Tháp Doanh nhân bị 'trảm', dân tá hỏa đòi lại tiền

Tháp Doanh nhân sau 3 năm khởi công
Tháp Doanh nhân sau 3 năm khởi công
TPO – Phát hiện Tháp Doanh nhân tại số 1 Thanh Bình (Hà Đông, Hà Nội) bị “trảm” vì không có giấy phép xây dựng, người dân tá hỏa đi đòi lại tiền.

>Tháp Doanh nhân: Hai năm chưa xây trong phần móng!

Tháp Doanh nhân sau 3 năm khởi công
Tháp Doanh nhân sau 3 năm khởi công. Ảnh: Minh Đức

Thu hàng trăm tỷ góp vốn từ việc khởi công không phép

Tổ chức lễ khởi công xây dựng Tháp Doanh nhân vào tháng 1/2010 rầm rộ đã hút được hàng trăm tỷ đồng của người dân, nhưng cho đến nay, công trình này vẫn nằm bất động vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa có giấy phép xây dựng. Tháp Doanh nhân được xác định thuộc Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu Tây Đô (Công ty Tây Đô) thuộc Công ty CP Tập đoàn Anh Quân Strong số 1 Thanh Bình (Hà Đông).

Sau khi sự việc vỡ lở, nhà đầu tư, người dân đã đến tìm gặp lãnh đạo Công ty Tây Đô để giải quyết các điều khoản trong hợp đồng góp vốn. Tuy nhiên, đã nhiều lần làm việc, nhưng nhà đầu tư, người dân đều không được Công ty Tây Đô giải quyết thỏa đáng, hoặc giải thích vòng vo khiến người dân rất bức xúc. Cực chẳng đã, người dân đành phải gửi đơn thư tố cáo Công ty Tây Đô tới các cơ quan báo chí về việc làm vi phạm các điều khoản trong hợp đồng góp vốn.

Theo tìm hiểu của phóng viên vào tháng 11/2009, bà T.H và một số người dân khác đã ký hợp đồng góp vốn xây dựng tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh nhân (Dự án Tháp Doanh nhân) với Công ty Tây Đô ( đơn vị làm chủ đầu tư dự án tại số 1 đường Thanh Bình quận Hà Đông).

Theo nội dung hợp đồng, Công ty Tây Đô cam kết với bà H, sau 90 ngày, kể từ ngày hai bên ký hợp đồng, thì Công ty Tây Đô sẽ tổ chức khởi công “theo đúng các quy định của nhà nước”. Và sau 12 tháng Công ty Tây Đô sẽ thi công hoàn thiện phần móng công trình (đến cốt 00).

Tin tưởng vào lời hứa và cam kết của Công ty Tây Đô ghi trong hợp đồng góp vốn, bà H đã đi chạy vạy khắp nơi, từ người thân quen trong gia đình tới ngân hàng và các đối tác với tổng cộng là 32 tỷ đồng để nộp cho Công ty Tây Đô theo đúng nội dung đã ký kết trong hợp đồng. Ngoài ra, các hộ dân khác (không tiện nêu tên) đã ký hợp đồng góp vốn và nộp cho Công ty Tây Đô gần 100 tỷ đồng.

Theo nội dung đã ký kết trong hợp đồng, quy trình góp vốn sẽ được thực hiện làm 4 đợt (trích từ 1 hợp đồng góp vốn có trị giá 16 tỷ đồng). Đợt 1, ngay sau khi ký hợp đồng, Bên B (người dân) sẽ phải chuyển cho bên A (Công ty Tây Đô) 500 triệu đồng, trong vòng 10 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, bên B sẽ phải chuyển tiếp cho bên A 7,5 tỷ đồng. Đợt 2, sau khi bên A xây xong phần móng tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh nhân (dự kiến 12 tháng), , bên B sẽ góp thêm 3,2 tỷ đồng tương đương 20% giá trị vốn góp. Đợt 3, sau khi bên A xây xong phần thô tòa nhà (dự kiến 24 tháng), bên B sẽ góp thêm 3,2 tỷ đồng, tương đương 20% vốn góp. Đợt 4, sau khi bên A hoàn thiện tòa nhà (dự kiến 48 tháng), bên B sẽ phải góp cho bên A 1,6 tỷ, tương đương 10% vốn góp. Sau khi nhận đủ số tiền góp vốn, bên A giao sàn, giấy tờ pháp lý cho bên B.

Hợp đồng là vậy, dự kiến việc thi công phần móng sẽ hoàn thiện vào tháng 3/2011, tuy nhiên cho tới nay Công trình này vẫn nằm yên tại chỗ. Theo quan sát của phóng viên, tại công trình Tháp Doanh nhân số 1 đường Thanh Bình chỉ có duy nhất một chiếc cọc bê tông và một số tấm tôn quây quanh mảnh đất toàn cỏ dại mọc um tùm này.

Chính vì thế bà H và một số nhà đầu tư khác đã nhiều lần tìm gặp chủ tòa Tháp Doanh nhân để thắc mắc, kiến nghị, nhưng không được đơn vị này trả lời rõ ràng dứt khoát. Nhận thấy việc làm của Công ty Tây Đô không thực hiện theo đúng hợp đồng, bà H và một số người dân quyết tâm đòi lại khoản tiền đã đầu tư, nhưng đều bị Công ty Tây Đô khất hết lần này qua lần khác, đưa ra nhiều lý do lòng vòng không thỏa đáng.

Bị 'trảm' vì khởi công không phép

Hình ảnh rầm rộ lễ khởi công

Được biết, ngày 21/11/2011, UBND quận Hà Đông đã có văn bản 2026 chỉ đạo Thanh tra Xây dựng quận Hà Đồng kiểm tra việc triển khai thi công tại dự án Tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh nhân tại phường Mộ Lao, (Hà Đông, Hà Nội) thuộc Công ty TNHH Thương Mại đối ngoại và sản xuất Anh Quân (Tập đoàn Anh Quân). Đến ngày 22/11/2011 Thanh tra Xây dựng (quận Hà Đông) đã có văn bản kiểm tra công trình tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh nhân.

Tới ngày 19/1/2012, UBND quận Hà Đông đã có tờ trình số 11 gửi Chánh Thanh tra (Bộ Xây dựng), đề nghị Bộ Xây dựng ban hành quyết định xử phạt về hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với Công ty Tây Đô (chủ đầu tư) tại dự án “Tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh nhân”. Cụ thể Tờ trình số 11 của UBND quận Hà Đông đề nghị Thanh tra Bộ Xây dựng xử phạt 35 triệu đồng đối với Công ty Tây Đô vì “Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng”.

Tới ngày 3/2, Thanh tra Bộ Xây dựng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 35 triệu đồng đối với Công ty Tây Đô về hành vi “khởi công xây dựng công trình tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh nhân không có giấy phép xây dựng”. Thanh tra Bộ yêu cầu Công ty Tây Đô nghiêm túc chấn chính những sai phạm và thi hành quyết định xử phạt trong thời gian 10 ngày, qua thời hạn trên sẽ bị cưỡng chế theo quy định.

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Trần Đức Học, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Tôi đã cho Thanh tra kiểm tra hồ sơ liên quan đến Tòa nhà Tháp Doanh nhân tại số 1 đường Thanh Bình (Hà Đông), không những không có giấy phép mà chủ dự án (Công ty Tây Đô) còn không xin phép. Hiện tại công trình đó (Tháp Doanh nhân) chỉ có 1 cái cọc bê tông và tường vây thi công. Ở đường Thanh Bình (Hà Đông) không có tòa nhà nào cao trên 50 tầng cả, việc này Thanh tra xây dựng (quận Hà Đông) chủ trì nắm rất rõ và làm từ lâu rồi.

> Khởi công tòa nhà tháp doanh nhân

> 'Điểm danh' 5 đại gia bất động sản nợ thuế

Tại trang web anhquanstrong.com viết: Công trình Tháp Doanh nhân là tổ hợp gồm căn hộ cao cấp, văn phòng, khách sạn và trung tâm thương mại, với tổng số vốn đầu tư là 1.200 tỷ đồng. Tháp Doanh nhân được xây dựng trên tổng diện tích 1370 m2, với tổng diện tích sàn xây dựng là 70 nghìn m2. Khi khánh thành, đây sẽ là Tòa tháp cao nhất Việt Nam với chiều cao là 52 tầng trong đó có 5 tầng hầm và 45 tầng nổi, 02 tầng lửng, với chiều cao tòa nhà là 168 m. Tòa tháp có 270 căn hộ, có diện tích từ 75-95 m2, 100-135 m2, trên 200 m2, đáp ứng nhu cầu nhà ở cao cấp cho khoảng hơn 1.000 người.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
TPO - Hành lý bị thất lạc hay trì hoãn luôn là nỗi lo lắng của nhiều hành khách khi đi máy bay, nhất là trong các dịp cao điểm hoặc khi gặp sự cố ngoài ý muốn như sự cố mất điện toàn cầu vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, du khách có thể giảm thiểu rủi ro và xử lý tình huống khi hành lý của mình gặp vấn đề.