Bí mật kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc
> Syria: Nga tả xung hữu đột với G8
> Chiêu hối lộ quan chức của GSK Trung Quốc
TPO - Tới thời điểm hiện tại Trung Quốc chưa có đủ số lượng phương tiện mang, để ngang bằng về tiềm lực so với “hai ông lớn hạt nhân”- Mỹ và Nga để bảo đảm sự bất khả xâm phạm hoàn toàn.
Trong những năm gần đây toàn thế giới luôn hướng sự quan tâm của mình về Trung Quốc. Quốc gia này có tốc độ tăng trưởng đáng khâm phục, trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó Trung Quốc đang thi hành một chính sách độc lập và còn vấn đề Đài Loan vẫn chưa được giải quyết. Thêm vào đó còn có nhiều vấn đề với nạn di dân - Trung Quốc có dân số trên 1,4 tỷ người. Tất cả những điều nêu trên đã buộc nhiều người đặc biệt chú ý tới thực trang và trình độ của các lực lượng vũ trang Trung Quốc. Quân đội nước này có biên chế lớn nhất thế giới, nhưng chất lượng quân số đến thời điểm gần đây vẫn khá khiêm tốn.
Mỹ, Nga công khai, Trung Quốc ém nhẹm
Trong những năm gần đây, nhờ phát triển công nghiệp, CHND Trung Hoa đã thu được nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, dù rằng họ thường sử dụng phương pháp sao chép nguyên bản các kỹ thuật của nước ngoài, thường là những vũ khí trang bị mua từ Nga.
Nếu Trung Quốc thường phô trương các mẫu vũ khí trang bị kỹ thuật mới tại những cuộc duyệt binh và không hề giữ bí mật về chúng, thì thông tin về bộ đội thực hiện nhiệm vụ chiến lược lại vô cùng ít ỏi. Trong khi đó tất cả các quốc gia khác thuộc “Câu lạc bộ hạt nhân” thường công bố định kỳ những báo cáo với thông tin cụ thể về thành phần số lượng, chất lượng kho vũ khí hạt nhân của mình (số đầu đạn, số lượng và chủng loại phương tiện mang).
Mọi người đều biết rõ rằng, lực lượng thực hiện nhiệm vụ chiến lược đóng vai trò chủ yếu trong việc bảo đảm an ninh và độc lập của một quốc gia có vai trò quan trọng trên thế giới như Trung Quốc. Không có đủ số lượng đầu đạn và phương tiện mang cần thiết để kiềm chế hạt nhân vững chắc, thì một nước đang có tham vọng nắm giữ vị thế siêu cường sẽ không thể giải quyết được tất cả những nhiệm vụ mang tính toàn cầu tự đặt ra cho mình. Chính vì vậy, cần phải phân tích cụ thể kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Trung Quốc lần đầu tiên thử vũ khí hạt nhân vào năm 1964, còn vũ khí nhiệt hạch là năm 1967. Từ thời điểm này quân đội Trung Quốc bắt đầu được trang bị các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Khi đó mới chỉ là những loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung, chẳng hạn như DF-1, có tầm hoạt động 2.000 km (sao chép R-12 của Liên Xô). Ít lâu sau, vào thập niên 70, các loại tên lửa có tầm bắn lớn hơn như DF-3 tầm bắn 2.800 km và DF-4 tầm bắn 4,700 km được chế tạo. Các loại tên lửa này hiện vẫn còn trong trang bị của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Nhưng chúng không vươn được tới tầm lục địa, và chính xác hơn là không có khả năng tấn công vào lãnh thổ Mỹ.
Những cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo đầu tiên được Trung Quốc tiến hành vào năm 1980. Đó là loại tên lửa mới DF-5, có tầm hoạt động tới 13.000 km. Từ thời điểm này Trung Quốc đã có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ. Trong những năm gần đây, các loại tên lửa đạn đạo di động DF-31 có tầm bắn 8.000 km đã bắt đầu được đưa vào trang bị. Các loại tên lửa DF-41 di động có tầm bắn 14.000 km, mang 3-4 đầu đạn được dẫn hướng riêng đang ở trong giai đoạn thử nghiệm. Khi được đưa vào trang bị, loại tên lửa DF-41 này theo một số thông tin có khả năng mang theo những mục tiêu bẫy, dự đoán có thể vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa và làm cho nhiệm vụ tiến công toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ trở nên khả thi.
