Nhà cho người thu nhập thấp chưa theo đúng kế hoạch. |
Theo Thanh tra Chính phủ, đến nay mới chỉ có 9 dự án được Ngân hàng Phát triển Việt Nam ký kết hợp đồng tín dụng cho vay vốn ưu đãi, với tổng số tiền 1.042 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay thấp một phần do các chủ đầu tư thực hiện các dự án không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong khi hồ sơ vay vốn của ngân hàng yêu cầu có tài sản thế chấp.
Bên cạnh đó, việc thực hiện thí điểm xây nhà cho sinh viên, công nhân khu công nghiệp cũng không thực sự khả quan. Theo thống kê, có 94 dự án nhà ở sinh viên được khởi công từ năm 2009 đến nay tại 28 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an với mục tiêu cung cấp 330.000 chỗ ở cho học sinh, sinh viên.
Đến nay, mới chỉ có 151 khối nhà đã hoàn thành với nguồn vốn trái phiếu đã phân bổ là 7.500 tỷ đồng (trên tổng số 8.000 tỷ đồng được Chính phủ phân bổ), cung ứng 125.000 chỗ ở.
Theo số liệu tổng hợp của 8 chủ đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên, tính đến ngày 30-11-2011, nguồn trái phiếu Chính phủ đã cấp là 2.405 tỷ đồng, nhưng các dự án này đang xây dựng dở dang, sinh viên chưa vào ở được. Nguyên nhân là, việc phê duyệt mức đầu tư chưa chính xác, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chưa cấp đầy đủ, chủ đầu tư xây dựng dàn trải.
Tương tự, các dự án xây nhà ở cho công nhân khu công nghiệp chỉ đạt 54% kế hoạch. Nhà ở công nhân khu công nghiệp có 27 dự án đã khởi công, đến nay mới chỉ có 9 dự án được đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư 1.625 tỷ đồng, đáp ứng chỗ ở cho 27.800 người lao động.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư, bổ sung vốn đầu tư với các dự án nhà ở sinh viên; thành lập đoàn thanh tra xử lý các tồn tại trong các dự án nhà ở sinh viên, cụm tuyến dân cư…