Sản phẩm giao bán gần như “đóng băng”, dự án “đắp chiếu”, cạn vốn, nhiều doanh nghiệp BĐS rơi vào cảnh túng quẫn loay hoay tìm lối thoát. Cùng với nỗi lo của doanh nghiệp những nhân viên BĐS cũng lâm vào tình trạng khủng hoảng với khúc ca tinh chế, cắt giảm.
Làm kỹ sư giám sát công trình tại Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam HUD, anh Hùng bị chậm thanh toán lương mấy tháng nay. Anh cho biết tổ đội của anh có 4 người nhưng vừa qua cơ cấu lại chỉ còn một mình anh bám trụ, lương chỉ được trả nhỏ giọt một phần nhỏ của lương 2 – 3 tháng trước đó. Thậm chí, trước đó còn có thông tin “dọa” sẽ hạ lương nhân viên xuống mức cơ bản khiến vợ chồng chị lo nơm nớp. Từ 8 triệu đồng/tháng, với mức lương cơ bản chỉ còn khoảng hơn 3 triệu/tháng gia đình chị sẽ xoay như nào để chi tiêu, học hành cho con cái. Dù không bị hạ lương nhưng với cơ chế lương nhỏ giọt anh cũng chỉ biết lắc đầu: Tính ra không hạ mà cũng như hạ rồi!
Theo anh Thanh – Nhân viên Tổng công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị Udic thì hiện nay công ty cũng đang thực hiện chính sách giảm lương. Toàn bộ tính toán chi tiêu trong gia đình phải cân đối lại khi mức lương của anh hiện đã giảm 50%.
Vốn được coi là nghề “thời thượng” hái ra tiền, nhưng đến thời điểm này, nhiều nhân viên BĐS đã không thể “cầm cự” được với doanh nghiệp. Từng làm giám sát công trình tại HUD nhưng thời gian dài công việc bị đình đốn, nợ lương kéo dài anh M quyết định nghỉ việc để tìm cơ hội làm việc tại một công ty khác. Hiện anh đang làm cho một doanh nghiệp liên doanh nhưng trong thời gian chờ việc để xoay với bài toán kinh tế gia đình anh chấp nhận việc đi giao nem thính cho các quán ăn. Nhắc lại thời gian ấy anh ngán ngẩm: “Công việc lúc thì làm không hết, lúc lại lần chẳng ra”.
Tiến thoái lưỡng nan
Thực tế khó khăn của hoạt động BĐS trong năm 2011, kéo dài trong cả những tháng đầu năm 2012, việc giảm nhân sự, giảm lương đã trở thành một giải pháp cần thiết đối với nhiều doanh nghiệp.
Mặc dù đã tung cả trăm chiêu nghìn kế để hút khách nhưng thị trường vẫn ảm đạm chưa có sự khởi sắc. |
Ông Nguyễn Văn Đực – Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho biết: “Khi thị trường bị suy sụp, chủ doanh nghiệp không đủ trả tiền lãi thì buộc lòng phải cắt giảm chi phí. Và thực hiện kế hoạch cắt giảm là chuyện bình thường cần phải làm để phù hợp với tình hình tài chính thực tế của mỗi doanh nghiệp. Cắt giảm có thể gồm 2 phần. Một là, cắt giảm lương, hai là cắt giảm số lượng nhân viên. Đây cũng là cách để doanh nghiệp duy trì vượt qua thời điểm khó khăn này”.
Có chồng làm trong ngành xây dựng, chị Tình chia sẻ: “Công ty chồng tôi cũng nợ lương và thực hiện trả theo kiểu nhỏ giọt nên thu nhập về gia đình rất eo hẹp thậm chí là không có. Bạn bè trong ngành ai cũng than khó “đi không được ở cũng không xong”. Nhiều khi, họ còn bảo lương mình không bằng đi bán trà đá”.
Anh Quang Minh nhân viên kinh doanh tại một công ty BĐS than thở: “Trước đây, tôi hưởng lương cố định nhưng hiện nay, lương nhân viên kinh doanh của công ty được tính bằng việc áp bằng định mức. Trong khi đó, giao dịch thời điểm này gần như bằng không nên việc giảm 30 – 50% lương là điều dễ hiểu. Công việc gần như sự duy trì nhưng thực tế đối với nhiều nhân viên BĐS duy trì được công việc vẫn còn hơn không”.
Mặc dù đã tung cả trăm chiêu nghìn kế để hút khách nhưng thị trường vẫn ảm đạm chưa có sự khởi sắc. Từ cao ốc văn phòng đến căn hộ, đất nền... đều nguội lạnh. Lao động hoạt động trong ngành nghề bất động sản cũng bị "bén lạnh” và cũng “nín thở” chờ cơ hội từ những tín hiệu mới của thị trường.
Theo Vietnamnet