ĐH FPT sẽ tuyển 1.500 chỉ tiêu, ít hơn 200 so với 2013 và sẽ giảm chỉ tiêu các ngành tài chính, ngân hàng. Trường này sẽ sơ tuyển vào tháng 4 và tháng 8 và thi ba chung theo quy định của Bộ GD&ĐT.
ĐH Thăng Long thi “ba chung”, tuyển 1.900, tăng 200 và sẽ giảm chỉ tiêu khối kinh tế, tăng chỉ tiêu các ngành: công nghệ thông tin, khoa học xã hội nhân văn (tiếng Anh, Tiếng Nhật, sức khỏe).
Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết, ĐH này dự kiến chỉ tiêu hệ chính quy là l2.650 (tăng 2% so với năm trước) nhưng chỉ tiêu sau ĐH giảm 3%. Đặc biệt, hệ liên thông của ĐH này giảm mạnh, chỉ còn 250 chỉ tiêu, hệ đào tạo văn bằng 2 chính quy có 1.650 chỉ tiêu, tăng nhẹ so với năm trước. Hệ đào tạo từ xa của Trường ĐH CN năm trước được bố trí 1.000 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được hơn 200 người, năm nay sẽ giảm xuống còn một nửa.
Mặc dù là một trong hai đơn vị dự kiến sẽ đi đầu trong tự chủ tuyển sinh nhưng ĐHQG TPHCM năm nay vẫn chưa có gì thay đổi. Ông Hội Nghĩa nói: ĐHQG TP đang chuẩn bị cho đổi mới vào năm 2015 và cũng chỉ áp dụng tự chủ tuyển sinh trong một quy mô phù hợp.
Đến năm 2016, ĐHQG TPHCM mới áp dụng tự chủ tuyển sinh trong toàn hệ thống và các trường đối tác cùng tham gia đề án đổi mới tuyển của ĐH này, Ông Nghĩa bật mí: hiện có khoảng chục trường đăng ký tham gia thi chung với ĐHQG TP HCM khi ĐH này tổ chức thi tuyển sinh riêng.
ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG HN) xác định chỉ tiêu dự kiến khoảng 1.300. Ông Đoàn Văn Vệ, Trưởng Phòng đào tạo nhà trường cho biết, năm nay ý tưởng thí điểm tự chủ tuyển sinh đối với hệ đào tạo cử nhân tài năng chưa được thực hiện. Năm 2013, ĐHKH Tự nhiên sẽ hỗ trợ học bổng cho thí sinh thi tuyển sinh vào những ngành khó tuyển.
Cụ thể là: Máy tính và khoa học thông tin, khoa học vật liệu, địa lý tự nhiên, kỹ thuật địa chất, hải dương học, thủy văn, khoa học đất... sẽ được học bổng hỗ trợ ngay từ học kỳ 1 với số tiền bằng mức học phí phải nộp; các học kỳ sau nếu sinh viên có kết quả học tập cao sẽ được nhận học bổng cao hơn mức học phí.