> Phụ huynh đồng ý để con bị đánh?
Lăng Thị Thu Hiền: “Thầy đánh cháu vào mông vì bị 2 điểm toán” Ảnh: PV Các hành vi xâm phạm quyền trẻ em. |
Thương cho roi cho vọt
Đoạn clip ngắn ghi lại cảnh thầy đánh trò bằng roi ở một trung tâm gia sư cho học sinh cấp 2 được cho là ở Thái Nguyên. Một thầy trẻ, mặc áo phông, đứng trên bục giảng, bắt học trò nằm lên bàn cầm roi đánh vào mông trước sự chứng kiến của cả lớp.
Clip này được tung lên Youtube cùng những dòng kêu gọi cộng đồng mạng ném đá hành động của người thầy. Người tung clip cho rằng, hành động đó là dã man, là quỷ dữ… Sau đó một số báo mạng vào cuộc và sự kiện nóng lên.
Thứ bảy, ngày 21-7, chúng tôi đến Thái Nguyên. Trung tâm gia sư nơi diễn ra cảnh thầy đánh trò nằm ở ngõ 300 đường Cách Mạng Tháng 8, TP Thái Nguyên, do ông Phạm Minh Tuấn làm giám đốc.
Trung tâm này hoạt động đã 5 năm, nghe đồn là uy tín bậc nhất tỉnh, luôn có khoảng 400 học sinh theo học.
Chúng tôi liên hệ gặp ông Phạm Minh Tuấn tại trung tâm. Có khá nhiều phụ huynh có mặt ở đây, một số phóng viên các báo địa phương và trung ương cũng đang đợi ông Tuấn để phỏng vấn. Trung tâm tạm dừng hoạt động sau khi clip tung lên mạng.
Khá nhiều phụ huynh khi thấy phóng viên có mặt đã đến trung tâm để gặp gỡ. Tại đây chúng tôi bị bất ngờ khi ý kiến phụ huynh không như chúng tôi nghĩ là sẽ bức xúc, phản ứng người thầy trong clip.
Ông Phạm Minh Tuấn. |
Một nữ phụ huynh trẻ tuổi có con học ở đây, sốt sắng cướp lời mọi người: “Tôi đề nghị các anh cho mở lại trung tâm. Không có trung tâm này con chúng tôi không biết học ở đâu. Chuyện bị đánh nếu học dốt, điểm kém, lêu lổng là có sự thỏa thuận giữa chúng tôi và các thầy. Các anh nghĩ mà xem, con mình mình yêu thương nó thế, nó hư mình cũng đánh đít. Trẻ con ăn vài roi vào mông có sao đâu. Tôi còn đề nghị các thầy, nếu cháu hư các thầy cứ đánh, đánh mạnh vào, đánh thì mới nên người được”.
Một người đàn ông mặt nhăn nhó: “Các anh đi điều tra mà xem, chúng nó nghiện đầy kia kìa. Thằng con tôi, nó nghịch khủng khiếp, học kém, nhưng khi vào trung tâm lại ngoan, học tốt lên. Nếu cái gì cũng nhẹ nhàng, chiều theo ý nó, giờ chắc nó nghiện rồi. Các thầy ở đây dạy tốt, nghiêm khắc”.
Một chị đang công tác tại Sở LĐTBXH Thái Nguyên: “Tôi làm ở cơ quan bảo vệ trẻ em, tôi hiểu trẻ em phải được bảo vệ thế nào. Thầy đánh mấy roi, đánh không phải để làm nhục, mà đánh để yêu cầu tiến bộ thì có gì quá đâu. Tôi chỉ không đồng ý khi thầy đánh để hành hạ, đánh để làm nhục các cháu…”.
Một anh to béo, người xăm trổ, nói năng nhỏ nhẹ: “Không khuyến khích dạy các cháu bằng đòn roi. Thế là sai. Nhưng các anh nghĩ mà xem, các cháu nghịch quá, học kém quá vào đây để thầy rèn giũa, để học khá lên theo cho kịp bạn bè cùng lớp, không nghiêm khắc, cứ nhẹ nhàng chúng nó còn lâu mới chịu học. Cũng nên xét việc này ở nhiều góc độ, chứ chẻ hoe ra sai - đúng thì cũng khó”. (Do yêu cầu của các phụ huynh chúng tôi không đưa tên tuổi của họ).
Chúng tôi đến nhà em Lăng Thị Thu Hiền, nữ sinh bị thầy đánh trong clip ở tại tổ 5, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên - khi em đang chơi với bạn đầu ngõ. Hai mẹ con cùng ngồi nói chuyện với phóng viên rất vui vẻ. Khi được hỏi: “Chị có biết trên mạng internet có clip thầy đánh trò, trong đó có con gái chị không?”.
Mẹ em Hiền, chị Nguyễn Thị Thúy Hoàn cười “nhà em có internet đâu”. Chị cho biết, Hiền học toán kém nên gửi vào trung tâm gia sư thầy Tuấn học, mỗi buổi 30.000 ngàn đồng. Hôm bị đánh, cháu về nhà có nói “mẹ ơi hôm nay con bị 2 điểm thầy đánh 2 roi vào mông”.
Chị cho biết thêm: “Buổi chiều thầy giáo gặp tôi cũng nói: “Cháu nó học kém nên em đánh nó mấy roi”. Chúng tôi hỏi Hiền: “Cháu bị đánh có đau không?”. Hiền trả lời: “Không. Hôm đó cháu bị 2 điểm”.
Hiền muốn được trở lại học tiếp tại trung tâm. Chị Hoàn nói: “Chuyện có gì đâu các anh, cháu nó không ngoan thì thầy phạt thôi mà”. Hiền vẫn hồn nhiên, vui tươi, không ảnh hưởng gì tâm lý và không khí ở ngôi nhà này không nóng như trên thế giới ảo.
Chúng tôi gặp ông Phạm Minh Tuấn tại trung tâm. Ông gầy đen, xơ xác, chân bị gãy bởi một tai nạn phải chống nạng. Ông bảo cuộc sống và công việc bị đảo lộn, mệt mỏi khi có ngày tiếp chục nhà báo.
Ông nói: “Thầy đánh trò là sai rồi. Chúng tôi đã tạm dừng hoạt động. Tôi đang viết báo cáo gửi phòng giáo dục. Người thầy đánh trò trong clip tôi cũng đã cho nghỉ việc. Chỉ muốn nói thêm là đánh không phải vì ghét, vì sỉ nhục học trò mà chỉ muốn các cháu tiến bộ. Cái kiểu thương cho roi cho vọt như cách nghĩ xưa nên mới như thế”.
Bất ngờ một cuộc “hội thảo”
Phụ huynh và học sinh từng học ở trung tâm này “hội thảo” nhỏ với phóng viên. |
Tình cờ, thú vị khi buổi làm việc với phóng viên có nhiều phụ huynh, học sinh đã và đang học ở trung tâm này.
Chúng tôi gần như có một cuộc “hội thảo” nhỏ, chủ đề: Dạy con, dạy trò bằng đòn roi - nên hay không? Khá bất ngờ khi một số phụ huynh cho rằng, là cha mẹ thì được đánh con, dạy con thế nào là việc của họ, họ có quyền tuyệt đối, không ai được xen vào. Họ cho phép thầy đánh thì thầy đánh không có vấn đề gì, miễn là con họ tiến bộ.
Khi chúng tôi đặt vấn đề: Có khi nào các phụ huynh đặt mình vào vị trí các em để thấy gánh nặng học hành, để thấy mỗi lần bị đánh trước đám đông cũng xấu hổ, ấm ức như thế nào? Cha mẹ cứ bắt các con theo thế này, theo thế kia, chứ ít hỏi tâm tư nguyện vọng các em.
Hôm nay ngồi đây chúng ta cũng phát biểu quan điểm của ta, của người lớn, chứ đâu có phát biểu dựa trên những thông tin, hiểu biết và cảm thông với các em?
Nhiều phụ huynh cho rằng cái gì cũng có hoàn cảnh của nó, đôi khi đánh chưa chắc đã phải là không thương và nhẹ nhàng chưa chắc đã là thương. Vấn đề là đánh thế nào, ở mức nào; nhẹ nhàng cũng thế nào cho đúng cách… Và cuối cùng là cách nào khiến con nên người, mới là quan trọng.
Sau khi đặt mình vào vị trí của con em, các phụ huynh có vẻ cảm thông hơn việc bị đánh giữa lớp ở lứa tuổi dậy thì và cho rằng, thầy đánh trò là sai; bố mẹ chấp nhận cho thầy đánh con cũng là sai.
Dù gì vẫn phải thượng tôn pháp luật, phải hành xử đúng luật và thấu hiểu các con hơn. Có nhiều cách nghiêm khắc giúp các em ngoan, học giỏi, chứ không nhất định phải đánh đòn các con mới ngoan.
Vấn đề của một trung tâm là tìm ra sáng kiến đúng luật, hợp tình để biến các em hư thành ngoan mà không cần đến đe dọa, đòn roi. Các phụ huynh có mặt hôm đó đồng ý là nếu trung tâm này hoạt động trở lại, phải bỏ cách phạt roi.
Các phụ huynh đề nghị: “Trung tâm gia sư thầy Tuấn dạy rất tốt, cái nào sai thì sửa. Chúng tôi tha thiết muốn trung tâm mở cửa trở lại”.
Trao đổi với người có trách nhiệm ở Thái Nguyên đều có chung ý kiến là đã biết chuyện, đang đề nghị ông Tuấn giải trình và cho rằng: “Đánh trò là sai, kể cả được bố mẹ các em chấp nhận”.
Ưng xử với con trẻ thường nhạy cảm. Lứa tuổi dễ tổn thương và được pháp luật bảo hộ nghiêm ngặt đòi hỏi bố mẹ, thầy cô cũng phải tìm hiểu pháp luật, học cách ứng xử, tránh chuyện đáng tiếc như xảy ra trong clip.
Biết là yêu, là muốn con, muốn học trò tiến bộ, nhưng yêu không đúng cách đôi khi cũng có tội. Vụ clip thầy đánh trò quan trọng là người trong cuộc nhận ra lỗi. Đó là gốc của vấn đề. Chuyện vì vậy nên cũng chẳng có gì mà ầm ĩ.
Các hành vi xâm phạm quyền trẻ em 1. Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn, uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm. 2. Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. 3. Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần. 4. Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác để chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người giám hộ. 5. Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần. 6. Mua, bán trẻ em dưới mọi hình thức. 7. Đánh tráo trẻ em vì bất cứ mục đích gì. 8. Xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em dưới mọi hình thức làm cho trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ. 9. Xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự của người khác. (Lược trích Điều 8, Chương 2, Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Chính phủ) |