửi hàng cứu trợ và chuyên gia nhân đạo tới Tacloban. Mỹ gửi tới một lực lượng hùng hậu gồm người, hàng hóa, xe chuyên dụng. Các nước có lực lượng nhân đạo nhiều nhất, sau Mỹ, có Đức, Nhật, Pháp, Hàn Quốc...

Sân bay Daniel Z.Romualdez dù đang trong tình trạng hoang tàn nhưng các hệ thống điều khiển đã được khôi phục để đón các chuyến bay cứu trợ quốc tế.

Kẹt cứng ở Leyte

Trong khi đường hàng không chỉ di tản được một số lượng người nhỏ, thì đa phần những người tháo chạy khỏi Tacloban đổ về Ormoc, rồi từ đó đi đường biển qua Cebu. Chính vì thế, bến cảng Ormoc đã trở nên quá tải chưa từng thấy. Ngày hôm qua, phóng viên đã xếp hàng tại đây cả buổi để chờ mua vé tàu cao tốc của hãng Ocean Jet. Tuy nhiên, sau bốn tiếng xếp hàng, cuối cùng mọi người nhận được thông báo: hết vé.

Hết vé là tình trạng chung của tất cả các hãng tàu có chuyến từ Ormoc đi Cebu. Theo một đại diện của cảng Ormoc, những người đi Cebu khởi hành từ cảng này có thể phải chờ đợi 2 - 3 ngày mới có vé. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở cảng BayBay, cách Ormoc 45 km về phía nam.

Vào sáng hôm qua, khi lên sân bay Daniel Z.Romualdez, chúng tôi cũng gặp đám đông người di tản ngồi phơi nắng bên cạnh đường lăn. Bên trong nhà ga đổ nát, người đứng ken dày. Đến nay, những cuộc tháo chạy khỏi Tacloban, và xa hơn là rời đảo Leyte, vẫn chưa giảm nên tình trạng kẹt cứng nói trên chắc sẽ còn kéo dài ít nhất một tuần.

Người Việt Nam bị nạn mong được về nước

Hiện nay, hầu hết người Việt đã thoát ra khỏi Tacloban và Ormoc, những thành phố bị bão Haiyan tàn phá nặng nề. Phần lớn số người trong khoảng 40 nạn nhân người Việt hiện đang ngụ tại các vùng quanh Cebu, có người xuống tận Bohol.

Trao đổi với báo giới vào hôm qua, anh Nguyễn Tấn Hoàng (quê Tuy Hòa, Phú Yên) nói mong muốn của hầu hết anh em là được Đại sứ quán Việt Nam tạo điều kiện giúp đỡ để về nước. “Bây giờ ai cũng khốn cùng rồi. Không biết làm gì để sống. Tất cả đều mong muốn được trở về Việt Nam”, anh Hoàng nói.

Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam đã cử cán bộ xuống Ormoc để trao hàng cứu trợ cho các nạn nhân vừa di tản đến đây. Đoàn công tác cũng đã xuống tận Tacloban để giúp đưa một số người Việt bị kẹt ở đây ra khỏi vùng nguy hiểm. Đến nay, tất cả những người Việt cần di tản đều đã rời Tacloban an toàn. Nhưng hiện họ vẫn đối mặt với khó khăn về mọi mặt và mong ước lớn nhất là được về nước.

Theo Đỗ Hùng/Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG