Tàu tuần duyên Nhật Bản (phía trên) đấu vòi rồng với tàu của Đài Loan gần Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Ảnh: Time |
Hai năm qua, Nhật Bản trải qua các đợt sóng gió lớn về tranh chấp biển đảo với ba láng giềng: Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc đại lục cùng Đài Loan, Takeshima/Dokdo với Hàn Quốc và vùng lãnh thổ phía bắc/Kurile với Nga.
Tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đòi hỏi một thay đổi nhỏ nhưng tức thì trong chính sách của Mỹ. Nếu không làm được điều này, nguy cơ Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để đánh chiếm nhóm đảo không người này tăng lên đáng kể.
Khả năng Senkaku/Điếu Ngư bị Trung Quốc chiếm đóng sẽ buộc Mỹ phải cân nhắc quan hệ đồng minh với Nhật Bản nhằm chống lại một cuộc chiến vì nhóm đảo này. Mỹ có thể sẽ tích cực hành động thông qua con đường ngoại giao theo lối “tiên phát chế nhân” (ra tay trước để chế ngự đối phương).
Tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư khác với tranh chấp với Trung Quốc và Hàn Quốc vì trên thực tế Nhật Bản giữ quyền kiểm soát hành chính đối với nhóm đảo nhỏ này từ năm 1972. Trong ba tranh chấp biển đảo, Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật chỉ áp dụng với trường hợp Senkaku/Điếu Ngư (Mỹ từng quản lý nhóm đảo này, trong khi Nhật Bản mất quyền kiểm soát hành chính đối với Takeshima và vùng lãnh thổ phía bắc).
Đồng thời, Mỹ không đứng về phe nào trong vấn đề chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư và Takeshima/Dokdo. Sự trung lập của Mỹ đối với tranh chấp Takeshima/Dokdo có thể hiểu được vì cả Nhật Bản và Hàn Quốc là đồng minh của Mỹ.
Về tranh chấp vùng lãnh thổ phía bắc, sự ủng hộ ngoại giao của Mỹ đối với đòi hỏi chủ quyền của Nhật Bản cũng có thể hiểu được vì hai bên là đồng minh (dù Mỹ không có hành động quân sự nhằm vào sự chiếm đóng của phía Nga).
Về tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, Mỹ bị xâu xé bởi ba phía: liên minh với Nhật Bản và quyền kiểm soát hiệu quả của Nhật Bản đối với nhóm đảo; tuyên bố chủ quyền của Đài Loan (một đối tác an ninh khác của Mỹ) và tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đại lục - hiện là đối thủ quân sự nhưng đối tác kinh tế ngày càng quan trọng.
Nhật Bản đang ngày càng coi liên minh quân sự với Mỹ là thành tố chính của chính sách an ninh của mình. Nhật Bản đã tăng cường đóng góp cho liên minh, đảm nhận vai trò ngày càng tăng trong an ninh toàn cầu và khu vực.
Để đổi lại, Nhật Bản mong đợi Mỹ có cam kết lớn hơn về việc bảo vệ lãnh thổ của mình. Xu hướng trong giai đoạn 1970-1999 (khi Nhật Bản tăng cường vai trò trên mọi lĩnh vực an ninh lãnh thổ, khu vực và quốc tế) đã đảo ngược. Trong giai đoạn trước khi sửa Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật ký năm 1960, Nhật Bản tự coi mình thiếu nguồn lực để tự vệ trong môi trường an ninh khu vực thế kỷ 21.
Nhật Bản thấy sự mơ hồ trong lập trường của Mỹ trong vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và mong một sự hỗ trợ rõ ràng hơn từ phía Mỹ. Đảm bảo cho Nhật Bản điều này là điều cần thiết để giữ liên minh trên một nền tảng chắc chắn.
Dù Mỹ nói rằng, liên minh áp dụng cho “tất cả lĩnh vực thuộc quyền quản lý của Nhật Bản”, nhưng Tokyo thấy có lỗ hổng trong lập trường của Washington. Mỹ đã yêu cầu Nhật Bản gánh vác trách nhiệm chính trong việc bảo vệ lãnh thổ. Vì vậy, ngày càng có nhiều người Nhật Bản tin rằng, sẽ không có chuyện Mỹ can thiệp để đoạt lại Senkaku/Điếu Ngư, nếu Trung Quốc chiếm đóng nhóm đảo này. Việc cam kết hỗ trợ Nhật Bản rõ ràng hơn sẽ chọc giận Trung Quốc, mà không làm điều này khiến Tokyo bị cô lập, còn Bắc Kinh được khuyến khích.
Tuy nhiên, việc tạo ra các mối liên hệ sáng tạo với những vấn đề song phương và khu vực sẽ giúp Mỹ hưởng lợi. Ví dụ, nếu Nhật Bản nhượng bộ trong một số vấn đề thì Mỹ sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc cam kết bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư một cách rõ ràng hơn.
Nếu thấy Nhật Bản được Mỹ cam kết rõ ràng hơn, các nước Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông có thể nới lỏng việc hạn chế tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Tự do hàng hải là điều Mỹ mong muốn.
Thái An (tổng hợp)