'Hở' với Nguyễn Thế Hoàng Linh

Nguyễn Thế Hoàng Linh ký tặng thơ độc giả tối 20-9. Ảnh: Cúc Chi
Nguyễn Thế Hoàng Linh ký tặng thơ độc giả tối 20-9. Ảnh: Cúc Chi
TP - Tập thơ mới xuất bản của hiện tượng thơ trẻ thời gian qua, được mang ra thảo luận tại tọa đàm cùng tên tối 20-9 tại L’Espace.

> Thơ đến từ hòa điệu mới

Nguyễn Thế Hoàng Linh ký tặng thơ độc giả tối 20-9. Ảnh: Cúc Chi
Nguyễn Thế Hoàng Linh ký tặng thơ độc giả tối 20-9. Ảnh: Cúc Chi.
 

Hở gồm 100 bài, đa phần tập hợp từ các tập thơ trước đó, ít bài mới sáng tác năm 2010. Theo lời nhà thơ 30 tuổi, tên tập thơ nghe lạ này do Cty Nhã Nam chọn. Họ ngẫu hứng chọn trúng một số bài tâm đắc, từ các tập gửi đến: Lẽ giản đơn, Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới.

PGS.TS nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, không phải ngẫu nhiên tên tập thơ là Hở. Hở ở đây cũng có nghĩa là mở toang cánh cửa lòng mình cho thiên hạ, để trần mọi thứ. Trong số trăm bài, Hoàng Linh nói đủ cung bậc đời sống, tình yêu, nỗi buồn của người trẻ, không thiếu suy tư thời cuộc.

Như nhận xét của nhà văn Hồ Anh Thái: “Thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh mang sắc vẻ trẻ trung nhưng cũng già dặn xa cách với những gì phù phiếm. Trẻ, nhưng đã sâu đậm những triết lý, giả định. Rõ nét nhất là những lý tưởng, khao khát được làm một cái gì đó lớn lao và khát vọng muốn được cống hiến, sáng tạo”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên với tư cách chủ tọa khéo đưa lời khen tác giả Chuyện của thiên tài- tiểu thuyết, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2005: “Đọc thơ Linh thì thấy thơ rất dễ, nhưng sau đấy lại thấy làm thơ rất khó. Dễ vì đọc thơ Linh thấy cái gì đời sống đô thị hôm nay cũng có, đó là cuộc sống người trẻ hôm nay đối diện, bắt gặp, suy tư, thích nghi”.

Lí giải chất lục bát đẫm trong thơ, Nguyễn Thế Hoàng Linh nói: “Lục bát là thể loại dễ làm. Sinh ra đứa trẻ nào cũng được ngấm lời ru của bà của mẹ. Đứa trẻ đó lớn lên đọc thêm nhiều thơ lục bát. Bản thân tôi chăm chỉ đọc nhiều lục bát của người khác, ảnh hưởng kỹ thuật làm thơ của họ: Bùi Giáng, Nguyễn Bính, Nguyễn Duy”.

Cử tọa tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp tối 21-9 có vẻ phân tán. Dường như không phải ai cũng đồng cảm với thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh. Không ít người băn khoăn những cái đời thường, có phần dung tục, thậm chí rác có mặt trong thơ liệu có ổn? Như, “Tôi hỏi một không tám không/chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?/chị tổng đài giọng nhu mì/à nhiều màu lắm vặt đi vẫn nhiều” (Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông). Chính thế, có cử tọa không ngại hỏi tác giả có thích buổi tọa đàm này không, có nghĩ thơ mình hợp với tọa đàm như thế.

Tự nhận là người kiệm lời, trao đổi giữa Nguyễn Thế Hoàng Linh với người nghe có phần khép, mà đáng ra tọa đàm thơ thường mang đến nhiều hứng khởi cho người nghe. Bù lại, giới trẻ được dịp nghe nhà thơ trải lòng lí do rời trường Ngoại thương ở năm thứ 3, để đến với thơ:

“Tôi làm thơ từ năm 12 tuổi, tôi tin mình làm ra sản phẩm chất lượng, nghĩ mình có thể bán được sản phẩm. Khi học đại học, ngẫu nhiên tôi có tâm trạng, bức xúc và cảm thấy viết sẽ tốt hơn là dành thời gian cho học hành. Có hai điều tôi muốn nói với các bạn, khi bạn tin bản thân có sản phẩm tốt, sẵn sàng đầu tư thì bạn hãy làm điều đó. Bạn đừng để phí tâm trạng, khoảnh khắc mà bạn biết chắc ít có cơ hội xảy ra lần nữa”.

Giới phê bình từng gán cho Nguyễn Thế Hoàng Linh “Thi tài tuổi 20”. Giờ nhà thơ tuổi 30 khiêm tốn cho rằng, tất cả chúng ta đều làm thơ, chỉ có điều mật độ có dày hay không. Lâu nay anh đang theo đuổi tiểu luận Tính thơ có ở khắp nơi. Khi có người nhắc đến liệu có kiêu ngạo hay không khi viết Chuyện của thiên tài, tác giả giải thích: Thiên tài chỉ là những khoảnh khắc tạo nên tác phẩm Chuyện của thiên tài, đó không phải là cái mác dán lên người để sống tiếp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG