Đánh bom kép ở Boston: Vì đâu nên nỗi?

Đánh bom kép ở Boston: Vì đâu nên nỗi?
TP - Hai anh em gốc Chechnya (Nga) từng được đánh giá là hiền lành, có một tương lai tươi sáng ở Mỹ. Nhưng rồi họ bị cáo buộc đánh bom kép ở Boston khiến gần 200 người thương vong, còn cộng đồng tình báo Mỹ bị chỉ trích bỏ lọt một mối nguy lớn đối với an ninh quốc gia.

> Những hình ảnh chưa công bố về nghi phạm đánh bom Boston
> Vì sao anh em nhà Tzarnaev đánh bom Boston?

Cảnh sát khống chế Dzhokhar Tsarnaev sau khi dùng lựu đạn choáng và lựu đạn cay lùa nghi phạm khỏi một chiếc thuyền để sau nhà. Nguồn: AP
Cảnh sát khống chế Dzhokhar Tsarnaev sau khi dùng lựu đạn choáng và lựu đạn cay lùa nghi phạm khỏi một chiếc thuyền để sau nhà. Nguồn: AP.

Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi, thiệt mạng sau cuộc đọ súng với cảnh sát; ảnh chụp X-quang cho thấy nghi can này bị thương tích từ đầu tới chân. Nhiều người cho rằng, trong lúc trốn chạy cảnh sát, em trai Tamerlan là Dzhokhar Tsarnaev (19 tuổi, bị bắt hôm 20/4) đã phóng xe qua người anh. Cảnh sát vẫn chưa thể thẩm vấn Dzhokhar vì nghi phạm bị thương nhiều chỗ, trong đó có vùng họng.

FBI bị chê trách

Cộng đồng tình báo Mỹ đang bị chỉ trích là đã không phát hiện nguy cơ an ninh quốc gia đến từ nghi phạm Tamerlan, dù đã được cảnh báo nhiều lần. Quốc hội Mỹ hứa sẽ mở cuộc điều tra toàn diện về các thông tin tình báo liên quan hai nghi phạm.

Ông Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ, nói rằng, thật đáng lo khi thanh niên nhập cư Tamerlan đã vào trong tầm ngắm của Cục Điều tra Liên bang (FBI) hồi năm 2011, nhưng rồi được xác định không phải là nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Xét ở góc độ kích thích người sống ở Mỹ tấn công, vụ đánh bom Boston là âm mưu đầu tiên thành công, ông McCaul nói.

 Cuộc tấn công nhằm vào cuộc thi marathon Boston biểu thị sự thay đổi trong chiến thuật của khủng bố những năm gần đây. Đó là kích thích người đang sống ở Mỹ tấn công.

Michael McCaul,
Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa (Hạ viện Mỹ)

Cuối tuần qua, FBI tiết lộ rằng, năm 2011, một chính phủ nước ngoài (báo chí Mỹ đưa tin là Nga) chính thức yêu cầu FBI xem xét khả năng Tamerlan liên hệ với các đối tượng cực đoan người Chechnya.

Bản yêu cầu của nước ngoài dựa trên thông tin rằng, Tamerlan là “một tín đồ Hồi giáo cực đoan, đã thay đổi đáng kể từ năm 2010, khi người này chuẩn bị rời Mỹ về quê để gia nhập các nhóm bí mật chưa được xác định”, FBI thông báo.

Các quan chức Mỹ nói họ đã xem xét mối liên hệ của Tamerlan với những người bị nghi là có quan điểm cực đoan, sự di chuyển cũng như quá trình học tập của thanh niên này, và kết luận rằng, không có thông tin xác thực để chứng minh Tamerlan có xu hướng cực đoan.

“FBI cũng phỏng vấn Tamerlan Tsarnaev và người nhà. FBI không tìm thấy bất kỳ hoạt động khủng bố nào, dù ở trong hay ngoài nước, và những kết quả này được cung cấp cho chính phủ nước ngoài vào mùa hè năm 2011”, FBI thông báo.

Ngày 20/4, mẹ của Tamerlan, bà Zubeidat Tsarnaeva, kể: “Con trai tôi bị FBI kiểm soát suốt năm năm. Họ biết con trai tôi đang làm gì. Họ theo dõi từng bước đi của nó”. Bố của Tamerlan, ông Anzor Tsarnaev, nói rằng, các điều tra viên từng cảnh báo Tamerlan là “Chúng tôi biết anh vào những website nào. Chúng tôi biết anh đang gọi điện cho ai. Chúng tôi biết mọi thứ về anh”.

Chuyến thăm gây nghi ngờ

Các nguồn tin an ninh nói rằng, giới chức Bộ An ninh Nội địa bắt đầu quan tâm Tamerlan hồi năm 2012, sau khi nghi phạm về thăm Nga bảy tháng, từ tháng 1 đến tháng 7. Cụ thể, Tamerlan về Cộng hòa Dagestan ở khu vực Bắc Kavkaz thuộc Nga, giáp Chechnya. Người ta đặt ra giả thuyết rằng, Tamerlan có thể tôn sùng một người Chechnya tên là Doku Umarov.

