Chuyện về 'nữ tướng' của ông Tập Cận Bình

Bà Bành Lệ Viện - phu nhân phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX
Bà Bành Lệ Viện - phu nhân phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX
Phong cách vị lãnh đạo tương lai Trung Quốc Tập Cận Bình có thể được tiết lộ trong chuyến công du Mỹ, nhưng đầu tiên, giới phân tích cho là, ông cần thoát khỏi cái bóng quá nổi tiếng của vợ - vị nữ tướng xinh đẹp, quyến rũ.

> Tổng Bí thư tiếp Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa

Bà là một vị tướng quyến rũ, người đứng đầu đoàn ca múa quân đội, nổi tiếng khắp Trung Quốc bởi sự thể hiện tuyệt vời các ca khúc yêu nước. Bành Lệ Viện, 49 tuổi, đã xứng đáng với cái tên mang ý nghĩa “vẻ đẹp tuyệt vời”, còn giành được sự ngưỡng mộ ở Trung Quốc bởi hoạt động từ thiện.

Sau vài năm ở vai trò như một người phát ngôn của chính phủ về vấn đề y tế, năm ngoái, bà đã đảm nhận vai trò “đại sứ thiện chí” Trung Quốc về HIV/AIDS và bệnh lao phổi cho Tổ chức Y tế Thế giới. Nếu mọi thứ diễn ra đúng như dự kiến, thì bà sớm có thể còn có một vai trò danh giá khác - đệ nhất phu nhân của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Chồng của bà Bành - một người không quá nổi tiếng cho tới tận năm ngoái - phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hiện được cho là người kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào ở cương vị Tổng bí thư tại kỳ đại hội đảng mùa thu này và sau đó là thay thế ông để trở thành chủ tịch Trung Quốc mùa xuân năm tới.

Ông Tập, 58 tuổi, tới Mỹ từ đầu tuần này. Ông sẽ gặp Tổng thống Barack Obama trong lần đầu tiên tại điểm dừng chân Nhà Trắng, sau đó đến Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ...

Chuyến công du cấp cao này sẽ không chỉ giới thiệu ông với nước Mỹ ở thời điểm căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc về nhiều vấn đề từ Syria tới thương mại. Nó còn củng cố vị thế cho ông Tập khi quay trở lại Trung Quốc - nơi hiện bóng dáng ông vẫn bị che mờ bởi người vợ nổi tiếng và người cha quá cố.

Ông Tập là con trai của người anh hùng cách mạng từng là phó Thủ tướng Tập Trọng Huân. Ông Tập Trọng Huân bị bắt giam thời kỳ Cách mạng Văn hoá. Chàng thanh niên Tập Cận Bình vào tuổi 16 đã phải về vùng nông thôn lao động như bao trí thức Trung Quốc khác thời ấy.

Ông đã siêng năng làm việc theo cách của mình và thành công trong việc điều hành phát triển phồn thịnh hai tỉnh lớn của Trung Quốc trước khi trở thành người chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ hoạt động của Olympic Bắc Kinh 2008.

Ông còn là một người hâm mộ các bộ phim chiến tranh của Hollywood, có con gái đang theo học ở Harvard và kết hôn lần hai với người vợ nổi tiếng họ Bành (vợ đầu của ông là con gái một nhà đại sứ ở London).

Những thông tin về cuộc sống của các vị lãnh đạo hàng đầu vẫn là điều “cấm kỵ” trong truyền thông Trung Quốc. Tuy nhiên, người ta cũng biết được rằng, ông Tập là người lịch sự và nhã nhặn, tránh được lối sống xa hoa và không hề mang tai tiếng tham nhũng - vốn là kiểu sống cuốn quanh các “thái tử” khác.

Cuộc hôn nhân của ông với bà Bành còn được coi là cú hích lớn để ông thăng tiến sự nghiệp. "Danh tiếng của bà trong quân đội có thể giúp ông trong sự chọn lựa trở thành nhà lãnh đạo kế cận của Trung Quốc và có thể tiếp tục giúp ông khi ông nỗ lực củng cố quyền lực ở những năm đầu tiên nắm quyền”, Susan Lawrence, chuyên gia châu Á nhận định trong tài liệu gửi đến các thành viên quốc hội Mỹ tuần trước.

Theo Michael Green, người giám sát vấn đề Nhà Trắng thời Tổng thống George W Bush, chuyến đi sẽ là sự phát triển mối quan hệ với một người đàn ông chính quyền Washington chưa biết rõ nhưng sẽ là người mà Mỹ có thể cần chia sẻ trong cả 10 năm.

"Vẫn có những điều về ông mà chúng ta có thể nhận thấy trong chuyến đi này”, ông Green nói. "Một trong số đó là mối quan hệ của ông với quân đội Trung Quốc. Cha ông là một vị tướng, vợ ông là một nữ tướng, một ca sĩ nổi tiếng với những ca khúc yêu nước. Vẫn còn cuộc tranh cãi giữa các chuyên gia rằng, liệu ông ấy sẽ định hình quân đội, hay quân đội định hình ông ấy”.

Khi các quan chức chuẩn bị cho chuyến công du của ông Tập từ thứ hai này, mọi đồn đoán lại tập trung vào một trong những mối quan hệ quan trọng nhất, nhạy cảm nhất trên trường quốc tế.

Ông Tập chắc chắn là nhân vật rất khác biệt với người đàn ông mà ông sẽ kế nhiệm - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Bắc Kinh hy vọng rằng, chuyến đi sẽ góp phần củng cố vị trí cho ông ở trong nước cũng như xoa dịu mối quan hệ căng thẳng với Washington.

Thôi Thiên Khải - Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc phụ trách các vấn đề về Mỹ, nhấn mạnh rằng, hai nước đã trải qua “sự thâm hụt lòng tin” mà chuyến đi có thể góp phần giải quyết. "Mức độ tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ đang tụt hậu so với những gì cần thiết cho sự phát triển hơn nữa quan hệ song phương”.

Chắc chắn là có một danh sách dài những bất đồng Trung - Mỹ: như quân sự Mỹ “xoay trục” về châu Á, chuyện tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc với các láng giềng, chương trình hạt nhân Iran, Triều Tiên, vấn đề an ninh mạng, nhân quyền…

Chuyện Mỹ từ lâu luôn phàn nàn việc Bắc Kinh giữ giá thấp đồng nhân dân tệ, trợ cấp cho các ngành công nghiệp quốc gia làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp và thương mại Mỹ đã thành vấn đề tranh cãi gay gắt và chỉ trích Trung Quốc từ ứng viên Cộng hoà tranh cử tổng thống.

Ông Tập Cận Bình sẽ cần phải thể hiện với các khán giả trong nước rằng, ông không phải là người dễ thuyết phục.

Và ở một quốc gia nơi các đệ nhất phu nhân hầu như không xuất hiện nhiều trước công chúng, thì bà Bành có khả năng chứng tỏ là một đối tác quan trọng trong sự thăng tiến của chồng mình - phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo Vietnamnet/Telegraph

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG