Nhóm nhảy hip-hop làm khán giả phát khóc

Các vũ công Energy (Nghị lực) nhảy hip-hop mà không hề nghe thấy nhạc. Ảnh: Tony Le
Các vũ công Energy (Nghị lực) nhảy hip-hop mà không hề nghe thấy nhạc. Ảnh: Tony Le
TP - Tiết mục tham dự cuộc thi Tìm kiếm tài năng (Vietnam’s Got Talent) của nhóm nhảy Energy hoàn toàn bình thường - các vũ công nhí nhảy sôi động, rất đúng nhạc - nếu không có một cô giáo đứng bên rìa sân khấu dùng tay ra hiệu cho các em.

> Cậu bé hát nhạc phim Titanic khiến giám khảo phát khóc

Các vũ công Energy (Nghị lực) nhảy hip-hop mà không hề nghe thấy nhạc. Ảnh: Tony Le
Các vũ công Energy (Nghị lực) nhảy hip-hop mà không hề nghe thấy nhạc. Ảnh: Tony Le.
 

Điệu nhảy chỉ kéo dài khoảng 3 phút, nhưng các vũ công đã làm cho cả 3 thành viên BGK và một số khán giả phải rớt nước mắt. Trong khi đó, các em đều rất vui, thậm chí cười toe toét vì được vào vòng trong. Thầy Vũ Trọng Quỳnh, bí thư Đoàn trường của các em, kể: “Ngay sau khi tiết mục bắt đầu vài giây, khán giả đã đứng hết lên để cổ vũ. Trong cánh gà, tôi rất xúc động, không ngờ các em lại được khán giả ủng hộ như thế”.

Tiết mục kết thúc, toàn thể khán giả và BGK đứng dậy. Tất cả để tay vào ngực rồi đưa về phía trước, theo ngôn ngữ của người khiếm thính là: “Chúng tôi yêu các bạn”. Nếu không thấy người hướng dẫn, không được báo trước, chắc chắn không ai nghĩ các vũ công không nghe thấy bất cứ một âm thanh gì. Chưa kể, hầu hết các em đều không nói được.

Ý tưởng thành lập nhóm nhảy xuất phát chính từ năng khiếu của các em, khi thầy cô của Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) nhìn thấy mấy em biểu diễn các động tác hip-hop trong giờ ra chơi. Tên Energy được đặt cho nhóm với ý nghĩa “nghị lực”.

Nhóm chính thức được thành lập khi một tình nguyện viên của chương trình Tìm kiếm tài năng về tận nơi vận động Trung tâm tham dự cuộc thi. Trong khoảng thời gian 2 tháng kể từ đó đến khi lên sân khấu rạp Công Nhân (Hà Nội) trình diễn, hầu như ngày nào các em cũng luyện tập hăng say. Các thầy cô mời vũ công ở thị xã Sơn Tây đến dạy cho các em khoảng 7-8 buổi.

Cô Phùng Thị Dung, giáo viên phụ trách mảng văn nghệ của trung tâm, có vai trò “chuyển ngữ”. “Các em thích nhảy, có năng khiếu nên tiếp thu nhanh lắm”, cô Dung nhận xét. Khi các em lên sân khấu, cô trở thành “nhạc trưởng”. Nói theo một cách nào đó, cô chính là âm nhạc đối với các em. Các em chỉ cần nhìn vào cô, đảm bảo không bao giờ nhảy sai nhạc.

Hai tuần trước khi đi thi Tìm kiếm tài năng, VTV2 phát hiện ra nhóm và mời Energy tham gia một chương trình truyền hình trực tiếp. Khán giả vỗ tay nhiệt tình trước tiết mục của nhóm, nhất là đến đoạn nam vũ công nhảy solo bằng lưng. Kết quả làm em say quá, quên cả nhìn cô, hết phần nhạc mà vẫn xoay. Nhưng chắc khán giả không nhận ra, có nhận ra cũng không coi đấy là lỗi, mà giống như em nhảy thêm để tặng khán giả.

Hiện các vũ công Energy vẫn chăm chỉ luyện tập hip-hop. Tuy nhiên, sợ rằng nếu vẫn thi bằng nhảy hip-hop sẽ không đặc sắc mấy, nên cô Dung có ý định khai thác thêm những khả năng khác. Cô cho hay: “Các em gái múa đẹp lắm, từng đi biểu diễn nhiều rồi”. Các em nữ trong nhóm từng múa trên sân khấu của Cung Thiếu nhi Hà Nội, Đài Truyền hình Hà Tây (trước đây), hay cùng các thầy cô tham gia hội diễn của cán bộ viên chức.

“Tập một điệu múa cho các em không mất thời gian nhiều lắm. Các em thông minh, làm rất nhanh”, thầy Quỳnh nói. Tuy nhiên, thầy cũng có vẻ chưa an tâm cho các em tập luyện để tiếp tục vào vòng trong Tìm kiếm tài năng. Vì theo thông tin thầy nhận được từ BTC cuộc thi, 140 tiết mục đã được BGK gật đầu sẽ còn được duyệt lại qua băng hình, và chỉ 49 trong số đó là được trình diễn tại vòng bán kết.

Các em Energy trong độ tuổi 13 đến 15, đang học lớp 4-5 tại Trung tâm. Đó cũng là những năm tháng cuối cùng các em được học văn hóa, sau đó sẽ chuyển sang học một trong các nghề: may, thêu, dệt, làm hương, làm tranh đá quý... tùy nguyện vọng. Trẻ khiếm thính thường chỉ đủ sức học hết lớp 5, trừ một vài trường hợp hiếm hoi được chọn vào lớp đặc biệt đào tạo giáo viên khiếm thính dạy trẻ khiếm thính của Trường ĐH Sư phạm Trung ương.

Thầy Quỳnh coi việc các em dự thi hip-hop như hoạt động ngoại khóa - xã hội cho các em phấn khởi, tích cực học tập, rèn luyện hơn. Tuy nhiên, thầy cũng nghĩ đến khả năng các em có thể hoạt động nghệ thuật một cách bài bản hơn, nếu có đơn vị bên ngoài giúp đỡ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG