Thu thêm 1.400 tỷ tiền đất tại Ciputra: Kẽ hở lớn trong quản lý

Thu thêm 1.400 tỷ tiền đất tại Ciputra: Kẽ hở lớn trong quản lý
TP - Tiếp tục thông tin về vụ việc thu thêm 1.400 tỷ đồng tiền đất tại khu đô thị Ciputra, chiều 15/4, Tiền Phong trao đổi với ông Lê Hoài Nam, Phó phòng Tài nguyên Môi trường, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất nhà quận Tây Hồ - Hà Nội.

> Nhà nước và người mua nhà đều bị thiệt
> Đề nghị thu thêm 1.400 tỷ đồng tiền sử dụng đất tại Ciputra

Khu biệt thự Ciputra. Anh: ngọc châu
Khu biệt thự Ciputra. Ảnh: ngọc châu.

Ông cho biết: Đối với giai đoạn 1 của khu đô thị Nam Thăng Long, UBND quận Tây Hồ đã cấp đủ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà (sổ đỏ) cho khoảng 340 căn biệt thự. 

Tuy nhiên, với 360 căn hộ thuộc tòa nhà G2, G3 thì gần như mới cấp được vài trường hợp, do có nhiều vướng mắc như người mua nhà mua đi bán lại nhiều lần, giao dịch qua ủy quyền công chứng, không tìm được chủ nhà cũ.

Cũng theo ông Nam, bản thân chủ đầu tư là Công ty Nam Thăng Long - đơn vị có trách nhiệm đại diện các hộ dân làm sổ đỏ - cũng chưa nộp hồ sơ cho Văn phòng đăng ký đất nhà.

Để tháo gỡ tình trạng này, tháng 6/2012, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu cấp ngay sổ đỏ cho các căn hộ tại nhà G2, G3.

Giai đoạn II của dự án nằm trên địa giới hành chính của cả quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm, đến nay chưa cấp được trường hợp nào vì vướng khoản tiền sử dụng đất mà chủ đầu tư chưa nộp đủ cho nhà nước.

Giai đoạn II đã và đang xây dựng 7 tòa nhà chung cư và 250 căn biệt thự. Thành phố đã giao cho Sở Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể đối với chủ đầu tư.

Bất hợp lý lớn nhất, theo đại diện lãnh đạo UBND quận Tây Hồ đó là: quy định trước đây sau khi có quy hoạch 1/500 chủ đầu tư không phải xin cấp phép xây dựng. Điều đó đồng nghĩa với việc chủ đầu tư được quyền xây dựng, bán nhà ngay cả khi chưa nộp đủ tiền sử dụng đất với nhà nước.

Đây là kẽ hở rất lớn mà trường hợp có những vướng mắc pháp lý giữa chủ đầu tư với nhà nước thì người dân không biết kêu ai trong khi họ đã nộp đủ tiền cho chủ đầu tư.

Dư luận cho rằng, nếu các cơ quan quản lý nhà nước của Hà Nội làm hết trách nhiệm có lẽ chủ đầu tư sẽ không thể bán được nhà khi chưa nộp tiền sử dụng đất cho thành phố.

Sau gần 10 năm tiền bán nhà chủ đầu tư đã thu của dân, còn nghĩa vụ tài chính với thành phố thì vẫn chưa thực hiện. 1.400 tỷ đồng tiền ngân sách chưa thể thu về cho thành phố và người dân có quyền liên tưởng đến cung cách quản lý theo kiểu “thả gà ra đuổi” của thành phố Hà Nội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG