Lính hải quân đương đầu sóng dữ

Lính hải quân đương đầu sóng dữ
TP - Gặp lính hải quân Lữ đoàn 125 tàu vận tải không phải dễ. Nguyên tắc của họ là tàu ở đâu, người ở đó “tàu là nhà, biển đảo là quê hương”. Các anh phải ở theo tàu. Địa bàn hoạt động của Lữ đoàn 125 khá rộng tại nhiều căn cứ rải rác các nơi.

> Quảng Ninh oằn mình hứng siêu bão, sóng dữ ngang trời
> Cứu tàu cá và 10 ngư dân gặp nạn vào bờ

TS 16 - đưa ngư dân tàu cá lên tàu
TS 16 - đưa ngư dân tàu cá lên tàu.

Sáng gọi điện cho các thuyền trưởng để xuống tàu “thâm nhập thực tế”, giao lưu với thủy thủ, cán bộ chiến sĩ thì thuyền trưởng tàu TS 04, đại úy Vũ Văn Long cho biết: “Tôi đang ở xa, 2 giờ chiều tàu xuất phát đi làm nhiệm vụ, anh ra chắc không kịp, có gì trao đổi qua điện thoại nhé”. Thượng úy Phạm Văn Thiết, chính trị viên tàu TS 16 thì đang làm nhiệm vụ trên biển khu vực Trường Sa.

Thượng úy thuyền phó tàu TS 08 Nguyễn Văn Phong thì cho biết tàu đang kiểm tra định kỳ ở một căn cứ khu vực phía Nam, nếu muốn tìm hiểu về cuộc sống cán bộ chiến sĩ tàu hải quân thì “anh chịu khó đón xe đò xuống dưới này”.

Tàu TS 08 do đại úy Bùi Mạnh Hùng làm thuyền trưởng, vào tháng 8 năm nay đã cứu hộ thành công tàu QNg 98052TS của ngư dân Quảng Ngãi bị nạn khi đang đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Trường Sa. Sau đó tập thể tàu và cá nhân thuyền trưởng Bùi Mạnh Hùng được trao tặng bằng khen, nhưng từ đó đến nay anh cũng chưa có dịp về sở chỉ huy lữ đoàn để nhận vinh dự.

Cứu người cứu tàu - chạy đua với bão

Trung tá Phạm Văn Hưng là thuyền trưởng kỳ cựu, có nhiều kinh nghiệm cứu hộ cứu nạn trên biển. Chuyến cứu hộ đáng nhớ nhất mà anh góp phần tham gia chính là cứu 17 người trên boong-tông (phà đáy bằng để chở hàng do tàu kéo) chở 9.000 khối gỗ của một doanh nghiệp Việt Nam trên đường lai dắt về Việt Nam từ Indonesia thì bị mắc cạn vào bãi đá ngầm Đền Cây Cọ khu vực quần đảo Trường Sa vào năm 2008.

Hải quân tàu TS 08 tiếp cận cứu hộ tàu cá
Hải quân tàu TS 08 tiếp cận cứu hộ tàu cá.

Mặc dù doanh nghiệp đã thuê tàu chở hết gỗ đi, nhưng để kéo boong-tông khá lớn, với chiều rộng khoảng 25m, dài gần 100m ra khỏi bãi đá ngầm không phải là điều dễ dàng, khi mà gió tây nam mạnh tới cấp 7 và boong-tông đã bị sóng gió quăng quật biến dạng, có nguy cơ gãy làm đôi.

Trên boong-tông lúc đó còn 17 người của công ty, trong đó có một người là đầu bếp không biết bơi. Sóng to, gió lớn, tiếp cận boong-tông rất khó, trong khi đó trước tiên phải chuyển phao cứu sinh cho 17 người, đưa người sang tàu.

Sau đó thì các chiến sĩ đã móc cáp vào boong-tông để kéo dần ra khỏi bãi cạn. Đến 22 giờ 30 bất ngờ sóng to, boong-tông bị biến dạng mạnh, nguy cơ gãy rời có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đây là lúc nhóm cứu hộ phải quyết định: chặt cáp để cứu tàu vì nếu không boong-tông chìm sẽ kéo theo tàu chìm xuống đáy biển. Qua bộ đàm, người đội trưởng cứu hộ phía doanh nghiệp đang ở trên boong-tông đề nghị phải chặt ngay cáp nối tàu với boong-tông.