Được mệnh danh là “Bin Laden của Nga”, Umarov bị cáo buộc lên kế hoạch và chỉ đạo một số vụ khủng bố tồi tệ nhất ở Nga, trong đó có vụ hai phụ nữ đánh bom liều chết ở tàu điện ngầm tại Mátxcơva năm 2010 làm ít nhất 40 người thiệt mạng.

Thủ lĩnh phiến quân Umarov ban đầu chỉ đấu tranh để Chechnya tách khỏi Nga. Gần đây, nhân vật này được cho là mở rộng vòng tay tiếp nhận cả các chiến binh thánh chiến Hồi giáo.

Một chuyên gia kỳ cựu về Chechnya, TS Carlo Gallo, người sáng lập hãng tư vấn rủi ro chính trị Enquirisk có trụ sở ở London, nói: “Umarov tuyên bố rằng, kẻ thù của Hồi giáo không chỉ có Nga mà còn có Mỹ, dù các phiến quân chưa bao giờ thực hiện các chiến dịch lớn bên ngoài nước Nga”.

Xui quá hóa hận thù?

Năm 2010, Tamerlan giành giải vô địch Găng tay vàng New England (khu vực đông bắc của Mỹ, gồm sáu bang). Đang có triển vọng nhập đội tuyển Olympic quyền anh của Mỹ thì Tamerlan bị thương ở lưng. Cùng thời gian đó, Tamerlan chỉ tìm được một công việc tay chân, dù được đánh giá là học giỏi.

Tamerlan Tsarnaev (trái) nhận cúp Găng tay Vàng New England 2010. Ảnh: AP
Tamerlan Tsarnaev (trái) nhận cúp Găng tay Vàng New England 2010. Ảnh: AP.

Một số người bạn của Tamerlan nói rằng, Tamerlan thay đổi từ khi bạn thân nhất của mình là Brendan Mess bị sát hại ngày 12/9/2011. Hôm đó, xác của Mess và hai thanh niên khác được tìm thấy trong tình trạng phủ đầy cần sa trong một căn hộ ở bang Massachusetts, cổ họng họ bị cắt đứt (đến nay, vụ án vẫn chưa được làm sáng tỏ).

Sau đó, Tamerlan xưa nay vốn nền tính bỗng tỏ ra thô lỗ. Năm 2009, Tamerlan có lần đánh đập bạn gái nên cơ quan chức năng hoãn việc xét nhập quốc tịch Mỹ của thanh niên này.

Katherine Russell, 24 tuổi, xuất thân trong một gia đình trung lưu ở Boston, cải đạo sang Hồi giáo ba năm trước, sau khi gặp Tamerlan và sinh cho người này một con gái.

Giữa năm ngoái, mẹ của Tamerlan bị cửa hàng Lord & Taylor ở bang Massachusetts sa thải, cáo buộc bà đánh cắp quần áo đắt tiền. Một số người cho rằng, hai anh em Tamerlan đã đặt một quả bom gần cửa hàng Lord & Taylor ở Boston để trả thù.

Một số người thân của anh em Tamerlan và Dzhokhar nói rằng, họ đã bị lôi kéo hoặc ép buộc có những hành động cực đoan. Ở Dagestan, các nhóm thánh chiến Hồi giáo thường ép thanh niên tấn công bạo lực, bằng cách đe dọa làm hại người thân của họ. Một người chú của Tamerlan, ông Ruslan Tsarni, cho rằng, cháu mình bị một người cực đoan gốc Armenia sinh sống tại Mỹ, lôi kéo, tẩy não.

Ông Tsarni nói rằng, khi gặp Tamerlan năm 2009, ông ngỡ ngàng trước sự thay đổi của cháu trai. “Tôi bị sốc khi nghe những lời lẽ của nó. Nó tuyên bố sẽ đặt mọi thứ vào ý chí của Chúa. Đó không phải là sùng đạo, mà là cực đoan”, ông Tsarni nói. Trong kênh YouTube của Tamerlan có một số video có nội dung liên quan khủng bố và thánh chiến Hồi giáo. Theo ông Tsarni, Tamerlan đã ảnh hưởng rất lớn tới em trai vì Dzhokhar rất nghe lời anh.

Tamerlan và Dzhokhar lớn lên ở Kyrgyzstan (từng thuộc Liên Xô). Sau đó, gia đình họ rời Kyrgyzstan tới Dagestan, rồi sang Mỹ năm 2002 với tư cách người tị nạn. Dzhokhar nhập quốc tịch Mỹ ngày 11/9/2012, trong khi Tamerlan ở Mỹ bằng thẻ thường trú. Bố mẹ họ trở về sống ở Dagestan từ cuối năm ngoái.

Dzhokhar giành học bổng 2.500 USD của thành phố Cambridge năm 2011, rồi theo học ngành y tại Đại học Amherst để sau này trở thành nhà phẫu thuật não. Tamerlan từng học Trường Cao đẳng Cộng đồng Bunkerhill để sau này trở thành kỹ sư, nhưng rồi bỏ học để theo đuổi nghiệp quyền anh.

Thái An - Bình Giang
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
THẾ GIỚI 24H: NATO và Ukraine họp khẩn cấp
THẾ GIỚI 24H: NATO và Ukraine họp khẩn cấp
TPO - Ngày 26/11 tới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine sẽ họp khẩn cấp sau khi Nga tấn công vào một thành phố trung tâm của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik và tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm loại vũ khí này.