Mở chi nhánh ĐH Việt Nam ở nước ngoài?

Các đại biểu về dự hội nghị
Các đại biểu về dự hội nghị
TP - Ngày 28-9 tại TPHCM, trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 2, vấn đề giữ gìn bản sắc của người Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa đã được nhiều đại biểu tâm huyết đề cập trong hội nghị chuyên đề: “Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc – Động lực đoàn kết cộng đồng gắn bó với đất nước”.

> Xây chính sách Trí tuệ hải ngoại

Tôi là người Việt…

Hiện người Việt trên toàn thế giới ước khoảng 4,5 triệu người. Người ta thường nghe những người trong nước và ở nước ngoài lo lắng rằng “Đến thế hệ thứ hai, thứ ba ở nước ngoài, những hậu duệ người Việt sẽ còn bao nhiêu phần trăm là dân Việt”. Câu chuyện này liên quan chặt chẽ đến việc bảo tồn bản sắc của người Việt ở nước ngoài.

Ông Hồ Văn Minh, Việt kiều ở tỉnh Savanakhet, Lào cho biết: “Phần lớn người Việt ở Lào đều tham gia sinh hoạt theo phong tục tập quán của người Lào”.

Ông Minh nói ở tỉnh của ông có 2 trường dạy tiếng Việt, nhưng đều dừng lại ở cấp 1. Khi lên cấp 2, các cháu vào học trường của người Lào và khi tốt nghiệp cấp hai thì 60% vốn liếng tiếng Việt lúc bé mà cộng đồng cất công tạo dựng đã mai một.

Về không gian văn hóa, ông Hoàng Đức Hà, Việt kiều tỉnh Kămpôt ở Cămpuchia nói: “Theo tôi được biết, trước đây có 40 ngôi chùa Việt, nhưng giờ thì không còn cơ sở nào nữa”.

Trò chuyện với báo Tiền Phong, anh Ninh Thông, Việt kiều Thái Lan cũng kể: “Trước kia chùa người Việt ở Thái rất nhiều, nhưng hiện các chùa người Việt đã bị các sư của Trung Quốc vào nắm hết quyền chủ trì. Chỉ riêng tại thủ đô Bangkok vốn có hơn chục chùa Việt, nhưng giờ cũng đều do người Trung Quốc nắm giữ”.

Hệ thống truyền thông báo chí để kết nối cộng đồng cũng đang rất hạn chế. Một lãnh đạo của Tập đoàn truyền thông VTC cho biết: “Chẳng hạn ở Trung Quốc quy định chỉ khách sạn 4 sao trở lên mới cho chiếu truyền hình nước ngoài”.

Chị Kim Nguyệt, Việt kiều Canada thì nói: “Không thể đem sách đến từng nhà được, phải cần hệ thống thư viện. Chúng tôi đã liên kết được với 25 thư viện đồng ý cho đưa sách Việt Nam vào phục vụ. Nhưng lại nảy sinh vấn đề là sách ở đâu ra? Thậm chí có thư viện Canada đã đặt mua 4.000 cuốn sách tiếng Việt nhưng không có sách”.

Vấn đề phát triển điện ảnh cũng gặp khó khăn tương tự.

… Cần sự “yểm trợ” từ trong nước

Ông Hồ Văn Minh, Việt kiều ở Lào nói: “Chúng tôi đã xin được đất xây trường cấp hai cho các cháu, nhưng không đủ tiền xây trường. Nếu có tiền nhà nước ta hỗ trợ sang thì trường sẽ được xây sớm”.

Ông cũng hi vọng sẽ có được giáo viên gửi sang từ Việt Nam, bởi thầy giáo hiện đang dạy bên đó đã hơn 60 tuổi và hàng ngày phải đi 20 cây số để đến trường.

Việc phát triển báo chí người Việt cũng không hề đơn giản. Ông Nguyễn Phương Hùng, người chủ trương một tờ báo rất đông bạn đọc ở Mỹ nói: “Chúng tôi không đủ tài chính làm báo giấy mà chỉ dám làm báo điện tử. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam”.

Ông cho biết hiện tờ báo của ông tồn tại được một phần nhờ quảng cáo của hãng tắc xi Mai Linh trong nước.

“Họ thường xuyên nhờ báo chúng tôi tư vấn xem về Việt Nam thì ở đâu, đi đâu”, ông Hùng nói và còn cho biết rằng nhu cầu thông tin với 4,5 triệu Việt kiều hiện khá lớn và các doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm tới lượng khách hàng này.

Chị Phạm Thị Kim Anh, giám đốc một trung tâm văn hóa ASEAN tại Đức cho rằng nhà nước cần chủ động hơn nữa trong việc tạo ra môi trường văn hóa cho người Việt ở các nước quy tụ, sinh hoạt, làm ăn và có điều kiện để đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

Chị đặt ra câu hỏi: “Tại sao các nước đặt các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam mà Bộ GD-ĐT chúng ta không mở các chi nhánh trung tâm đào tạo của các trường đại học, các viện… tại các nước để giúp con em mình được học tập?”.

Chị Kim Anh nói rằng sẽ chẳng có gì đẹp hơn nếu chính ngay ở nước Đức mà chị sinh sống lại có những trường, viện, trung tâm văn hóa của Việt Nam dành cho người Việt và những người nghiên cứu Việt Nam tới học tập, thay vì họ phải sang tận Việt Nam để nghiên cứu học tập.

Các đại biểu Việt kiều của Lào cũng có ý kiến tương tự: Vì sao không có trường dạy văn hóa, dạy tiếng Việt ngay tại Lào để hỗ trợ cho các sinh viên Lào trước khi họ sang Việt Nam tu nghiệp?

Chị Kim Nguyệt (Canada) cũng tiết lộ rằng sở dĩ các thư viện sẵn sàng mở cửa cho sách Việt Nam vào là vì nhu cầu tìm hiểu về châu Á ngày càng lớn. “Để học tiếng Nhật và tiếng Trung cần thời gian hàng chục năm, trong khi học tiếng Việt thì chỉ vài năm.

Qua tiếng Việt, người các nước có thể đọc được rất nhiều sách châu Á như sách về Khổng Tử, Lão Tử, Kinh Phật…

Đó chính là lý do mà khi mở 20 lớp dạy tiếng Việt ở Canada chúng tôi tiếp nhận rất nhiều học sinh không phải là người Việt đến xin học tập và nhu cầu sách tiếng Việt tại các thư viện ngày càng lớn”.

Đây mới là lần thứ 2 tổ chức Hội nghị người Việt ở nước ngoài. Nhưng những tâm tư nguyện vọng và sáng kiến đóng góp của bà con Việt kiều đã cho thấy nhu cầu và tiềm năng kết nối kinh tế văn hóa và giáo dục với trong nước đặt ra cấp bách như thế nào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.