> Liên Hợp Quốc nâng quy chế nhà nước cho Palestine
> Thêm Thuỵ Sĩ, Đan Mạch ủng hộ Palestine tại LHQ
Chiến thắng tại Liên Hợp Quốc (LHQ) của người Palestine đồng nghĩa với thất bại ngoại giao của Mỹ và Israel - hai nước trong nhóm thiểu số phản đối nâng Palestine lên địa vị “nhà nước phi thành viên” giống như Vatican thay vì “thực thể” như bao năm qua.
Trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ có 138 phiếu ủng hộ, 9 phiếu chống, 41 phiếu trắng và 3 nước không tham gia bỏ phiếu.
Ít nhất 17 nước châu Âu, bao gồm Áo, Pháp, Ý, Na Uy, Tây Ban Nha… bỏ phiếu ủng hộ bản nghị quyết nâng cấp địa vị của Palestine.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã rất nỗ lực vận động hành lang để giành ủng hộ từ châu Âu vì nguồn tài trợ cho chính quyền Palestine phần lớn đến từ châu lục này. Anh, Đức và một số nước khác bỏ phiếu trắng.
Czech là nước duy nhất ở châu Âu bỏ phiếu chống, cùng với Mỹ, Israel, Canada, Panama và một số quốc đảo nhỏ thuộc Thái Bình Dương như Nauru, Palau, Micronesia…
Việt Nam chúc mừng Việt Nam chúc mừng Palestine được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trao quy chế Nhà nước quan sát viên phi thành viên, coi đây là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine vì các quyền dân tộc cơ bản, trong đó có quyền thành lập một Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền, cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói ngày 30-11. |
Tại Bờ Tây, hàng nghìn người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza vẫy cờ, bắn pháo hoa và nhảy múa trên đường phố để ăn mừng chiến thắng.
Đại hội đồng đã chấp thuận Palestine với tư cách nhà nước độc lập bất chấp đe dọa của Mỹ và Israel sẽ trừng phạt người dân Palestine bằng cách rút các nguồn quỹ tài trợ cho chính quyền Bờ Tây.
Các phái viên LHQ nói rằng, Israel có thể sẽ không trả đũa Palestine sau cuộc bỏ phiếu chừng nào họ không muốn tham gia Toà án Hình sự Quốc tế (ICC).
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gọi cuộc bỏ phiếu là “phản tác dụng”, còn Vatican lại hoan nghênh và kêu gọi ban cho Jerusalem một địa vị đặc biệt được quốc tế thừa nhận.
Kết quả cuộc bỏ phiếu đã được dự đoán, sau khi ông Abbas tố cáo Israel về “những chính sách thù địch và phạm nhiều tội ác chiến tranh”, khiến đại diện của nhà nước Do Thái phản ứng một cách tức giận.
“Vào ngày này cách đây 65 năm, Đại hội đồng LHQ chấp nhận nghị quyết 181 nhằm tách vùng đất Palestine lịch sử làm đôi và đó là giấy khai sinh dành cho Israel”, ông Abbas phát biểu sau khi được đa số nước thành viên LHQ đứng lên vỗ tay chào mừng.
“Đến ngày hôm nay, Đại hội đồng được kêu gọi ban hành một giấy khai sinh để công nhận Nhà nước Palestine”, ông nói.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phản ứng rất nhanh để bác bỏ chỉ trích của ông Abbas lên án Israel là nước “thù địch, hiểm độc” và “dối trá”.
“Đây không phải những từ ngữ được nói ra từ một người mong muốn hoà bình”, ông Netanyahu nói trong một bài phát biểu do văn phòng gửi đi.
Ông nhắc lại lời kêu gọi Palestine quay lại đàm phán trực tiếp, và nói rằng bản nghị quyết vừa được Đại hội đồng thông qua là “vô nghĩa”.
Israel có nguy cơ bị đưa ra ICC
Với việc được công nhận là nước độc lập, dù không phải thành viên đầy đủ của LHQ, Palestine vẫn có thể trở thành thành viên của ICC có trụ sở ở Hague (Hà Lan) - nơi các quốc gia thành viên có quyền yêu cầu điều tra những tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người.
Nguy cơ đối mặt cáo buộc phạm tội ác chiến tranh đã khiến một số công dân và lãnh đạo quân đội Israel không dám ra nước ngoài vì sợ bị bắt.
Ông Abbas không đề cập ICC trong bài phát biểu của mình. Nhưng Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki nói với một số phóng viên rằng, nếu Israel tiếp tục xây dựng các cơ sở định cư phi pháp thì Palestine có thể sẽ nhờ đến ICC.
“Chỉ khi Israel không tiếp tục hành động tàn bạo, không xây dựng cơ sở định cư, không vi phạm luật quốc tế, thì chúng tôi không có lý do gì để nhờ đến ICC”, ông Maliki nói.
“Nếu Israel tiếp tục những chính sách thù địch, xây dựng cơ sở bất hợp pháp, mưu sát, tấn công, tước đoạt, dựng tường, tức là vi phạm luật quốc tế, thì chúng tôi không cách nào khác ngoài việc phải gõ cửa cơ quan quốc tế”, ông nói tiếp.
Tại Washington, nhóm 4 thượng nghĩ sĩ đảng Dân chủ và Cộng hoà thông báo Mỹ sẽ đóng cửa văn phòng của Palestine ở Washington trừ khi Palestine tham gia “những cuộc đàm phán có ý nghĩa” cùng Israel, và sẽ xoá mọi trợ giúp dành cho chính quyền Palestine nếu nước này nhờ tới ICC.
Những cuộc đàm phán hoà bình giữa Israel và Palestine bế tắc suốt 2 năm nay, phần lớn là do bất đồng về các khu định cư của người Israel ở Bờ Tây.
Những khu này được mở rộng dần bất chấp bị nhiều nước lên án là bất hợp pháp. Ngày 30-11, Israel tuyên bố quyết xây 3.000 nhà ở khu Bờ Tây và đông Jerusalem.
Gia Tùng
Tổng hợp