Tên lửa hạt nhân chiến lược của Trung Quốc. |
Theo những tin tức công khai, tới thời điểm hiện tại Trung Quốc chưa có đủ số lượng phương tiện mang, để ngang bằng về tiềm lực so với “hai ông lớn hạt nhân”- Mỹ và Nga để bảo đảm sự bất khả xâm phạm hoàn toàn. Trung Quốc chỉ có 20 tên lửa đạn đạo DF-5 và 20 tên lửa đạn đạo DF-4 (có thể coi là tên lửa chiến lược vì tầm bắn của tên lửa cho phép tiến công gần 2/3 lãnh thổ Nga). Số lượng tên lửa DF-31 và DF-41 lúc này đang còn là điều bí ẩn.
Tên lửa DF-31 của Trung Quốc. |
Trung Quốc có bao nhiêu tên lửa DF-41 (ảnh) vẫn còn là ẩn số. |
Có lẽ bắt đầu từ năm 2000, khi đã hoàn tất việc thử nghiệm, loại tên lửa DF-31 đã được chế tạo với số lượng lớn. Cần phải tính rằng, với tốc độ phát triển của Trung Quốc và các lực lượng vũ trang nước này như thế, có lẽ trong tương lai không xa loại tên lửa đạn đạo di động DF-41 sẽ được chế tạo hàng loạt, sẽ giúp Trung Quốc có khoảng 300-400 đầu đạn hạt nhân được triển khai trên các phương tiện mang chiến lược (Mỹ và Nga có trên 1.500 đầu đạn hạt nhân được triển khai). Lúc đó Trung Quốc sẽ không cần tham vấn bất cứ ai khi phát động những cuộc chiến tranh cục bộ và các chiến dịch có lợi cho mình. Chẳng hạn như, bắt đầu tấn công chiếm đảo Đài Loan mà đảm bảo chắc chắn rằng Mỹ sẽ không can thiệp (ít ra là trực tiếp).
Trung Quốc gặp khó về tàu ngầm
Vấn đề đáng quan tâm nhất của Trung Quốc lúc này là hạm đội tàu ngầm chiến lược. Mới chỉ có một tàu ngầm mang tên lửa được trang bị 12 tên lửa một tầng, nhiên liệu rắn Cửu Long-1, với tầm hoạt động 1.700 km. Theo một số thông tin, các tên lửa trên tàu ngầm hiện đang được thay thế bằng loại Cửu Long-2 có tầm bắn 8.000 km (phiên bản tương tự DF-31). Xét về mọi khía cạnh, như thế là chưa đủ.
Tên lửa Cự Lãng phóng từ tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm. Việc phát triển các thế hệ tàu ngầm hiện đại của Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn và bị đánh giá tụt hậu hàng chục năm so với Nga và phương Tây. |
Theo những gì cho thấy thì, hiện nay Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn lớn trong việc đóng những tàu ngầm hiện đại. Trong lĩnh vực này Trung Quốc có quá nhiều việc phải giải quyết. Trên thực tế, Trung Quốc chưa sở hữu hạm đội tàu ngầm theo đúng nghĩa. Mà đây lại là một trong những yếu tố cấu thành quan trọng nhất của bộ đội thực hiện nhiệm vụ chiến lược.
Từ toàn bộ những gì đã nêu trên đây, có thể đưa ra kết luận ở thời điểm hiện tại và trong tương lai trung hạn, Trung Quốc sẽ chưa có những lực lượng chiến lược, đủ sức để kiềm chế hạt nhân một cách vững chắc. Nhưng cần phải có thái độ rất thận trọng với Trung Quốc, bởi lẽ phần lớn thông tin liên quan tới các dự án hạt nhân của Trung Quốc không hề được công khai như thông lệ quốc tế, và tiềm lực phát triển công nghiệp và công nghệ của nước này không thể coi thường.
Đỗ Ngọc Inh
Theo “Bình luận quân sự” Nga