Sự vĩ đại của cuộc cánh mạng nằm ở chỗ, nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của V.I. Lenin và những người Bolshevik, đã làm cách mạng lập ra nhà nước của nhân dân lao động, chưa từng có trong lịch sử loài người, dưới hình thức Xô Viết công-nông-binh.
Sự vĩ đại còn nằm ở chỗ, cuộc cách mạng đã mang lại cho nước Nga và từ cuối tháng 12-1922 là Liên bang Xô Viết sự phát triển thần kỳ. Hậu quả của chiến tranh quá nặng nề, nước Nga lại chìm trong cuộc nội chiến và chống sự can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc, Chính quyền Xô Viết non trẻ đã phải áp dụng chính sách cộng sản thời chiến. Giành thắng lợi, nước Nga xóa bỏ chính sách cộng sản thời chiến, cùng các nước trong Liên bang Xô Viết thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP).
Nội dung quan trọng đầu tiên của NEP là hướng về nông dân, cho phép người nông dân sau khi nộp thuế cho nhà nước được tự do buôn bán, trao đổi sản phẩm. Phương thức này đã làm hồi sinh các ngành kinh tế, xã hội cả ở thành thị và nông thôn, đáp ứng cung và cầu theo sự vận hành của thị trường hàng hoá.
Dấu ấn được nhắc đến nhiều nhất của NEP là công thức của Lenin: Chủ nghĩa Xã hội = Chính quyền Xô Viết + Điện khí hoá. Lenin còn khẳng định, muốn xây dựng được CNXH, phải học hỏi, tiếp nhận những thành tựu khoa học và phương pháp quản lý của Chủ nghĩa Tư bản.
Chỉ sau đó khoảng 4 năm, nước Nga đã vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển sau này. Cuộc “đổi mới, cải cách” đầu tiên mang tên NEP đã tạo ra kết quả bùng nổ đặc biệt, trong những năm 1917-1921, Liên bang Xô Viết trở thành nhà sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới.
Thực tế đã cho thấy, thành công của NEP đã có phần đóng góp không nhỏ cho Việt Nam cơ sở lý luận và thực tiễn để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ 20.
Cách mạng tháng Mười đã mở ra một kỷ nguyên mới cho các quốc gia trên thế giới, không từ một quốc gia nào, trong việc lựa chọn con đường tranh đấu, điều chỉnh để phát triển đất nước. Từ đó mà loài người có trải nhiều kinh nghiệm trên con đường giải phóng và đi đến hạnh phúc thực sự.
Bài học thực tiễn của lịch sử cách mạng Tháng Mười suốt chiều dài lịch sử đã qua còn tiếp tục thúc đẩy những đường lối sáng tạo để đưa các quốc gia xã hội chủ nghĩa, dưới rất nhiều mô hình khác nhau, tồn tại và không ngừng phát triển.
Ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga năm nay diễn ra vào thời điểm chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XI, bước vào giai đoạn tăng tốc của quá trình công nghiệp hóa.
Những mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt rất nặng nề nhưng cũng đầy tính nhân văn: Phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 - 3.200 USD; đô thị hoá đạt trên 45%, số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cộng đồng được bảo đảm; thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các vùng và nhóm dân cư.
Để thực hiện thành công những mục tiêu này, người dân kỳ vọng Đại hội XI, sự kiện trọng đại của đất nước, sẽ là Đại hội của đổi mới lần hai, của những tư duy bứt phá. Khi mà kinh nghiệm Cách mạng tháng Mười Nga và ý nghĩa khởi đầu từ Chính sách Kinh tế mới NEP vẫn còn nguyên giá trị trên con đường đổi mới.