Trung tá Hưng kể: Chặt sợi dây cáp nilon phi 90 (cỡ bắp đùi người lớn) nối hai tàu đang cực căng rất dễ, có khi chỉ cần một nhát chém, lực kéo giữa hai tàu sẽ làm dây đứt ngay. Nhưng lại khó ở chỗ người chặt nếu không có kỹ thuật và kinh nghiệm, rất có thể gây tai nạn chết người cho chính mình và đồng đội. Dây cáp vừa đứt thì boong-tông cũng gãy làm đôi.

Việc cứu người cũng không kém phần kịch tính. Đã là 23 giờ đêm, trời nổi gió dữ dội, mưa rất to, các chiến sĩ phải thả đoạn dây dài 200m, cứ 10m gắn một phao, lựa sóng, lựa gió để dây phao trôi về phía nửa boong-tông chưa chìm.

Qua bộ đàm, đội cứu hộ hướng dẫn và cả động viên để người của doanh nghiệp mạnh dạn...nhảy xuống biển, bám vào phao bơi và lần về tàu. Kéo được mọi người lên tàu thì thấy thiếu mất hai người là ông đội trưởng phía doanh nghiệp và người đầu bếp. Đèn pha công suất lớn nhưng trong đêm mưa nặng hạt, giữa mặt biển mênh mông, tàu chao lắc dữ dội, nhìn từ trên xuống không thấy gì.

Tình thế buộc đội cứu hộ phải cử người xuống biển đi tìm. Trung úy chuyên nghiệp, thủy thủ Hoàng Văn Chở, người được chọn nhớ lại: “Chúng tôi biết nhảy xuống biển trong điều kiện mưa gió như thế là nguy hiểm chứ, nhưng cứu dân lúc đó là nhiệm vụ”.

Vừa nhảy xuống nước thì anh nghe thấy tiếng kêu cứu. Anh phát hiện ở phía xa, người đội trưởng phía doanh nghiệp đang cố sức dìu ông đầu bếp bị ngạt nước đã bất tỉnh.

“Đưa người bất tỉnh từ dưới biển lên boong trong các cơn sóng ba bốn mét rất khó, rất cần người có sức khỏe và khéo léo, nếu không cả hai sẽ bị sóng đập vào thành tàu” - anh Chở tâm sự.

Sau khi đồng đội thả dây xuống để buộc vào người đầu bếp, lựa lúc con sóng lên tới đỉnh, anh Chở và đồng đội đưa được người đầu bếp lên tàu. Sau khi sơ cấp cứu, ông đầu bếp không biết bơi đã tỉnh lại.

Thực ra việc cứu hộ cứu nạn trên biển không phải là nhiệm vụ chính của các cán bộ chiến sĩ hải quân Lữ đoàn 125, nhưng nhiều lúc các anh phải khẩn trương không kém công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo.

Thượng úy Phạm Văn Thiết, chính trị viên tàu TS 16 nhớ lại: Vào ngày 10/10 tàu chúng tôi đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa thì nhận được lệnh đi cứu tàu cá BĐ 96822TS do ông Đặng Văn Học làm thuyền trưởng, bị hỏng máy đang trôi dạt trên biển. Lúc này chúng tôi cũng đã nhận bão dữ sắp đến nếu không đến kịp, tàu BĐ 96822TS dính bão sẽ gặp nguy hiểm. Tàu TS 16 chạy hết tốc độ.

Sau 20 giờ vượt qua sóng lớn thì tiếp cận được tàu cá. Trên tàu có 17 người. Chúng tôi lai kéo tàu về đảo, bàn giao tàu cho đảo đưa tàu vào nơi ẩn náu an toàn. Trên đường đưa tàu về đảo gần như cũng là lúc bão đuổi theo đằng sau. Bản thân chúng tôi cũng phải di chuyển tàu tới nơi an toàn tránh bão thì cũng là lúc bão ập tới.

Đối với ngư dân đang đánh bắt cá trên biển khu vực quần đảo Trường Sa, những tai nạn trên biển nhiều khi rất bất ngờ, đôi khi khó tránh khỏi, nếu không được cứu giúp kịp thời có thể gây những hậu quả khó lường.

Đại úy Vũ Văn Long, thuyền trưởng tàu TS 04 vẫn nhớ mãi về chuyến đi cứu hộ thủy thủ một tàu cá bị đắm. 17 người ôm can trôi dạt lênh đênh trên biển suốt 20 giờ trước khi được một tàu cá khác vớt lên, sau đó tàu cá đánh tín hiệu cấp cứu tàu hải quân cứu hộ.

Khi tàu TS 04 đến nơi cấp cứu, khám chữa bệnh thì phát hiện hai người bị thương rất nặng do cá cắn. Cả hai nếu không được tàu hải quân tới cứu hộ kịp thời thì cái chết nhãn tiền.

Thượng úy Dương Văn Long, chính trị viên và thượng úy Nguyễn Văn Phong, phó thuyền trưởng cùng đồng đội trên tàu TS 08 đã tham gia nhiều chuyến cứu hộ cứu nạn ngư dân trong hải trình làm nhiệm vụ biển đảo của mình.

Năm ngoái, anh và đồng đội trên tàu đã tham gia “giải cứu” thành công 2 tàu cá của ngư dân mắc cạn trên bãi đá ngầm Đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa trong điều kiện hết sức khẩn trương do cơn bão đang đến gần.

Tháng 8 năm nay, cùng thuyền trưởng Bùi Mạnh Hùng và đồng đội, trên đường làm nhiệm vụ tiếp tế hàng hóa cho quân dân quần đảo Trường Sa, ngay sau cơn bão số 8 vừa đi qua, các anh nhận lệnh cứu tàu QNg 98052TS lâm nạn do nước biển tràn làm hỏng máy. Bàn giao 13 ngư dân và tàu xong, tàu TS 08 lại tiếp tục lên đường.

Sau thành tích trên, tàu TS 08 và cá nhân thuyền trưởng Bùi Mạnh Hùng được vinh dự nhận bằng khen của quân chủng nhưng các anh vẫn chưa có dịp trở về để nhận.

Đối với người lính hải quân, những chuyến đi biển kéo dài cả tháng là “chuyện thường ngày ở hải đội”. Trung tá Phạm Văn Hưng, hiện là thuyền phó tàu đổ bộ LST kể, khi còn là thuyền trưởng tàu vận tải, có những chuyến đi kéo dài trên 120 ngày không về nhà. Làm xong nhiệm vụ biển đảo, tàu cặp bến đất liền tiếp nhiên liệu, nhận hàng trong 24 giờ, sau đó lại tiếp tục lên đường...

Gần như mỗi chuyến đi, các anh đều gặp gỡ ngư dân trên biển, khi thì giúp họ dầu, nước uống, thức ăn, lúc giúp thăm khám, chữa bệnh...Với sự hiện diện của các anh trên biển, ngư dân, những cột mốc sống chủ quyền mãi vững tin, yên tâm bám biển.

Cứu thủy thủ nước ngoài bị cướp biển tấn công

Khi còn là thuyền trưởng tàu HQ 957, vào tháng 5/2010, trung tá Phạm Văn Hưng chở đoàn cán bộ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ra thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Tàu của anh đã phát hiện và vớt được 10 người nước ngoài đang trôi dạt tuyệt vọng trên vùng biển khu vực đảo Tốc Tan và Núi Le.

Những người bị nạn mang nhiều quốc tịch khác nhau, gồm người Indonesia, Malaysia, Myanmar. Họ là thuyền trưởng và thủy thủ một tàu Indonesia bị cướp biển tấn công, chiếm tàu, sau đó buộc họ xuống một phao cứu sinh thả trôi trên biển.

Khi được tàu hải quân Việt Nam cứu, họ đã trôi dạt trên biển nhiều giờ, nước hết, thức ăn không có, kiệt sức.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.