Mía đường: Vị đắng thủ công

Mía đường: Vị đắng thủ công
TP - Đang giữa niên vụ mía đường 2012-2013, đường do các nhà máy trong nước sản xuất có giá thành cao hơn đường Thái Lan bán tại biên giới Tây Nam khoảng 10%. Đây là lý do khiến tồn kho tính đến ngày 10-12 là 125.849 tấn. Điều gì thực sự đang diễn ra trong ngành mía đường Việt Nam?

> Xem bầu Đức làm mía đường
> Cuộc chiến 70.000 tấn đường giá rẻ

Thu hoạch mía ở Phụng Hiệp (Hậu Giang) hoàn toàn thủ công. Ảnh: Gia Thọ
Thu hoạch mía ở Phụng Hiệp (Hậu Giang) hoàn toàn thủ công. Ảnh: Gia Thọ.

Càng sản xuất càng lỗ

Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Hải cho biết, đến ngày 10-12, lượng đường tồn kho tại các nhà máy 121.489 tấn, tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội 4.360 tấn, tổng cộng tồn kho 125.849 tấn. Tuần qua, giá đường tiếp tục giảm thêm 100 đồng/kg so với tuần trước nữa.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam có 41 nhà máy, vào chính vụ mía đường gần 3 tháng nay, càng sản xuất càng lỗ. Nhà máy Long Mỹ Phát ở tỉnh Hậu Giang đã ngừng hoạt động từ ngày 22-10, vì không chịu nổi lỗ.

Cty CP Mía đường Cần Thơ lớn nhất nước, với hai nhà máy ở huyện Phụng Hiệp và TP Vị Thanh (Hậu Giang) đã ép được hơn 522.000 tấn mía (gần gấp rưỡi nhà máy đứng thứ hai), sản xuất hơn 40.000 tấn đường, đang tồn kho gần 18.000 tấn (45%).

Theo tính toán của CASUCO, giá thành sản xuất đường 14.300 đồng/kg, cộng thêm thuế VAT thành khoảng 15.000 đồng/kg, trong lúc giá bán buôn chỉ 14.200 - 14.500 đồng/kg.

Còn đường nhập lậu từ Thái Lan, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Nguyễn Hải cho biết, giá tại biên giới Tây Nam là 13.600 - 13.700 đồng/kg, vào sâu trong nội địa tăng thêm khoảng 400 đồng/kg, đều thấp hơn giá thành đường Việt Nam.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, Bộ Tài chính vừa có thông tư điều chỉnh thuế nhập khẩu đường theo cam kết WTO. Đường thô từ 15% lên 25%, đường tinh luyện từ 15% lên 40%; áp dụng từ ngày 1-1-2013.

Các nhà máy tìm nhiều cách nâng cao hiệu quả. Vài nhà máy đầu tư dây chuyền sản xuất đường tinh luyện để đáp ứng nhu cầu còn thiếu trong nước, bớt sản xuất đường thô đã vượt quá nhu cầu.

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ để ngành mía đường tồn tại là phải hạ giá thành. Bởi vì, chỉ ba năm nữa Việt Nam bỏ hàng rào thuế quan đối với đường cát thì mới có khả năng cạnh tranh.

Trong giá thành đường cát, giá mía chiếm khoảng 80% và đây chính là mấu chốt của bài toán hạ giá thành.

Manh mún, thủ công

Có điều đáng ngạc nhiên, năng suất mía của nông dân Việt Nam, nhiều hộ cao hơn gấp đôi bình quân Thái Lan.

Từ năm 2006, CASUCO đầu tư xây dựng vùng mía nguyên liệu với việc thành lập Câu lạc bộ 200, hỗ trợ nông dân trồng mía đạt năng suất từ 200 tấn/ha trở lên (diện tích ít nhất 0,7 ha, chữ đường tối thiểu 8,5). Niên vụ này chưa kết thúc nhưng đã có 63 nông hộ đạt được.

Theo Phó Tổng Giám đốc CASUCO Nguyễn Hoàng Ngoan, năng suất mía của Thái Lan bình quân chỉ 90 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Nhị ở khu vực 8, phường Hiệp Thành (TX Ngã Bảy, Hậu Giang) trồng 1,4 ha mía, năng suất 213 tấn/ha, chữ đường 10,7. Giá mía CASUCO mua tại ruộng 940 đồng/kg với mía 10 chữ đường. Tính ra, mỗi héc ta ông Nhị lời hơn 100 triệu đồng.

Giá mía của các nhà máy đường trên cả nước đang mua cũng tương đương CASUCO, và cao hơn giá mía ở Thái Lan hay Campuchia. PV Tiền Phong đặt vấn đề giảm giá mía xuống xấp xỉ các nước trong khu vực để bớt lỗ cho nhà máy sản xuất đường, ông Ngoan nói “không thể”.

Ông Ngoan giải thích, vì mỗi hộ nông dân chỉ có trên dưới 1 ha mía, năm trồng một vụ nếu chia tiền lời cho bình quân đầu người trong gia đình thì cũng không được bao nhiêu. Hơn nữa, năng suất ở Câu lạc bộ 200 là điển hình, còn năng suất mía bình quân nước ta chỉ hơn 60 tấn/ha. Nếu hạ giá mía xuống, nông dân sẵn sàng bỏ cây mía, niên vụ sau các nhà máy sẽ thiếu nguyên liệu.

Tại Việt Nam, mía không chỉ năng suất thấp mà chữ đường cũng thấp, bình quân chỉ 9, trong lúc mía Thái Lan là 13, do giống mía của nước ta lạc hậu. Việc trồng và thu hoạch mía ở nước ta cũng rất lạc hậu, hoàn toàn thủ công. Riêng việc thu hoạch mía chiếm khoảng 20% giá thành của cây mía.

Tất cả sự lạc hậu ấy có nguyên nhân căn bản là sản xuất manh mún, với diện tích quá nhỏ, nông dân không có động lực và điều kiện cải tạo giống, cơ giới hóa.

Ông Ngoan kể, có lần kiện nông dân đã nhận đầu tư mà không bán mía cho nhà máy, nhưng ra tòa thấy nông dân nghèo quá lại rút đơn kiện.

Ông Ngoan cho rằng, bao giờ mỗi hộ nông dân có diện tích trồng mía 50 -100 ha như Thái Lan và nhiều nước khác, để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì mới hạ được giá thành mía đường.

“Chỉ khi đó, nông dân có thu nhập khá mà nhà máy cũng đứng vững trong thị trường, mía đường mới hết vị đắng”, ông Ngoan nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG