Lời đầu tiên, chúng tôi muốn cảm ơn Vụ Thi đua khen thưởng của Bộ VH-TT-DL khi đã nhanh chóng có sự trả lời về việc kiến nghị của chúng tôi. Điều đó, khiến những nghệ sỹ chúng tôi có thêm tin tưởng và hy vọng vào sự công tâm và minh bạch của những thành viên Hội đồng xét giải.
Chúng tôi nghĩ, là một nghệ sỹ, tác phẩm mang nghĩa vụ cống hiến, đóng góp cho xã hội, cho đất nước mới là điều quan trọng nhất, còn anh có được công nhận hay không chưa chắc đã phải là mục đích chính khi người nghệ sỹ bắt đầu quá trình sáng tạo của mình. Chúng tôi rất mừng vì công luận đã hiểu được bản chất của việc kiến nghị là mang tính xây dựng, bảo vệ cho giá trị và uy tín của các danh hiệu và giải thưởng chứ không phải là việc tranh chấp quyền lợi cá nhân.
Còn rất nhiều nghệ sỹ thực sự xứng đáng theo đánh giá của các đồng nghiệp và công chúng nhưng còn có những lý do nào đó, họ chưa vượt được qua sự tự tôn sẵn có của người sáng tạo để mà tìm hiểu quy chế, đường đi nước bước để có thể có được Hồ sơ - giấy tờ (vốn rất quy tắc và minh bạch, đôi khi hơi khuôn phép cứng nhắc bằng các tiêu chuẩn…) khiến cho đôi khi những nghệ sĩ “biết cách” tìm đến với sự công nhận của Nhà nước không hề “phạm quy” nhưng lại khiến đồng nghiệp và công chúng không thỏa mãn.
Sau khi nhận được phản hồi đúng mực, minh bạch của Vụ thi đua khen thưởng Bộ VH-TT-DL , trong đó có điều khoản về việc : Nếu chúng tôi (Đạo diễn Nguyễn Thước và hai biên kịch) vẫn tiếp tục muốn đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước với chùm tác phẩm mà anh Thước đã là người đại diện đăng ký hồ sơ (chứ không phải cá nhân đạo diễn có tư cách được đề nghị xét giải) nếu có được sự đồng thuận của các thành phần chính của đoàn làm phim: Biên kịch-đạo diễn-quay phim-thu thanh… thì Bộ vẫn sẽ tiếp tục gửi hồ sơ lên cấp trên đề tiếp tục xét Giải thưởng Nhà nước cho cụm công trình chung của chúng tôi. Riêng tôi và chị Phan Thanh Tú, chúng tôi đã thống nhất quan điểm chung là chúng tôi rất cảm ơn Hội đồng xét giải nhưng chúng tôi xin phép được rút khỏi danh sách đó. Chúng tôi thấy mỗi cá nhân mình vẫn còn nhiều cơ hội để cống hiến và để công chúng thừa nhận tác phẩm, thừa nhận khả năng của mình trước khi đề nghị các cấp lãnh đạo công nhận nó bằng các Giải thưởng và danh hiệu.
Cá nhân tôi thấy rằng đối với người nghệ sĩ, việc các đồng nghiệp có công nhận, đánh giá đúng khả năng chuyên môn của mình hay không chưa phải là điều đáng lo sợ; Các cấp lãnh đạo, Hội đồng xét giải thưởng có nhìn nhận chưa đầy đủ, còn phiến diện với tài năng và giá trị tác phẩm của mình cũng chưa hẳn là điều đáng để nghệ sỹ phải bức xúc hay hằn học gì… điều nguy hiểm nhất là bản thân người nghệ sỹ không biết tự đánh giá đúng mực về khả năng cũng như giá trị tác phẩm của mình. Bởi vì, suy cho cùng nếu nghệ sỹ thấy mình luôn xứng đáng, luôn đủ tiêu chí, luôn đúng quy tắc… để xã hội và công chúng phải công nhận thì anh ta sẽ luôn luôn sống trong sự bức xúc, dằn vặt và cảm thấy bất mãn khi mình không được công nhận.
Nguyễn Thước, Phan Huyền Thư. |
Nghệ sỹ luôn cần phải có DANH nhưng cái danh ấy cũng sẽ chính là tấm gương để người nghệ sỹ soi vào mà thấy được vị trí của mình ở đâu trong đời sống và môi trường nghệ thuật.
Nhân đây, tôi cũng xin phép các đồng nghiệp của ngành điện ảnh nói riêng và các ngành nghệ thuật nói chung nói lên điều tâm huyết của mình. Tôi nghĩ rằng các danh hiệu và giải thưởng cần phải có sự uy nghiêm, tôn kính và đúng mực của nó. Tuy là dân chủ và mở rộng nhưng cũng không có nghĩa là xô bồ, dễ dãi, điều đó rất dễ làm “mất thiêng”, giảm uy tín của các danh hiệu mà những nghệ sỹ thực sự xứng đáng đã được công nhận. Các Hội đồng xét giải và danh hiệu cũng không thể là “cái chợ” để ai muốn làm hồ sơ thì làm… chúng tôi sẽ xét! Mỗi cơ quan nghệ thuật hiện nay đều có Hội đồng thi đua khen thưởng của mình, vậy thì họ làm gì nếu như không phải là theo dõi, giám sát và thúc đẩy các công việc hành chính, thủ tục liên quan đến việc đề xuất thành tích cho các nghệ sỹ? Xin đừng bắt nghệ sỹ chúng tôi phải tự mầy mò, dò dẫm các quy chế, đường dây giấy tờ, hồ sơ để được công nhận… Chúng tôi có thể giỏi nghề nhưng chưa chắc đã giỏi chạy theo các quy chế thủ tục, hơn nữa việc phải đệ đơn tự xin người khác công nhận mình là việc không phải nghệ sỹ nào cũng thỏa thuận được với chính mình mà chạy đi hỏi han, xin mẫu đơn khai khai, chép chép… Liệu chúng ta có ra được quy chế là không nhận hồ sơ cho cá nhân tự gửi mà chỉ chấp nhận hồ sơ từ cấp cơ sở chủ quản trình lên không? Liệu bộ phận thi đua khen thưởng của mỗi đơn vị nghệ thuật có đủ công tâm và minh bạch để giải quyết các thắc mắc, kiến nghị từ cấp cơ sở để nghệ sỹ không phải thắc mắc vượt cấp lên tận Bộ chủ quản không?
Phan Thanh Tú. |
Mỗi khi thấy có sự công nhận chưa thật xứng đáng, chúng tôi thường có phản ứng mang tính xây dựng phần nhiều, vì máu Lục Vân Tiên “Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha…” nhưng điều đó cũng rất dễ bị suy diễn và đánh giá sai lệch, mất thể diện của những người làm nghệ thuật. Vì chẳng nhẽ, mấy ông bà văn nghệ sỹ, tác phẩm của họ chẳng biết hay dở đúng sai thế nào, đóng góp được gì cho xã hội cho đất nước mà lại lên mặt báo, ra công luận tranh luận “Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại…” thành ra xã hội lại coi thường, nhiều người vốn hẹp hòi lại được phen “ bão táp trong chén trà” thích thú…
Lời cuối cùng, tôi xin cám ơn các độc giả đã mất thời gian theo dõi vụ việc “chẳng hay ho gì” của chị em chúng tôi. Các cụ đã dạy: “Vứt rác lên trời thì rác sẽ rơi vào mặt”. Qua vụ việc này, tôi chỉ thấm thía một điều: “Tiêu chí và quy chế phong danh, xét giải cho nghệ sỹ chỉ thực sự có ý nghĩa nếu người nghệ sỹ biết tự đánh giá bản thân mình”.
Vừa qua, báo Tiền Phong đã đưa loạt bài liên quan đến kiến nghị của hai nhà biên kịch Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú, gửi đơn kiến nghị về trường hợp đạo diễn Nguyễn Thước xin xét tặng giải thưởng Nhà nước. Hội đồng xét tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT - lĩnh vực điện ảnh đã có công văn số 2212/BVHTTDL-TĐKT, do Thứ trưởng Lê Khánh Hải - Chủ tịch Hội đồng ký ngày 13/7/2011. Điểm quan trọng nhất trong văn bản này là khẳng định đối tượng xét tặng giải thưởng là “tác phẩm chứ không phải là tác giả”, và “khi đề nghị xét tặng Giải thưởng cho cụm tác phẩm, phải được sự đồng thuận của các thành phần chính sáng tạo ra nó”. Điều này có nghĩa, đạo diễn Nguyễn Thước phải tìm được sự đồng thuận của hai nhà biên kịch Phan Huyền Thư và Phan Thanh Tú thì cụm tác phẩm ông dùng làm căn cứ thành tích trình lên Hội đồng mới có giá trị xem xét. H.A |