Sở hữu BrahMos, Su-30MKI, Ấn Độ sẽ thành 'sát thủ hạt nhân'?

Sở hữu BrahMos, Su-30MKI, Ấn Độ sẽ thành 'sát thủ hạt nhân'?
TPO – Thành công trong lần phóng thử nghiệm tên lửa BrahMos từ tàu chiến NIS Teg hôm 7-10 vừa qua là tiền đề quan trọng trước khi Ấn Độ đưa vào sử dụng hàng loạt tên lửa hành trình siêu thanh trong năm 2013.
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos.

Hải quân Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos được trang bị đầu dẫn của tên lửa hành trình Kh-555 và Kh-101 của Nga. Theo Izvestia, loại đầu dẫn tích hợp trên tên lửa BrahMos của Ấn Độ là một biến thể của hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp dẫn đường bằng vệ tinh GPS/GLONASS do Nga phát triển.

Kết quả kết hợp hệ thống điện tử từ tên lửa hành trình Kh-555 và tên lửa chống tàu BrahMos sẽ tạo ra một tên lửa hành trình chiến lược hạng nhẹ được phóng từ đất liền, trên biển và trên máy bay, có khả năng tấn công các mục tiêu từ cự li xa 300 - 500 km. Trong trường hợp này, tên lửa BrahMos có thể mang được một đầu đạn hạt nhân, nguồn tin trong tổ hợp công nghiệp quân sự Nga nói với tờ Izvestia hôm 8-10.

Su-30MKI thành "sát thủ hạt nhân"?

Theo nguồn tin, những tên lửa BrahMos mới được thiết kế cho các máy bay chiến đấu Su-27/30 mà Ấn Độ đang tích cực mua và lắp giáp theo giấy phép. Tới năm 2020, Lực lượng Không quân Ấn Độ sẽ có hơn 200 máy bay dòng Su-30MKI hiện đại.

Tổng biên tập tạp chí Rise (Cất cánh) của Nga, ông Vladimir Shcherbakov nói rằng, máy bay chiến đấu Su-30 khi được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos sử dụng đầu đạn hạt nhân sẽ có sức mạnh gần tương đương như hai loại máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và Tu-160 của Không quân Nga.

"Tên lửa này là một thành phần quan trọng trong sức mạnh chiến đấu của các Lực lượng Vũ trang Quân đội Ấn Độ và những đối tác của chúng tôi", - ông Shcherbakov nói.

Su-30MKI sẽ mang biến thể BrahMos trang bị đầu đạn hạt nhân?
Su-30MKI sẽ mang biến thể BrahMos trang bị đầu đạn hạt nhân? .

Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga thì giải thích với Izvestia rằng, kẻ thù tiềm năng của Ấn Độ là Pakistan không có các hệ thống phòng không hiện đại, vì vậy, máy bay chiến đấu Su-30MKI mang theo tên lửa BrahMos có tầm bắn 300 km sẽ đảm bảo có thể tấn công được các mục tiêu đối phương từ ngoài tầm tên lửa phòng không và an toàn trở về căn cứ.

Theo mô tả của Không quân Nga, ở Nga, tên lửa BrahMos không được họ quan tâm do nó có những đặc điểm giống với tên lửa hành trình Kh-555 có tầm bắn hơn 3.000 km, vì vậy tên lửa BrahMos chỉ được quan tâm xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo ông này, tên lửa Iskander có tầm bắn xa tương tự như BrahMos và tên lửa hành trình Kh-555 và Kh-101 có tầm bắn xa hơn nhiều nhưng vẫn đảm bảo độ chính xác.

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos được công ty liên doanh BrahMos Aerospace Ltd giữa Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất dựa trên loại tên lửa hành trình 3M55 Yakhont (SS-N-26) do Viện thiết kế NPO Mashinostroyenie của Nga phát triển.

Tên lửa BrahMos có tầm bắn 290 km (180 dặm) và có thể mang một đầu đạn nặng 300 kg và đạt tốc độ Mach 2,8, nhanh gấp 3 lần tốc độ của tên lửa hành trình cận âm Tomahawk mà Mỹ sản xuất.

Vừa qua, Nga và Ấn Độ cũng đã đồng ý cùng nhau phát triển một biến thể tên lửa hành trình siêu vượt âm BrahMos 2 có thể đạt tốc độ từ Mach 5 - Mach 7.

Trường Sơn (tổng hợp)

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG