>Chuẩn bị ôn thi từ… đầu năm học
>Chạy đua đến kỳ thi tốt nghiệp
Học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng được dùng máy tính nối mạng internet miễn phí Ảnh: Nguyễn Huy. |
Đó là những giải pháp đang được áp dụng tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây, Quảng Ngãi). Năm 2007, trường này có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp nổi tiếng - 100%... trượt.
Tăng tốc
Hơn nửa tháng sau khi Bộ GD&ĐT công bố danh sách 6 môn thi tốt nghiệp THPT 2012 (Toán, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ - nơi không đủ điều kiện thi môn ngoại ngữ, thay bằng Vật lý), Trường THPT Đinh Tiên Hoàng tăng tốc với hàng loạt biện pháp hỗ trợ học sinh cuối khóa ôn luyện vượt vũ môn.
Theo Hiệu trưởng Bùi Thế Giới, nhiều tuần nay, 6 môn thi tốt nghiệp được trường quyết định tăng lên thành 8 tiết/ môn/ tuần, tăng gấp 2-3 lần so với chương trình bình thường.
Ngay từ đầu năm học 2011- 2012, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, trường tổ chức phân loại học lực học sinh lớp 12. Riêng các em học lực yếu, trung bình được trường tổ chức các lớp phụ đạo những môn cơ bản: Văn, Toán, Hóa… Trung bình mỗi tuần có 2 tiết phụ đạo và 1 tiết tự chọn. Hơn tuần nay, trường tổ chức thêm các lớp phụ đạo buổi tối dành riêng cho các em cuối khóa.
Khu nội trú được ưu tiên cho hơn 40/60 học sinh lớp 12 đăng ký ở nội trú. Còn lại do gần trường, các em xin về gia đình để tiện sinh hoạt.
Cô Phạm Thị Nhung, giáo viên Toán chủ nhiệm lớp 12/1, nói: Thầy cô đến tiết chia nhau xuống gõ đầu giường vận động các em ở khu nội trú đến lớp. Với các em ở nhà dân, trường cử cán bộ xuống vận động. Ban đầu, nhiều em ngại đến lớp ôn thi, nhưng do thầy cô kiên trì thuyết phục, tỷ lệ đến các lớp buổi tối luyện thi tăng đáng kể.
Em Đinh Văn Văn (lớp 12/1) nói: “Bình thường, bọn em chỉ dậy trước khi có giờ đến lớp. Từ ngày có các môn thi tốt nghiệp, bọn em được trường gõ kẻng dạy từ 5 giờ 30 mỗi sáng để ôn bài. Kỳ thi tốt nghiệp này có nhiều môn học thuộc bài như Văn, Sử, Địa nên đầu tư nhiều thời gian học bài”.
Bên cạnh việc tăng tiết, trường vận động tổ chức tài trợ kết nối internet miễn phí với gần chục máy vi tính, giúp học sinh tra cứu thông tin ôn thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH và tự ôn tập theo các bài giảng trên mạng. Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cử các chuyên gia, cán bộ xuống từng điểm trường trên địa bàn miền núi, như trường Đinh Tiên Hoàng tập huấn cho giáo viên ôn thi tốt nghiệp về phương pháp giảng dạy, ôn thi…
Còn những nỗi lo
Năm học 2011-2012, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có 60 học sinh lớp 12, tăng gần chục em so với các kỳ thi trước (không tính thí sinh tự do).
Thầy Giới nói: Các môn thi tốt nghiệp năm nay chiếm nửa là môn học thuộc bài nên thuận lợi cho các em ôn luyện, do học sinh miền núi thường học các môn thuộc bài tốt hơn môn tính toán. Tuy nhiên, mặt bằng kiến thức của các em còn quá thấp. Kết thúc học kỳ 1 vừa qua, lớp 12 không có học sinh nào xếp loại giỏi; học lực khá chỉ có 6 em (10%), còn lại phổ biến là học lực trung bình và yếu.
“Thuyết phục các em đến lớp, trường phải đến từng nhà để vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con em có thời gian ôn thi tốt nghiệp. Những năm trước, nhiều em còn lên rẫy ngay trước ngày thi”, thầy Giới nói.
Theo cô Nhung, phương thức ôn luyện theo kiểu mưa dầm thấm lâu là chính. Thầy cô tập trung vào lý thuyết cơ bản để giảng dạy rồi ra các bài tập cho học sinh. Các tiết phụ đạo, tăng cường chia theo từng chủ đề để học sinh dễ ôn luyện.
Những năm trước, trường Đinh Tiên Hoàng phải ra các hình thức treo thưởng cho học sinh đỗ tốt nghiệp, như: tặng tiền, gạo... Nhưng hai năm nay do điều kiện khó khăn, trường bỏ việc hỗ trợ, khuyến khích này.
Thầy Giới cho hay: Các em nội trú hiện chỉ được hỗ trợ theo quy định diện học sinh vùng sâu vùng xa 70.000 đồng/em/tháng. Phần lớn phụ huynh nghèo nên không có điều kiện chu cấp nhiều cho các em ôn học. Tăng cường học thêm, cái khó là sức khỏe học sinh nhiều khi không đảm bảo.
Sau kết quả 0% học sinh đỗ tốt nghiệp (năm 2007), năm sau trường Đinh Tiên Hoàng đạt tốt nghiệp 10,49%. Năm 2009, con số này tăng lên 29%. Năm 2010-2011, tỷ lệ tốt nghiệp của trường tăng lên trên 90%. Đến nay, trường có 2 học sinh thi đỗ ĐH An ninh (TPHCM) và ĐH Văn hóa Hà Nội. |