Hàng vạn hộ dân ngoài đê sẽ được xây nhà

Hàng vạn hộ dân ngoài đê sẽ được xây nhà
TP - Chiều 3/12, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết quy hoạch đê điều trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

> Giá nhà, đất huyện Từ Liêm trước ngày lên quận

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, khẳng định, việc thông qua quy hoạch này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp đến hàng vạn hộ dân khu vực ngoài đê sông Hồng...

Ông Vân nói đã tổ chức 14 hội nghị, trong đó có hai hội nghị quan trọng là lấy ý kiến các chuyên gia và lấy ý kiến các bộ, ngành. Khi xây dựng quy hoạch hệ thống đê điều đã nghiên cứu rất kỹ dự án của Hàn Quốc về thành phố hai bên sông của Hà Nội, trong đó tính kỹ về hành lang thoát lũ của Hà Nội.

Điểm mới nhất của bản quy hoạch đê điều thông qua lần này chính là xây dựng hệ thống đê bối cách đê cũ một khoảng không gian nhất định tùy theo các tuyến đê. Khi hệ thống đê bối được xây dựng thì những người dân sống ngoài đê sẽ nằm trong đê bối. Cùng với đó Hà Nội sẽ đề xuất với Bộ NN&PTNT tiến hành xây dựng hệ thống đường giao thông cho nhân dân không ảnh hưởng đến hệ thống hành lang thoát lũ của miền Bắc.

Thưa ông, sau khi được HĐND TP thông qua thì việc triển khai thực hiện tiếp theo bản quy hoạch này như thế nào?

Ông Hoàng Thanh Vân
Ông Hoàng Thanh Vân.
 

 “Quy hoạch sẽ giải quyết được những vấn đề nóng bỏng hiện nay như vấn đề xây dựng nhà cửa của người dân ở ngoài đê. Cụ thể, người dân hoàn toàn có thể được cấp phép xây dựng theo mật độ quy định vì không ảnh hưởng đến hệ thống đê”  

ông Hoàng Thanh Vân

Theo Luật Đê điều thì quy hoạch do Bộ NN&PTNT phê duyệt. Sau khi được HĐND thông qua phương án, Sở NN&PTNT sẽ hoàn thiện lại trên cơ sở góp ý của các đại biểu, kể cả ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc. Từ đó, chúng tôi sẽ rà soát một lần nữa để báo cáo Bộ NN&PTNT phê duyệt. Tóm lại sau khi được phê duyệt, Hà Nội có thể triển khai thực hiện ngay vì hiện nay các phương án đã có rồi.

Kinh phí thực hiện xây dựng hệ thống đê bối như phương án của quy hoạch là bao nhiêu, thưa ông?

Nếu theo phương án này (xây dựng hệ thống đê bối-PV) thì chỉ hết khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Sẽ xây dựng từng đoạn một, đặc biệt là ưu tiên cho các khu vực trung tâm với 17km nội thành nhằm giải quyết vấn đề dân sinh hiện nay như: công tác quản lý cấp phép xây dựng, hệ thống giao thông...

Liệu từ năm 2014, Hà Nội có thể triển khai bản quy hoạch này?

Nếu được Bộ NN&PTNT duyệt thì ngay đầu năm 2014, chúng tôi sẽ đề xuất các dự án đầu tiên. Đó là dự án nâng cấp các tuyến đê chính nằm trong các khu đô thị trung tâm nhằm giải quyết vấn đề ách tắc giao thông hiện nay. Dự án thứ hai là xây dựng hệ thống đê bối kéo dài từ Đan Phượng xuống đến Thanh Trì, với phương án đoạn nào bức xúc, đông dân cư thì cắt đoạn làm trước.

Đặc biệt với các đoạn có các làng nghề như Bát Tràng, Long Biên, Tây Hồ... Đồng thời sẽ đề xuất công bố luôn quy hoạch chi tiết các dự án xung quanh khu vực nội thành để cho các dự án thành phố được triển khai. Chẳng hạn dự án trên 300 ha ở Long Biên, vì chưa có quy hoạch đê điều nên vẫn chưa được cấp phép. Nếu khi có quy hoạch về hệ thống đê bối thì sẽ được cấp phép cho triển khai thực hiện ngay.

Cảm ơn ông.

Minh Tuấn - Nguyễn Tú

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG