Lớp học thầy Trai

Lớp học thầy Trai
Mười chín năm kể từ lớp học khi do một thầy giáo tật nguyền lập ra, hơn 500 người trong xã đã được xóa mù. Học trò của thầy có nhiều em đang theo học ở các trường ĐH lớn ở Huế.
Lớp học thầy Trai ảnh 1
Thầy Trai đang hướng dẫn học sinh tập viết. Ảnh: Quang Tám

Anh Dần khoe: “Lớp học của làng tui đó, anh thấy đơn sơ rứa chứ có rất nhiều con em trong xã đã trưởng thành từ đây, nhờ công của thầy Trai cả, chính  tui cũng học được cái chữ từ thầy truyền đạt chứ mô…”.

Trước mặt tôi là lớp học với hơn 30 em từ năm đến mười tuổi, đang say sưa nghe giảng. Thầy Trai đang lê từng bước đến từng em học sinh. Đây là lớp học của những trẻ em nghèo do một thầy giáo tật nguyền lập ra.

Ngôi nhà hai gian vẫn còn mùi thơm vôi vữa của thầy Nguyễn Trai ở thôn Thanh Lam- xã Phú Đa- huyện Phú Vang-TT Huế được một tổ chức từ thiện xã hội ở TPHCM xây tặng. Lúc này mặt trời gần đứng bóng nhưng cả lớp vẫn say sưa đánh vần từng chữ theo thầy giáo.

Thời thơ ấu cậu bé Trai phải thức khuya dậy sớm đi mò cua, bắt ốc để giúp bố mẹ sống qua ngày nhưng vẫn quyết tâm học hành. Nhưng bất hạnh cho anh, khi vừa học đến lớp 9 thì đôi chân anh bị đau, ban đầu mọi người cứ nghĩ do đi bộ nhiều, nhưng càng ngày chúng càng teo tóp, đau nhức nhối không thể cử động được nữa.

Sau khi đi chữa trị hết nơi này đến nơi khác, từ Đông y sang Tây y, thuốc bắc đến thuốc nam, từ tiêm thuốc sang châm cứu mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm, anh đành phải chấp nhận với số phận của mình. Thầy Trai kể lại: “Lúc đó tôi muốn mình chết đi cho rồi…”.

Nhưng một thời gian sau, chàng thanh niên Trai đã lạc quan hơn. Anh quyết định nhờ bố mình làm cho đôi nạng tre để tự tập đi ngoài sân. Những ngày đầu ngã rồi đứng dậy, đau đớn bao nhiêu thầy càng cố gắng bấy nhiêu, hai tháng sau anh đã có thể rời đôi nạng tre đó để tự  đứng trên đôi chân của mình.

Sau khi đi lại được trên đôi chân của mình, anh tự nhủ “sống làm sao để có ích cho xã hội”, nghĩ vậy anh nhờ gia đình và bạn bè tìm mượn các loại sách giáo khoa của cấp ba để tự học, nghiên cứu.

Cách đây khoảng 20 năm, xã Phú Đa rất nghèo, trình độ dân trí rất thấp, trẻ em mù chữ trong làng chiếm phần lớn. Được sự động viên, giúp đỡ của mọi người anh quyết định mở lớp “bình dân học vụ” để xoá mù cho trẻ em trong làng nghèo này.

Ngày đó, lớp học chỉ có 36 người đủ mọi lứa tuổi, chủ yếu là con nhà nghèo, học trong ngôi nhà tranh tạm bợ của gia đình, cơ sở vật chất xin lại của trường tiểu học Phú Đa.

Thầy Trai tâm sự: “Nhìn mấy em tay chân lấm lem, áo quần xộc xệch ngồi học trong nhà, lúc mưa bị ướt hết sách vở mà không cầm nổi nước mắt”. Cũng từ đây anh được mọi người trong làng gọi hai tiếng “Thầy Trai”.

Học trò của thầy một buổi đến lớp, một buổi về nhà chăn trâu, mò cua bắt ốc giúp bố mẹ để có thêm thu nhập, biết thế nên thầy không bắt buộc gia đình phải trả học phí.

Các phụ huynh thấy thầy bị tật, sống dựa vào cha mẹ nên vào mùa thì họ tự nguyện đem tới cho thầy vài ba cân gạo, củ khoai, củ sắn, ai không có gạo thì họ trả công bằng việc  đi cấy, làm cỏ cho ba sào ruộng khoán nhà thầy...

Học trò nghèo cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nên nhiều em học nửa chừng đã bỏ học. Thầy nhờ người chở mình tới tận nhà để động viên, lôi kéo các em trở lại lớp. 

Hai năm sau, thấy thầy Trai mở lớp dạy chữ cho các em có hiệu quả, trường tiểu học xã Phú Đa cho phép thầy mở lớp học xóa mù chữ coi như là cơ sở 2 của trường. Từ đó các gia đình cho con em mình đến học đông hơn, có lúc không đủ bàn ghế ngồi.

Ban ngày thầy mở lớp  dạy chữ cho các em nhỏ, ban đêm thầy mở một lớp riêng để dạy xóa mù cho những người lớn vì ban ngày họ không có thời gian tới học.

Mười chín năm kể từ khi lớp học này ra đời, thầy đã dẫn dắt, xóa mù cho hơn 500 người trong xã. Nhiều em có ý chí, nghị lực và có điều kiện học tiếp thầy đã giới thiệu lên các trường cao hơn để học tiếp.

Hiện nay học trò của thầy có nhiều em đang theo học ở các trường đại học Y khoa, Nông lâm ở Huế. Ai cũng nhớ mảnh đất nghèo này, ở đó họ đã có một người thầy đầu tiên, một tấm gương để cho họ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

MỚI - NÓNG