Xem hài, cười không nổi

Xem hài, cười không nổi
Sau một thời gian dài vắng bóng, nhiều phim hài xuất hiện trở lại trên sóng truyền hình. Khán giả hy vọng sẽ được vui với bộ phim giải trí có ý nghĩa cao, nhưng trên thực tế, nhiều phim rất khó chọc cười, thậm chí còn gây khó chịu.

Những hình ảnh… lệch lạc

Chương trình hài “Xả xì choét” (40 phút) do NSND Khải Hưng đạo diễn phát vào thứ 7 hàng tuần trên HTV1, Đài Truyền hình Hà Nội. Vẫn những gương mặt hài quen thuộc của miền Bắc: Phạm Bằng, Văn Hiệp, Quang Thắng, Vân Dung, Hiệp "Gà", Đức Khuê, Quốc Khánh... khiến khán giả liên tưởng đến chương trình hài “Gặp nhau cuối tuần” cách đây hơn 2 năm từng gặt hái kha khá thành công. Tuy nhiên, những câu chuyện được xây dựng một cách quá đà về "Người giúp việc"; "Mẹ chồng- nàng dâu"... lại tạo hình ảnh lệch lạc về những mối quan hệ này.

Xem hài, cười không nổi ảnh 1

Đơn cử là phần mở đầu của chương trình “Xả xì choét” (Những người giúp việc vui tính) với hàng tá chuyện về "ô sin" cột điện thoại vào đầu để "buôn dưa lê", "nấu cháo điện thoại cả ngày"... xem chừng "hơi quá" trong cách xây dựng hình ảnh. Phải chăng, các nhà làm phim hài đã có cái nhìn thiên kiến về lực lượng lao động này khi mà gần đây, những bộ phim đều xây dựng hình ảnh người giúp việc khi thì "nói ngọng, vô duyên"; khi thì có tính "tắt mắt"... Cách xây dựng này, nếu thành hệ thống, sẽ rất phản cảm, không tuyên truyền, giáo dục được thế hệ trẻ trong gia đình có cách cư xử tốt với người giúp việc.

Đến phần "Chuyện văn phòng" thì khán giả "toát mồ hôi" khi xem sếp (Vượng "râu" thể hiện) chọn Phó phòng bằng cách đặt ra các cuộc thi năng khiếu, nghệ thuật cho nhân viên (do Quốc Khánh và Quang Thắng thủ vai).

Chị Nguyễn Thị Thủy (Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Đông Đô, Hà Nội) bức xúc nói: "Thi thố là chuyện bình thường trong cuộc sống, nhưng xem cảnh thi trong "Xả xì choét" thì khán giả như tôi không thể ngồi quá 5 phút. Đơn cử như cảnh sếp và nhân viên thi hát với đạo cụ là thang, khoan bê tông, chiêng trống, nịnh nọt cũng như "chơi bẩn" thái quá với đồng nghiệp để tranh chức... là chuyện không có thật ở bất kỳ một văn phòng, công sở nào. Đó là chưa kể đến kiểu diễn như làm trò, quát nạt như ngoài chợ của diễn viên. Không xem thì thôi, chứ xem mà không... cười nổi lại thấy tiếc cho sự kỳ vọng của mình".

Xem hài, cười không nổi ảnh 2

Kiểu đối thoại vừa kể, vừa kêu

Sau “Xả xì choét”, khán giả lại hy vọng vào chương trình Thư giãn cuối tuần (Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam) - sự trở lại của Gặp nhau cuối tuần trên sóng VTV3 tối thứ Bảy hàng tuần. Ngoài những tiểu phẩm hài với sự tham gia của các nghệ sỹ Nam - Bắc thì còn có hai tiết mục là “Bơm Vá” và “Hỏi xoáy- Đáp xoay”. Tuy nhiên, câu chuyện của anh Bơm - anh Phô (do Tự Long và Công Lý đóng) không mới, với lối diễn cũ kỹ, đối thoại kiểu vừa kể, vừa kêu than khiến những vấn đề “nóng” của đời sống như lo cho con cái đi học, mất nước, mất điện, xin việc, vợ chồng ứng xử... không thực sự trở thành tâm điểm.

Đó là chưa kể đến việc phát sóng muộn, chủ đề "nóng" như mất điện (tháng 6), chạy học cho con (tháng 7) thì đến tháng 9 mới phát sóng... Cùng với đó là câu chuyện của anh Trần Xoáy và anh Cù Trọng Xoay (Xuân Bắc và Tiến Dũng thể hiện) trong mục “Hỏi xoáy- Đáp xoay”, tuy cách hỏi ngược mới, lạ nhưng không hề "chọc cười" được khán giả.

Chị Thanh Tâm (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Vẫn biết, cái khó bó cái khôn, trong thời buổi kinh phí dành cho các chương trình truyền hình eo hẹp, kịch bản hay khan hiếm nhưng đã làm phải ra làm, chứ cái kiểu làm khơi khơi, nhàn nhạt như thế này, khán giả bỏ ra 45 phút mà càng xem càng... bực mình thì thà không có còn hơn".

Xem hài, cười không nổi ảnh 3

Cũng có cái để xem

Chương trình "Vui bốn phương, cười tám hướng" vừa lên sóng vào lúc 10h trên kênh VTV3 của đạo diễn Lưu Hà (Công ty Trần Gia Media phối hợp với Đài THVN sản xuất) có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ hài nổi tiếng hai miền như: Chí Trung, Thanh Bình, Phạm Bằng, Thu Hà, Chiến Thắng, Đức Hiệp, Hoài Linh...đã thu hút được đông đảo khán giả theo dõi với lối dẫn chuyện khá hấp dẫn. Chương trình 45 phút gồm 4 phần như: Dẫn nối; Talk show; ca nhạc tạp kỹ- video ca nhạc hài; Trần gian ký sự.

Tuy nhiên, đáng kể nhất phải nói đến phần Ca nhạc tạp kỹ - Video ca nhạc hài với các tiết mục mang đậm yếu tố dân gian, vở cải lương, chèo, tuồng cổ... góp phần tái hiện văn hóa truyền thống dân tộc và phim sitcom Trần gian ký sự kể về những câu chuyện dựa trên tính cách đã đi vào huyền thoại của các nhân vật Ba Giai, Tú Xuất, Lý Toét, Trạng Quỳnh, Trạng Lợn...

Kết cấu theo kiểu chương hồi khá thú vị. Đó chính là những điểm mới trong cách kể chuyện hài không theo lối kể bình thường đã quá quen, quá nhàm với công chúng.

Công bằng mà nói, các đơn vị sản xuất phim hài trên truyền hình đều mong muốn mang đến cho khán giả những giờ thư giãn vui vẻ. Tuy nhiên, nếu không chịu đổi mới cách thể hiện như một số chương trình mà chúng tôi vừa "điểm mặt" thì việc khán giả không cười, thậm chí là quay lưng với phim hài là không tránh khỏi.

Theo Hà An
Gia đình Xã hội

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.