Nobel Hóa học: Đừng tạo áp lực giải thưởng lên học sinh

Nobel Hóa học: Đừng tạo áp lực giải thưởng lên học sinh
TP - Cận Tết Quý Tỵ, GS Sir Harold Kroto, người nhận Giải thưởng Nobel Hóa học năm 1996, có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Nói chuyện với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội sau cuộc gặp mặt ngắn với báo chí, ông cảnh báo chớ để áp lực giải thưởng làm thui chột sáng tạo.

> Người khiếm thị học giới tính
> Xót lòng cảnh học sinh vượt suối đến lớp
> Thầy giáo mù lập mái ấm cho trẻ khuyết tật

Đừng đặt mục tiêu giải Nobel

Làm thế nào để Việt Nam có thể có giải thưởng Nobel? GS Sir Harold Kroto hóm hỉnh: “Đừng đặt mục tiêu phải đạt giải thưởng A hay giải thưởng B khi bạn tiến hành nghiên cứu. Điều quan trọng là phải tạo ra được môi trường giáo dục trong đó học sinh được tự do theo đuổi ước muốn. Chính quá trình ấy sẽ là cơ hội để nảy sinh các sáng chế, phát hiện giống như các sáng chế, phát hiện của các nhà khoa học đoạt giải Nobel”.

Thời học phổ thông, GS Sir Harold Kroto không chỉ giỏi hóa học, một số môn khoa học mà còn đam mê các môn nghệ thuật, đặc biệt là vẽ. Ông theo con đường nghiên cứu khoa học chỉ bởi ý nghĩ “cơ hội việc làm sẽ lớn hơn”.

Còn “nếu không nghiên cứu, giảng dạy tốt, mình có thể quay lại với nghệ thuật”. Rồi ông bất ngờ với chính mình khi trở thành giảng viên giỏi. “Tôi không ngờ mình lại giảng dạy tốt vậy và rồi quyết định chung thân với hóa học”.

Ông chưa bao giờ đặt mục tiêu đạt giải Nobel. “Nếu thế, tôi có lẽ không bao giờ chọn lĩnh vực mà mình nhận định ngay từ đầu đây là mảng sẽ rất khó để có phát minh. Ấy vậy mà tôi đã đạt giải Nobel. Các bạn thấy có thú vị không?”, nhà khoa học của Đại học Florida nói.

Năm 1996, ông đoạt giải Nobel Hóa học cho phát hiện về hợp chất carbon mang tên fullerenes và một loại phân tử carbon mới mang tên Buckminsterfullerene (C60).

Phát hiện này gây chấn động trong giới khoa học và đến nay vẫn chói sáng trong quá trình phát triển của công nghệ nano.

Ông chia sẻ: “Việt Nam cũng như các nước châu Á không nên tạo áp lực giải thưởng lên học sinh, buộc các em phải đạt giải hóa học hay vật lý quốc tế. Khi còn nhỏ, tôi mơ mình trở thành siêu nhân chứ không phải một nhà khoa học”. Đáp lại là tràng cười rôm rả của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội

“Tôi thấy Việt Nam có nhiều học sinh đạt giải kỳ thi hóa học, vật lý quốc tế nhưng lại có ít nhà khoa học đạt các giải thưởng khoa học quốc tế. Quan trọng là hãy tạo môi trường tự do sáng tạo cho các em”, Sir Harold Kroto khuyến nghị.

Về GS Ngô Bảo Châu, ông nói: “Tôi tin GS Ngô Bảo Châu cũng vậy, khi nghiên cứu toán học, ông không đặt mục tiêu sẽ đạt giải thưởng Fields. Ông đã tìm được môi trường giáo dục để theo đuổi ước muốn của mình. Khi theo đuổi ước mơ ấy, ông đã tìm ra phát kiến lớn lao”.

Khuyến khích giới trẻ hoài nghi

74 tuổi, GS Sir Harold Kroto vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và hăng say làm việc: “Năm 2013 tôi có 97 bài giảng ở Đại học Bang Florida và 91 bài ở nhiều nơi khác, Một trong những lý do khiến ông hăng say là ông muốn thế giới hiểu đúng về bản chất của khoa học. Đó cũng là một phần lý do đưa ông đến Việt Nam.

“Mọi người đang hiểu sai về khoa học và đó là một trong những nỗi lo của tôi”, GS Sir Harold nói khoa học không đơn giản là kiến thức chúng ta học ở trường, là việc áp dụng các sáng kiến, phát minh vào cuộc sống; thay vào đó, khoa học giúp chúng ta có thể nhìn nhận, đánh giá, tiệm cận đến cái đúng, sai của các vấn đề.

Để đạt mục tiêu ấy của khoa học, ông đề nghị khuyến khích mọi người nêu các câu hỏi, các hoài nghi của mình. “Nếu không hoài nghi, đời sống văn hóa, tri thức của con người không thể tiến bộ. Cần dạy cho các bạn trẻ cách đặt câu hỏi và cách để thể hiện các hoài nghi của mình với các kiến thức học được. Hãy để giới trẻ hoài nghi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG