Đang rao bán căn nhà 5 tầng phố Kim Giang với giá 5,4 tỷ đồng nhưng anh Hùng, chủ nhà chấp nhận giảm ngay xuống còn 4,6 tỷ đồng nếu có khách mua để sớm bán được nhà trước khi chính thức bước sang tháng cô hồn. Anh Hùng cho hay, anh rao bán căn nhà này từ đầu năm nhưng đến nay vẫn chưa đẩy đi được.
Đang phải lo khoản tiền để đáo nợ ngân hàng nên anh buộc phải bán căn nhà mới xây được hơn 1 năm. Nhiều khách mua hỏi thăm, nhưng hầu hết là môi giới và ép giá xuống hàng tỷ đồng. Anh Hùng lo ngại, nếu không bán sớm, sang tháng ngâu, nhà đất đóng băng, anh phải chờ thời gian dài nữa mới có thể bán được.
Tương tự như anh Hùng, trên hàng loạt các trang mua bán rao vặt bất động sản, nhiều nhà đầu tư đang rao bán cắt lỗ hàng tỷ đồng. Anh Tuấn, một nhân viên môi giới, đang rao bán ngôi biệt thự ở Mỹ Đình chỉ 20 tỷ đồng, chấp nhận giảm 5 tỷ đồng so với thời điểm rao bán cách đây vài tháng mà vẫn chưa thành công. Khách hàng đi xem nhà cũng nhiều nhưng đòi ép giá xuống 18, 19 tỷ đồng, có người chỉ trả 15 tỷ đồng. Như vậy, so với giá đất mua ban đầu, cùng với việc xây nhà hoàn thiện, chủ nhà này đã mất gần 10 tỷ đồng.
Không chỉ đất thổ cư mà đất dự án cũng giảm mạnh, nhiều dự án đất nền biệt thự liền kề quanh Hà Nội đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hoàn thiện nhà xây thô cũng rao bán giảm từ 10 đến 30%. Trên thị trường hiện nay, biệt thự Văn Khê đã giao nhà đang giao dịch khoảng 45 - 50 triệu đồng/m2; biệt thự, liền kề Văn Phú khoảng 50 triệu đồng/m2, dự án Dương Nội giá đang chào bán trên thị trường khoảng 35 - 40 triệu đồng/m2. Một số dự án ở khu vực xa trung tâm, chưa hoàn thiện xong hạ tầng như Nam An Khánh, Kim Chung Di Trạch,... có giá bán giảm gần 50%.
Ở phân khúc chung cư, hàng loạt dự án cũng có giá giảm mạnh. Không chỉ chung cư cao cấp mà ngay cả bình dân cũng đồng loạt rao bán cắt lỗ. Cuộc cạnh tranh càng khốc liệt hơn khi chính bản thân chủ đầu tư cũng nhảy vào bán hàng giảm giá bằng nhiều chiêu, như cho vay không lãi suất, tặng nội thất, giãn tiến độ thanh toán.
Sàn BĐS Thái Minh Quang đang rao bán cắt lỗ 100% chung cư Dương Nội. Các căn hộ tòa CT7 được sàn này bán với giá từ 17,5 - 18,5 triệu đồng/m2, riêng căn diện tích nhỏ có giá 19 triệu đồng/m2. Giá trên hợp đồng của chủ đầu tư khoảng 23 triệu đồng/m2.
Căn hộ cao cấp dự án FLC Landmark Tower tại Mỹ Đình đang chào bán mức giá chỉ 23 triệu đồng/m2, trong khi đó giá chủ đầu tư lên tới 30 triệu đồng/m2.
Tương tự như vậy, chung cư Golden Place (Hà Đông) cũng bị một số nhà đầu tư thứ cấp bán thấp hơn 3 triệu đồng/m2 so với giá gốc, trung bình mỗi căn thấp hơn khoảng 400 triệu đồng. Giá trên thị trường của dự án này là 16 triệu đồng/m2.
Ám ảnh tháng cô hồn
Thị trường bất động sản Hà Nội đã trải qua nhiều tháng ảm đạm, trầm lắng. Những tác động từ tín dụng cũng như nền kinh tế vĩ mô chưa có tác dụng tới thị trường, nghiêm trọng hơn tình trạng nợ xấu đang là mối lo ngại lớn khiến cho thị trường lâm vào tình cảnh như hiện nay. Thanh khoản thấp, người mua èo ọtt cùng với những hoạt động bán tháo, cắt lỗ của nhà đầu tư khiến cho không ít người có nhu cầu mua phải dè chừng.
Đã thành lệ, hằng năm, tháng 7 âm lịch được coi là tháng "cô hồn" của giới kinh doanh bất động sản, ngay cả khi thị trường nóng hừng hực như những năm 2006 - 2007, giao dịch ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng. Chuẩn bị bước sang tháng bảy, hàng loạt chủ đầu tư đã vội mở bán để bước vào một tháng dài không giao dịch.
Ông Đỗ Quang Huy, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, nhận định, không chỉ có tháng 7 là tháng cô hồn mà cả năm nay thị trường bất động sản đang rơi vào tình cảm ảm đạm. Với dân bất động sản, thời gian qua đã "chơi dài" nên việc tháng 7 tới cũng không có tác động nhiều.
Theo ông Huy, tất cả các ngành nghề đều khó khăn không có đầu ra, hoặc ít. Bất động sản vốn thị trường cần có dòng tiền, nhiều vốn nên việc năm nay không có sóng, ít giao dịch là điều dễ hiểu. Khách hàng bây giờ cũng cẩn thận khi mua bất động sản. Họ phải chờ chủ đầu tư hoàn thiện xong, hạ tầng đầy đủ mới xuống tiền. Còn dự án mới thì phải là những chủ đầu tư có uy tín, tiềm lực dồi dào cũng như năng lực ổn định mới thu hút khách hàng.
Ông Nguyễn Đức Hòa, đại diện văn phòng bất động sản An Điền thừa nhận, thông thường tháng bảy rất kị với dân bất động sản, vì hầu như mọi hoạt động giao dịch đều đóng băng. Tháng bảy đến gần, thị trường có thể bước vào thời kỳ ngủ đông dài, khi những điểm sáng tích cực trên thị trường không có.
Mọi hỗ trợ cũng chỉ là đòn tâm lý dường như chưa thực sự ảnh hưởng tới thị trường. Bất động sản sẽ có cuộc cạnh tranh khốc liệt để tồn tại, những nhà đầu tư không đủ bản lĩnh sẽ dần phải từ bỏ thị trường. Qua các đợt thanh lọc, những dự án yếu kém sẽ bộc lộ ra.
Hiện nay, nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn, nhưng không phải ai cũng có đủ tiền để mua nhà mà cần phải có sự hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng, chủ đầu tư. Nếu nút thắt này được gỡ, không những người có nhu cầu nhà ở được an cư, mà các doanh nghiệp cũng sẽ vượt qua được khó khăn.
Nhận định về thị trường trong thời gian tới, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra nghi ngại. Thị trường sẽ còn tiếp tục chứng kiến xu hướng giảm giá bán tại các phân khúc hạng trung và bình dân, và giảm mạnh tại phân khúc cao cấp.
Theo Vef