> Chủ tịch Đà Nẵng lắc đầu với cátsê 6.000 USD của Mỹ Tâm
> Công ty Sơn Lâm: Chúng tôi không tự 'hét' giá catsê Mỹ Tâm 6000 USD
Trả lời về nghi vấn khai man tổng thu nhập cá nhân, các ca sĩ cho rằng tất cả show diễn đều có hợp đồng rõ ràng nên không thể "trốn thuế". Ca sĩ Mạnh Cường cho rằng dư luận cần có cái nhìn công bằng hơn về mức thu nhập của giới nghệ sĩ. Bởi theo anh, để đứng trên sân khấu 5 phút biểu diễn và nhận khoản cát-xê được cho là cao thì người ca sĩ đó đã phải bỏ ra rất nhiều thứ chi phí như công sức luyện thanh, vũ đạo, hình thể, trang phục, make-up, trợ lý, công ty quản lý... Chưa kể khi biểu diễn ở xa phải tốn kém rất nhiều tiền cho phương tiện đi lại, ăn ở... Ca sĩ càng nổi tiếng thì chi phí bỏ ra này càng cao, do đó thu nhập mà họ thực nhận không còn bao nhiêu.
"Ngoài ra, để có một cát-xê cao, người ca sĩ đó phải có một thương hiệu xứng tầm, mà cái này thì không phải ai cũng làm được", anh nói.
Một sao khá nổi tiếng thuộc ca sĩ hạng A chia sẻ, cách đây 5 năm khi cô chưa thành lập công ty thì tiền thu nhập thực tế bao nhiêu cô đều kê khai đầy đủ để thực hiện trách nhiệm đóng thuế. Hàng năm cô đều ủy quyền cho trợ lý đi đóng và quyết toán thuế cho Nhà nước với số tiền khoảng 200-300 triệu đồng. Thời gian đó, cô cũng luôn nằm trong danh sách cá nhân đóng thuế tiêu biểu. "Rất khó có chuyện trốn thuế vì hợp đồng biểu diễn đều có cả", cô tâm sự.
Từ năm 2008 trở lại đây, cô thành lập công ty riêng nên phần tiền cát-xê được tính vào doanh thu của công ty. Do đó, công ty có trách nhiệm đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, còn những khoản thu nhập nào cô được hưởng thì sẽ đóng thuế thu nhập cá nhân. Bình quân mỗi năm gần đây thuế thu nhập cá nhân của cô dao động vài chục triệu đồng.
Câu chuyện cát-xê "khủng" gần đây của giới sao một lần nữa khiến dư luận quan tâm tới câu chuyện thu nhập của nghệ sĩ. . |
Lý giải thêm về số tiền nộp thuế thu nhập cá nhân vài chục triệu vẫn là khiêm tốn so với một ca sĩ hạng A, một thành viên trong công ty của ca sĩ này cho biết, trong chính sách thuế có tính đến khoản giảm trừ khi ca sĩ đi làm từ thiện. Theo bà, mỗi năm ca sĩ này đi làm từ thiện rất nhiều, với số tiền lên đến vài trăm triệu đồng. "Một số nơi được cô làm từ thiện họ gửi giấy xác nhận tới thì tất cả các khoản tiền đó sẽ được kê khai để giảm trừ thuế thu nhập cá nhân. Nhờ đó, số thuế hàng năm mà siêu sao này đóng đã giảm", bà cho biết.
Trên thực tế, không ít ca sĩ hiểu chưa đúng về thuế thu nhập cá nhân phải nộp. Biểu thuế lũy tiến hiện hành khởi điểm là 5% và cao nhất tới 35% nếu thu nhập theo tháng vượt 80 triệu đồng. Nhiều ca sĩ khác thì giải thích rằng vì thuế thu nhập các show diễn của họ phần lớn do nhà tổ chức đóng theo thỏa thuận. "Trong tất cả các hợp đồng phim cũng như hợp đồng tham gia show diễn ca nhạc thì hãng phim hoặc nhà tổ chức đã có trách nhiệm đóng 10% thuế cho Nhà nước", ca sĩ Phi Thanh Vân nói.
Theo Phi Thanh Vân, nếu tính ra, mỗi hợp đồng biểu diễn ca nhạc, hay đóng phim đều trích ra đóng 10% thuế thì con số cả năm mà một người nghệ sĩ phải đóng là khá lớn chứ không phải nhỏ.
Khi trao đổi, nhiều ca sĩ cũng cho rằng thuế thu nhập các show diễn của họ phần lớn do nhà tổ chức đóng theo thỏa thuận 10% nên họ không khai nữa. "Tất cả các show diễn của mình đều được đơn vị tổ chức đóng thuế theo thỏa thuận trong hợp đồng 10%. Do đó, mình đâu phải kê khai đóng thuế gì nữa", một ca sĩ nói.
Chính sự nhầm lẫn này mà một số ca sĩ nhiều năm liền không có trong danh sách nộp thuế thu nhập cá nhân. Bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết, việc nhiều đơn vị tổ chức đồng ý trả tiền thuế 10% cho nghệ sĩ nhưng phần này chỉ là tạm thu. Trong năm, nghệ sĩ nhận tiền cát-xê ở nhiều điểm khác nhau, thực hiện quyết toán thuế vào cuối năm mới làm rõ đóng thừa hay thiếu. Những nghệ sĩ có thu nhập cao có khả năng sẽ chịu thuế suất cao hơn mức 10% (thuế suất theo biểu thuế lũy tiến từ 5% - 35%) nên phải đóng thêm tiền. Nếu nộp thừa sẽ được hoàn lại.
Do đó, bà Hương cho rằng, các nghệ sĩ nên lấy hóa đơn chứng từ nếu đơn vị chi trả thu nhập đóng thay phần thuế 10% để thực hiện quyết toán sau này. Trong trường hợp nghệ sĩ thành lập công ty và công ty này ký hợp đồng với đơn vị tổ chức, phần tiền cát-xê thay vì trả cho ca sĩ sẽ được tính vào doanh thu của công ty. Công ty có trách nhiệm đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác.
Thu nhập mà nghệ sĩ nhận từ công ty thể hiện là tiền lương, tiền công. Nói chung, dù có thu nhập ở một hay hai nơi trở lên, nghệ sĩ cũng phải tổng hợp thu nhập có được trong năm và thực hiện quyết toán thuế hay ủy quyền cho người khác thực hiện quyết toán thuế”, bà Hương nói.
Một lãnh đạo Cục thuế TP HCM cũng cho biết thêm, hiện nay thuế thu nhập cá nhân chủ yếu vẫn trên tinh thần khuyến khích giới nghệ sĩ tự giác kê khai thu nhập để thực hiện nghĩa vụ. Ông thừa nhận cơ quan thuế khó quản lý được việc ca sĩ nào đó khai man thu nhập, do Việt Nam vẫn sử dụng hệ thống thanh toán bằng tiền mặt.
Vì vậy nếu ca sĩ có trốn thuế, khai man (không ký hợp đồng biểu diễn mà chỉ thỏa thuận miệng và trao tiền qua tay) thì cũng không có cách nào quản lý. Ngoài ra, việc quyết toán thuế hằng năm cũng rất khó bởi Cục Thuế không thể có đủ người theo dõi hết tất cả các nghệ sĩ.
"Tuy nhiên, khi cơ quan thuế phát hiện một số điểm bất hợp lý chẳng hạn như ca sĩ này nổi tiếng hơn ca sĩ kia nhưng có mức thu nhập thấp hơn thì cơ quan thuế phải kiểm tra. Khi cơ quan thuế phát hiện có khai man thì sẽ xử lý nặng và hình thức cao nhất là chuyển hồ sơ cho cơ quan công an", ông nói.
Theo VNE