Trước tình hình bộ phận máy ngắm M21A1 trên pháo xe kéo 105mm bị hư hỏng nhiều, các cán bộ nhà máy Z133 đã tiến hành nghiên cứu cải tiến thành công thiết bị này.
Máy ngắm hướng M21A1 là bộ phận quan trọng trong hệ thống ngắm của pháo 105mm. Máy ngắm hướng dùng để lắp kính ngắm gián tiếp, lấy góc hướng và phần tử bắn gián tiếp cho pháo.
Qua quá trình khai thác, sử dụng, hiện nay số lượng cụm máy ngắm hướng M21A1 của pháo 105mm bị hư hỏng là khá lớn. Các đơn vị không có chi tiết dự phòng để thay thế nên ảnh hưởng đến tính đồng bộ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của pháo.
Việc nghiên cứu chế tạo cụm máy ngắm hướng cũng chưa đạt được nhiều kết quả tích cực vì chi tiết có kết cấu phức tạp, yêu cầu độ chính xác cao.
Đáp ứng nhu cầu sửa chữa, thay thế máy ngắm hướng, các cán bộ, kỹ sư Nhà máy Z133 (Tổng cục Kỹ thuật) đã nghiên cứu cải tiến thành công cụm máy ngắm hướng M21A1.
Đến nay, Nhà máy Z133 đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ chế tạo máy ngắm hướng từ khâu tạo phôi đến gia công các chi tiết, cụm chi tiết; tổng lắp, hiệu chỉnh trên pháo…
Sản phẩm máy ngắm hướng cải tiến (ký hiệu M21A1CT) đã được chế tạo, thử nghiệm thành công và đã được sản xuất để đồng bộ cho các lô pháo 105mm sửa chữa lớn tại Nhà máy Z133, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của vũ khí, trang bị.
8. Nghiên cứu, chế thử thành công đạn xuyên K53 đầu lõi thép
Các kỹ sư Nhà máy Z113 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã nghiên cứu thiết kế chế thử thành công đạn xuyên 7,62x54mm (K53) đầu lõi thép. Đạn có thể được sử dụng cho các loại súng bắn đạn K53 hiện có trong trang bị. Đạn thiết kế để có thể xuyên thép CT3 dày 12mm ở cự ly 100m và xuyên áo giáp cấp 3 theo tiêu chuẩn NIJ101.04 của Mỹ.
Vận tốc đầu đạn thiết kế trung bình ở vị trí cách miệng nòng súng 25mm tăng lên, từ 840 đến 890m/s. Đạn K53 sử dụng mác thép Y12A làm lõi xuyên, thép có độ cứng sau khi tôi đạt 64-66 HRC, độ cứng sau khi ram ở nhiệt độ 150 đến 1600C đạt 62-64 HRC.
Công nghệ chế tạo đạn xuyên 7,62x54mm (K53) đầu lõi thép là công nghệ mà nhà máy đã áp dụng vào sản xuất đạn 7,62x54mm (K53) thông thường. Riêng công đoạn chế tạo lõi thép xuyên đã áp dụng công nghệ tạo hình là phương pháp gia công cắt gọt và tạo độ cứng cho lõi thép sử dụng công nghệ tôi lò muối và ram dầu.
Vận tốc thực tế của đầu đạn đạt 870,7 đến 872,4m/s; khả năng xuyên thép CT3 đồng nhất dày 16mm đặt cố định vuông góc với trục nòng súng ở cự ly 100m đạt tỷ lệ 100%; xuyên áo giáp cấp 3 theo tiêu chuẩn của Mỹ đạt 100%. Áp suất khí thuốc bằng so với đạn thông thường nên tăng độ bền cho súng, mặt khác, đạn vẫn sử dụng được thuốc phóng cho đạn thông thường, nên không phải sản xuất thuốc phóng mới.
9. Biến bộ đàm thành thiết bị gây nhiễu
Cán bộ Ban Tác chiến Điện tử (Bộ Tham mưu Quân khu 4) đã cải tiến thành công máy bộ đàm cầm tay thành thiết bị tự động trinh sát, gây nhiễu dải sóng cực ngắn, công suất vừa.
Giải pháp cải tiến, chế tạo mạch tạo tạp và mạch tự động điều khiển trinh sát, gây nhiễu và cấy ghép vào máy bộ đàm cầm tay, đồng thời thay đổi một số kết cấu chức năng của máy để tạo thành một thiết bị hoàn chỉnh.
Thiết bị cải tiến có các thông số, tính năng kỹ thuật phù hợp, bảo đảm khả năng trinh sát, gây nhiễu hiệu quả các đường thông tin liên lạc của đối phương trong dải tần xác định; cự ly trinh sát, gây nhiễu lớn.
Đặc biệt, máy có kết cấu gọn nhẹ hơn hẳn so với nhiều loại máy hiện có trong trang bị nên tiện cơ động, phù hợp với địa hình Quân khu 4.
10. Chế tạo máy tạo rãnh cho súng chống 'biển người'
Nhà máy Z125 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã chế tạo thành công máy tạo rãnh xoắn nòng súng phóng lựu liên thanh AGS-17.
AGS-17 là loại súng phóng lựu liên thanh do Nga thiết kế sản xuất. AGS-17 được đánh giá có độ sát thương mạnh, tốc độ bắn cao 400 phát/phút, được sử dụng để hỗ trợ bộ binh, chống chiến thuật biển người. Loại súng này được Việt Nam nhập khẩu trang bị cho nhiều đơn vị trong quân đội.
Cùng với việc nhập khẩu, Việt Nam cũng xúc tiến việc cố gắng làm chủ công nghệ, tự chế tạo súng AGS-17. Bằng sự cố gắng, học hỏi, sáng tạo, nhà máy Z125 đã chế tạo thành công súng phóng lựu AGS-17.
Để có được thành công đó, Z125 đã trải qua nhiều khó khăn, một trong những yếu tố quyết định là tạo được rãnh xoắn nòng. Nòng AGS-17 không phải nòng trơn mà là nòng gia công rãnh xoắn nòng.
Ngoài việc chế tạo súng phóng lựu AGS-17 30mm, những năm qua nhà máy Z125 đã sản xuất súng phóng lựu M79-VN trang bị cho các đơn vị trong toàn quân. M79-VN sản xuất dựa theo mẫu M79 của Mỹ, từng trang bị cho quân Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, chúng ta thu được một số lượng lớn M79, tiếp tục sử dụng cho tới ngày nay.
11. Đóng tàu pháo và tàu tên lửa
Ngày 8-10, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân đã tổ chức ký hợp đồng với công ty Hồng Hà và Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đóng mới 2 lớp tàu chiến đấu hiện đại TT400TP và tàu tên lửa project 12418.
Trong đó, tàu TT400TP do công ty Hồng Hà mua thiết kế sơ bộ và tự đóng mới trong nước. Việc đóng thành công TT400TP là bước tiến vượt bậc trong công nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam.
Tàu có lượng giãn nước 480 tấn, dài 54,16m. Tàu trang bị hệ thống điện tử vũ khí hiện đại, tính tự động hóa cao. Hiện nay, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đưa vào trang bị 2 tàu pháo TT400TP.
Còn tàu cao tốc tên lửa project 12418 được Ba Son mua thiết kế và công nghệ từ Nga. Đây là tàu tên lửa cỡ nhỏ nhưng hỏa lực của nó cực mạnh (16 tên lửa hành trình Kh-35 Uran) có thể đánh chìm tàu chiến lớn hơn gấp nhiều lần.
Hai lớp tàu chiến đấu nằm trong chương trình hiện đại hóa của Quân chủng Hải quân để nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của tổ quốc, góp phần xây dựng lực lượng hải quân tiến lên cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong tình hình mới.
12. Hạ thủy thành công tàu Cảnh sát biển DN-2000
Ngày 23-10, Cục Cảnh sát biển Việt Nam, nhà máy Z189 và hãng Damen (Hà Lan) đã thực hiện lễ hạ thủy tàu tuần tra DN 2000 mang phiên hiệu CSB 8001.
DN 2000 là dạng tàu có thiết kế tiên tiến, hiện đại đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế. Theo giới quan sát quốc tế, DN 2000 đạt tiêu chuẩn châu Âu với nhiều trang thiết bị hàng hải chưa từng có trên các tàu quân sự Việt Nam từ trước tới nay.
DN 2000 cũng là tàu cảnh sát biển đầu tiên của Việt Nam có sân đáp ở đuôi tàu đáp ứng yêu cầu cất hạ cánh của một trực thăng hạng trung.
Tàu có thể hoạt động trong các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam với phạm vi không hạn chế trong điều kiện gió cấp 12 và liên tục trên biển 40 ngày đêm.
Ngoài vai trò tuần tra bảo vệ biển đảo, khi cần DN 2000 có thể tham gia cứu kéo các tàu bị nạn, chuyển quân, chi viện hậu cần cho các lực lượng trên đảo.
Vy Oanh (tổng hợp)